Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, quý I năm nay, cả nước xảy ra gần 450 vụ cháy làm 24 người thiệt mạng và 32 người bị thương. Thiệt hại về vật chất gần 60 tỷ đồng. Riêng tại Hà Nội, tuy mới chỉ đầu hè và chưa bước vào những ngày nắng nóng cao điểm nhưng cũng đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn.
Cuối tháng 4, tại phố Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại cửa hàng bán phụ tùng ô tô sau đó cháy lan sang 6 hộ xung quanh và tác động nhiệt vào mặt sau của một số ngôi nhà tại ngõ 20/80 đường Mỹ Đình. May mắn những người ngủ bên trong đã kịp chạy thoát ra ngoài nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn.
Cháy rụi hàng loạt cửa hàng trên phố Nguyễn Hoàng (Ảnh: ANTĐ)
Trước đó, vụ cháy tại 43 Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm hay vụ cháy tại ngách 197/37 đường Hoàng Mai, quận Hoàng Mai đều có người thương vong nhưng nghiêm trọng nhất và để lại nhiều nỗi ám ảnh nhất vẫn là vụ cháy làm 5 người thiệt mạng ở khu tập thể B9 Kim Liên, quận Đống Đa. Liên tiếp các vụ cháy lớn xảy ra cho thấy tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp.
Thực tế cho thấy, các vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản thường xảy ra ở những căn nhà không có thiết bị phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là không có đường thoát hiểm, chỉ có một lối ra vào duy nhất theo đường cửa chính. Đáng lo ngại khi những căn nhà như vậy vẫn rất phổ biến tại nhiều khu tập thể cũ và nhiều khu phố cổ ở Hà Nội.
Khu tập thể B9 Kim Liên có 86 hộ dân thì gần như hộ dân nào cũng cơi nới, "chuồng cọp" được hàn kín không có lối thoát hiểm.
Tại khu tập thể B9 Kim Liên, gần như toàn bộ các hộ dân tại đây đều cơi nới, làm "chuồng cọp" để tránh trộm cắp. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, chống kẻ gian nhưng lại tự nhốt mình. Nhiều khu tập thể trên địa bàn thành phố Hà Nội như Thanh Xuân Bắc, Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh… ở đâu cũng thấy lồng sắt, "chuồng cọp" bít kín ban công. Tình trạng nhà dân không có lối thoát nạn dự phòng cũng diễn ra phổ biến ở các khu phố cổ với những căn nhà hình ống liền kề, san sát nhau.
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền diễn ra thường xuyên tuy nhiên do nhận thức của nhiều gia đình còn hạn chế nên không ít gia đình khi làm lồng sắt dù đã tính đến đường thoát hiểm và có khóa nhưng chỉ sau một thời gian lại hàn bít kín lại để chống trộm.
Trước những hậu quả nặng nề do hỏa hoạn gây ra ở các căn hộ có lồng sắt, "chuồng cọp" kiên cố, việc triển khai mô hình "Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình mở lối thoát nạn thứ hai và trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ" được xem là giải pháp quan trọng. Riêng tại quận Thanh Xuân, Công an quận cho biết, chỉ trong 1 năm vận động, đã có hơn 2.700 trong tổng số hơn 4.700 hộ gia đình ở 2 phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam mở lối thoát hiểm thậm chí, để nhân rộng mô hình này, nhiều phường còn hỗ trợ kinh phí cho người dân mua sắt làm khung cửa, trả tiền thuê thợ cơ khí để hàn cắt mở lối thoát nạn thứ hai.