Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam, năm 2022 tại Sơn La và 62 điểm cầu trên cả nước vào sáng 29-5- Ảnh: NAM TRẦN
Cuộc đối thoại dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận hơn 1.600 câu hỏi được gửi đến ban tổ chức về các vấn đề liên quan đến nông nghiệp.
Làm sao để bình ổn giá vật tư?
Tại hội nghị, anh Nguyễn Văn Thanh, chuyên nuôi heo công nghiệp (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội), đặt vấn đề thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông dân chịu thua lỗ, nhiều người phải treo ao, treo chuồng và hỏi về biện pháp để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?
Chị Nguyễn Thị Trâm, có trang trại trồng rau khoảng 15 hecta (tỉnh Bắc Ninh), đặt vấn đề sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông sản chủ yếu đang ở dạng sản xuất thô, chưa có chế biến sâu, nên giá trị thu về còn thấp. Chị Trâm đặt câu hỏi: giải pháp nào hỗ trợ chế biến nông sản cho nông dân; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao?
Ông Nguyễn Hồng Diên - bộ trưởng Bộ Công thương - nhìn nhận thẳng vấn đề giá cả hàng hoá tăng cao, đứt gãy chuỗi cung và đưa ra giải pháp: "Sẽ hạn chế xuất khẩu vật tư, kiểm soát thị trường để không ách tắt, ép giá, điều chỉnh thuế phí, xem xét.
Bộ Công thương sẽ tham mưu Chính phủ những chính sách tháo gỡ khó khăn để có nguồn cung, chủ trì để doanh nghiệp ngồi bàn chia sẻ khó khăn với người nông dân. Nguyên liệu đầu vào tăng 130-170%, trong khi vật tư chiếm 55-60% giá thành sản phẩm.
Kiểm tra kiểm soát thị trường, điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, đánh thuế đầu vào. Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ xem xét trợ giá một số vật tư thiết yếu".
Nói về giá cả tăng, ông Lê Minh Hoan - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - cho rằng tiết giảm chi phí là mệnh lệnh; tự chủ dần một số nguyên liệu trong thức ăn chăn nuôi thuỷ sản vì 70% nhập khẩu nước ngoài.
"Giảm chi phí là mệnh lệnh, có thể làm được, nếu chúng ta quyết tâm. Giảm chi phí, chất lượng nông sản tốt hơn. Hãy bắt đầu ý tưởng và sẵn sàng làm, bộ trưởng sẽ tiếp chị Tâm. Từ mô hình đó đê quyết liệt chính sách chứ không thể đợi chính sách vì không có độ phủ", ông Hoan nói.
Nhìn tổng quan các hướng tháo gỡ về giá cả mà các bộ ngành đưa ra, Thủ tướng phân tích chính sách liên quan đến tiền tệ, giảm lãi suất...
Nhưng quan trọng xây dựng thương hiệu. Người nông dân chưa nhận thức hết, giờ ta cùng nâng cao nhận thức thương hiệu vì thương hiệu rất quan trọng. Muốn có thương hiệu cần tổ chức sản xuất dày công, sản phẩm đáp ứng số và chất lượng. Xây dựng thương hiệu phải tự chủ, không thể phụ thuộc; bảo hộ chính sách trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Giải pháp để nông dân vay vốn không phải thế chấp
Liên quan đến vay vốn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, ông Lê Quang Thắng - giám đốc HTX rau VietGAP (tỉnh Quảng Ninh) - trình bày việc nông dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn để phục hồi lại sản xuất, cũng như vay vốn.
Ông Thắng hỏi: "Chính phủ có giải pháp gì để có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tăng mức vay để nông dân kịp thời phục hồi sản xuất? Và vay vốn mà không cần phải thế chấp tài sản?".
Chị Trần Thị Thanh Thoan (tỉnh Hà Nam) là nông dân nuôi bò sữa đặt câu hỏi về vấn đề vốn vay - Ảnh: NAM TRẦN
Cũng tâm tư về vốn vay, chị Trần Thị Thanh Thoan - tỉnh Hà Nam, là nông dân nuôi bò sữa, có hơn 100 con bò sữa - bày tỏ nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn tồn tại.
"Giải pháp gì mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn?", chị Thoan hỏi.
Đáp giải những khúc mắc của người nông dân, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam - cho biết đã có cơ chế giảm, hoãn nợ vay khi có dịch COVID-19, khi khó khăn chưa trả được; có hơn 2 triệu tỉ đồng hưởng từ chính sách này; hỗ trợ lãi suất với 2%, có hiệu lực từ ngày 20-5.
"Còn vay mà không cần thế chấp, hay có thế chấp là thẩm quyền của tổ chức tín dụng, giao cho ngân hàng nhà nước địa phương xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, theo dõi giữa dòng tiền, tín nhiệm vay cũng là điều kiện, nên tài sản thế chấp cũng không là điều kiện cần thiết.
Từ năm 2017, ngân hàng mở rộng mạng lưới đến vùng sâu, tạo điều kiện cơ chế vay tiêu dùng phát triển, hạn chế tín dụng đen. Hiện nay có 2,1 triệu tỉ vay để tiêu dùng", ông Diên nhấn mạnh.
Ông Lê Quốc Hùng - thứ trưởng Bộ Công an - chia sẻ bộ đã chỉ đạp bắt, xử lý nhiều đối tượng, đường dây tín dụng đen; vấn nạn này có thuyên giảm. Bộ đang yêu cầu công an địa phương phối hợp xây dựng các cơ chế xử lý loại tội phạm này…
Để giải quyết nguồn vốn vay, Thủ tướng cho rằng ngoài những giải pháp các bộ, ngành đã nêu thì quan trọng người nông dân cần đề án thực thi cho hiệu quả để vay và sử dụng nguồn vốn vay.
Giải pháp nào xây dựng nhà máy chiếu xạ?
Anh Trần Như Kiên - giám đốc HTX Phương Nam (tỉnh Sơn La) - có 100ha trồng cây ăn quả, xuất khẩu đi Mỹ, hỏi về giải pháp hỗ trợ hoạt động thông quan, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và xây dựng nhà máy chiếu xạ để không phải chuyển vào các tỉnh phía Nam?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ cùng Bộ Khoa học và công nghệ kiến nghị đối tác Mỹ để giảm chi phí. Xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là quá trình, bán sâu vào nội địa Trung Quốc sẽ an toàn, lợi nhuận cao hơn.
Ông Nguyễn Hồng Diên - bộ trưởng Bộ Công thương - nói giải quyết bài toán đưa hàng sang Trung Quốc cần chuyển đổi tư duy sản xuất, từ tự phát sang tín hiệu thị trường theo chính ngạch; thuận lợi hoá bằng duy trì giao thiệp với Trung Quốc
Thủ tướng nhấn mạnh hướng xuất khẩu vào chính ngạch, bền vững. Giải pháp trước mắt: giao thiệp Trung Quốc trong thời kỳ quá độ, về lâu dài có giải pháp để làm. Về nhà máy chiếu xạ, đề nghị Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp giải quyết nhanh.