Trong cuộc họp báo vào ngày 20/7 vừa qua, NASA cho biết sẽ tiến hành triển khai giai đoạn đầu tiên của sứ mệnh Mặt Trăng Artemis-1 vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9.
NASA cũng cân nhắc ba thời điểm, bao gồm: 8h33 ngày 29/8, 12h48 ngày 2/9, 17h12 ngày 5/9 (theo giờ ở miền đông Bắc Mỹ).
Tuy nhiên, ngày phóng chính xác Hệ thống Phóng Không gian (SLS) sẽ được NASA thông báo trước khoảng 1 tuần.
Dù đã làm việc tại NASA được 37 năm, nhưng ông Rick LaBrode, giám đốc chuyến bay chính của Artemis 1 – dự kiến cất cánh vào cuối tháng 8, cho biết rằng sứ mệnh trở lại Mặt Trăng của người Mỹ cho đến nay mới chính là thời khắc đỉnh cao trong sự nghiệp của ông.
Sự kiện vào cuối tháng 8 cũng là lần đầu tiên một phi thuyền chở người sẽ được được đưa lên Mặt Trăng, kể từ sứ mệnh Apollo cuối cùng vào năm 1972.
Trao đổi với các nhà báo ở Trung tâm Kiểm soát Sứ mệnh của Cơ quan Vũ trụ Mỹ tại Houston (Texas, Mỹ), ông LaBrode chia sẻ: "Điều này thực sự thú vị hơn bất cứ điều gì mà tôi từng tham gia".
Người Mỹ sẽ quay trở lại Mặt Trăng: Một hành trình mới
Giám đốc chuyến bay chính của Artemis 1 tâm sự, thời điểm trước ngày phóng có thể sẽ là một đêm dài và ông khó có thể chợp mắt được nhiều.
Trước những tấm màn hình khổng lồ mang tính biểu tượng của hệ thống kiểm soát về sứ mệnh, ông LaBrode nói: "Tôi sẽ rất phấn khích và không thể ngủ được mấy, tôi chắc chắn về điều đó".
Sứ mệnh Artemis 1 sẽ bắt đầu khởi động với việc phóng Hệ thống Phóng Không gian (SLS). Đây sẽ là siêu tên lửa mạnh nhất thế giới khi nó đi vào hoạt động.
Chuyến bay này sẽ đẩy phi hành đoàn Orion vào quỹ đạo ở xung quanh Mặt Trăng. Tàu vũ trụ này sẽ ở trong không gian trong vòng 42 ngày trước khi trở lại Trái Đất.
Đến năm 2024, các phi hành gia sẽ lên con tàu Orion trong cùng một chuyến đi, và sớm nhất là vào năm 2025, người Mỹ sẽ lại một lần nữa đặt chân lên Mặt Trăng.
Theo NASA, trong suốt thời gian diễn ra sứ mệnh Artemis 1, có một nhóm nhân viên của cơ quan này sẽ ở lại hệ thống kiểm soát về sứ mệnh 24 giờ/ngày. Theo đó, trung tâm cũng đã được cải tạo và tu sửa cho sự kiện này. Các đội liên quan đã tiến hành tập luyện cho khoảnh khắc đặc biệt trong 3 năm qua.
Ông Brian Perry, sĩ quan Động lực học chuyến bay, đồng thời là người sẽ phụ trách quỹ đạo của tàu Orion ngay sau vụ phóng, chia sẻ rằng, đây là một hành trình hoàn toàn mới, với một tên lửa mới, một tàu vũ trụ mới và một trung tâm điều khiển hoàn toàn mới. Do đó, ông cùng các cộng sự sẽ làm việc chăm chỉ để giữ sự tập trung.
Gấp rút huấn luyện ngày đêm
Ngoài việc gấp rút chuẩn bị tại trung tâm điều khiển, các phi hành gia tham gia sứ mệnh quay trở lại Mặt Trăng lần này cũng được huấn luyện ở bể bơi trong nhà lớn nhất thế giới trong phòng thí nghiệm Neutral Buoyancy. Bể bơi với dung tích hơn 23 triệu lít nước, có chiều dài hơn 60 m, rộng 30 m và sâu tới 12 m.
Đây cũng chính là bể bơi mô phỏng điều kiện không trọng lực giúp các phi hành gia có thể luyện tập, chuẩn bị tốt trước khi bay vào không gian.
Trên thực tế, theo NASA, một mặt của Neutral Buoyancy là một phiên bản mô phỏng của Trạm Vũ trụ Quốc tế và bị nhấn chìm dưới nước. Trong khi đó, ở mặt còn lại, môi trường trên Mặt Trăng hiện đang dần được tái tạo ở dưới đáy bể bơi và có cả những tảng đá mô hình khổng lồ.
Phó giám đốc phòng thí nghiệm Lisa Shore, cho biết: "Chỉ trong vài tháng gần đây, chúng tôi mới bắt đầu tiến hành đổ cát xuống đáy bể bơi. Chúng tôi mới lấy được tảng đá lớn đó trong hai tuần trước. Tất cả đều rất mới đối với chúng tôi và hiện còn nhiều thứ đang trong quá trình chuẩn bị".
Đại diện của NASA chia sẻ, khi ở dưới nước trong bể bơi này, các phi hành gia sẽ có thể trải nghiệm cảm giác gần như không trọng lượng. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho các chuyến đi lên Mặt Trăng, môi trường mô phỏng cần phải tiến hành tái tạo lực hấp dẫn bằng 1/6 của hành tinh này.
Trên thực tế, từ một căn phòng ở phía trên hồ bơi, các phi hành gia cũng được hướng dẫn từ xa với độ trễ liên lạc là 4 giây mà họ sẽ phải trải qua ở trên bề mặt của Mặt Trăng.
Hiện có 6 phi hành gia được huấn luyện. Nhóm thứ 2 gồm 6 người còn lại sẽ được huấn luyện vào cuối tháng 9 sắp tới. Họ sẽ được mặc bộ đồ không gian mới do NASA tiến hành sản xuất dành riêng cho các sứ mệnh Artemis.
Ông John Haas, trưởng văn phòng của phòng thí nghiệm, chia sẻ: "Thời kỳ hoàng kim của phòng thí nghiệm này là khi chúng tôi vẫn đang bay tàu con thoi và đang lắp ráp trạm vũ trụ".
Cụ thể, vào thời điểm đó, 400 buổi huấn luyện với các phi hành gia trong bộ đồ vũ trụ hoàn chỉnh đã diễn ra hàng năm. Con số này vượt trội hơn so với thực tế khoảng 150 buổi hiện nay. Nhưng chương tình Artemis đã khiến cho phòng thí nghiệm phải tính đến phương án gia tăng số buổi huấn luyện.
Artemis mở ra thời kỳ hoàng kim mới?
Theo chia sẻ của NASA, mỗi phiên huấn luyện ở trong hồ bơi có thể kéo dài tới 6 giờ. Phi hành gia Victor Glover chia sẻ: "Phiên huấn luyện giống như chạy marathon 2 lần, nhưng lại bằng chính đôi tay của bạn".
Victor Glover là phi hành gia đã quay trở lại Trái Đất vào năm 2021 sau khi trải qua 6 tháng ở trên Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Glover có thể có tên trong danh sách các phi hành gia tham gia vào các sứ mệnh trở lại Mặt Trăng của NASA.
Thực tế bằng cách sử dụng tai nghe thực tế ảo, các phi hành gia có thể bắt đầu làm quen với việc đi bộ trên Mặt Trăng bằng cách ở trong điều kiện tối ở vùng cực nam của Mặt Trăng, nơi mà Artemis sẽ hạ cánh.
Ở nơi đó, Mặt Trời hầu như không mọc lên ở phía trên đường chân trời. Điều này có nghĩa là luôn có những bóng đen dài làm giảm đi tầm nhìn. Do đó, các phi hành gia phải làm quen với tàu vũ mới là Orion cũng như các thiết bị trên con tàu này.
Trong buổi mô phỏng, các nhân viên của NASA được huấn luyện để cập bến ở trạm vũ trụ quay quanh Mặt Trăng tên là Lunar Gateway (hay gọi ngắn gọn là Gateway). Đây là một phòng thí nghiệm quỹ đạo, đồng thời là trung tâm thông tin liên lạc và bến đỗ cho các tàu vũ trụ cũng như thiết bị đổ bộ Mặt Trăng.
Ở các nơi khác tại trung tâm này, có một bản sao của tàu Orion, với kích thước chỉ là 9 m3 cho 4 người và đang được sử dụng.
Bà Debbie Korth, phó giám đốc chương trình Orion tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA, cho biết: "Các phi hành gia thực hiện rất nhiều khóa huấn luyện về cách thoát hiểm khẩn cấp ở đây".
Làm việc về chương trình Orion trong hơn một thập kỷ, bà Debbie Korth cho biết, những người ở Houston đều cảm thấy hào hứng với sự kiện quay trở lại Mặt Trăng và tương lai của NASA.
"Tôi cảm thấy sự kiện này giống như một thời kỳ hoàng kim mới", bà Debbie Korth hào hứng chia sẻ.
Theo NASA, các sứ mệnh Artemis bao gồm Artemis 1, 2 và 3 được tiến hành nhằm tìm hiểu về Mặt Trăng, cũng như bản chất nguồn gốc và thành phần địa hóa của hành tinh này.
Artemis sẽ được coi là bước đầu tiên trong việc tiến hành thiết lập về sự hiện diện lâu dài của con người ở trên Mặt Trăng trong nhiều thập kỷ tới. Mặt khác, sứ mệnh Artemis cũng sẽ là khởi đầu cho việc thương mại hóa những chuyến bay lên Mặt Trăng, và đặc biệt là mở đường cho việc tiến hành khai thác các tài nguyên quan trọng như heli-3 và nguyên tố đất hiếm ở trên hành tinh này.
Một điểm thú vị là NASA đã nghĩ ra cách để ngay cả những người bình thường cũng có thể bay quanh Mặt Trăng. Cụ thể, người dân có thể truy cập vào trang web của NASA để đăng ký gửi tên của mình trên con tàu Orion để bay quanh Mặt Trăng trong năm nay.
Sự thành công của các sứ mệnh Artemis sẽ phụ thuộc vào hiệu suất của SLS, siêu tên lửa mạnh nhất từng được chế tạo. Theo NASA, sau khi SLS được lắp đặt cùng với tàu Orion, hệ thống này sẽ cao 98 m, vượt trội hơn cả tượng Nữ thần Tự do.
Dù ngắn hơn một chút so với tên lửa Saturn V của NASA, tên lửa từng được sử dụng trong những sứ mệnh Apollo vào những năm 60 và 70, nhưng SLS lại mạnh hơn đáng kể với khả năng cung cấp lực đẩy khoảng 4 triệu kg, nhiều hơn 15% so với tên lửa Saturn V.
Bài viết tham khảo nguồn: NASA, Livescience, AFP, Phys