Khu đô thị Linh Đàm thuộc địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vốn là khu đô thị kiểu mẫu của Thủ đô nhưng hiện tại chắc danh hiệu này chỉ còn là hoài niệm.
Điển hình là mật độ 12 tòa chung cư HH cao từ 36 đến 41 tầng nằm ở lô đất CC6, ngay cạnh hồ Linh Đàm với hơn 7.000 căn hộ đã bàn giao cho người dân về ở 4-5 năm nay.
Khu vực bán đảo Linh Đàm có 16 tòa nhà cao 11 tầng xây dựng từ năm 2001, với khoảng gần 2.000 căn hộ. Cộng với các tòa VP2, VP3, VP4, VP5… xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2015, 2016 có khoảng gần 2.000 căn hộ.
Khu vực dự án nhà ở Bắc Linh Đàm và Bắc Linh Đàm mở rộng có khoảng trên 3.500 căn hộ.
Khu vực dự án Tây Nam Linh Đàm với 9 tòa chung cư nhà ở xã hội, cộng với 4-5 tòa chung cư thương mại và một số tòa chung cư tái định cư trước đây, ước khoảng trên 3.000 – 4.000 căn hộ.
Hiện nay, tại một số ô đất trống, các tòa chung cư vẫn đang tiếp tục được xây dựng lên cho thấy số lượng căn hộ chung cư, cũng như dân số ở phường Hoàng Liệt vẫn chưa dừng đà tăng.
Hiện tại ước tính khu đô thị Linh Đàm có khoảng 80.000 cư dân sống tại các tòa chung cư.
Song, có lẽ với khoảng 80.000 dân sống ở các tòa chung cư tại khu Linh Đàm vẫn chưa đông đúc bằng khu vực tuyến đường Lê Văn Lương ở quận Thanh Xuân khi mật độ chung cư ken đặc trong bán kính 1 km.
Trục đường Lê Văn Lương từ lâu đã thành điểm nóng bất động sản ở Thủ đô với tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Tuyến đường Lê Văn Lương đoạn giao từ đường Láng đến ngã tư Khuất Duy Tiến dài chừng 1km này cảm giác ‘ngộp thở’ khi ‘cõng’ tới 33 tòa cao ốc.
Nổi bật như chung cư Golden Palm (405 căn hộ), 18T1 và 18T2 Trung Hòa Nhân Chính (600 căn hộ), Golden Palace (112 căn hộ), Star City (462 căn hộ), Hanoi Center Point (360 căn hộ), Oriental Lê Văn Lương (405 căn hộ), Handiresco Complex 31 (336 căn hộ), dự án Manhattan Tower (327 căn hộ), Park Residence (405 căn hộ), nhà ở cán bộ Ban cơ yếu Chính phủ (388 căn hộ)...
Ngoài chung cư, dọc tuyến đường Lê Văn Lương còn có một số cao ốc văn phòng như tòa HUD Tower (2 khối nhà cao 32 và 27 tầng), MB Grand Tower (cao 25 tầng), Tòa nhà 319 Tower... cũng tập trung lượng lớn người dân qua lại làm việc.
Các tòa chung cư mọc lên bám theo các trục đường lớn nên giá cũng đắt đỏ bậc nhất Hà Nội. Giá mỗi m2 căn hộ tại khu vực này dao động quanh mức 40-50 triệu đồng, mỗi căn từ 70 m2 - 120m2 có giá từ 3-5 tỷ đồng. Cá biệt căn nhỏ khoảng 46m2 giá trên 2 tỷ đồng. Cá biệt, có dự án được quảng cáo đẳng cấp đế vương rao bán giá lên đến 14 tỷ đồng.
Tắc đường trở thành đặc sản của khu vực này khi đây là tuyến đô thị hướng tâm của khu vực Tây Nam Hà Nội, con đường ‘gánh’ lưu lượng của hàng chục cao ốc khác từ các đường Lê Văn Thiêm, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Tuân... đổ ra.
Chỉ tính riêng tuyến đường Nguyễn Tuân dài chừng 1km cũng có đến hàng chục tòa chung cư, hàng nghìn căn hộ như dự án TNR Goldseason (1.500 căn hộ), dự án Imperia Garden (1.652 căn hộ), dự án Việt Đức Tower (704 căn hộ), Comatec Tower (100 căn hộ), chung cư The Legend (460 căn hộ), dự án Thống Nhất Complex (553 căn hộ)…
Nếu tạm tính mỗi căn hộ có 4 người sinh sống, với tổng số khoảng 5.000 căn hộ sẽ có khoảng 20.000 người dân sinh sống trên các chung cư ở trục đường Nguyễn Tuân.
Trong khi tuyến đường Lê Văn Lương đoạn giao từ đường Láng đến ngã tư Khuất Duy Tiến ‘cõng’ 33 dự án chung cư cao tầng với mật độ dân số hơn 100.000 người.
Cộng với dân số các tòa chung cư ở đường nhánh như Lê Văn Thiêm, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Tuân… cứ tạm tính mỗi căn hộ có 4 người, thì số dân đang sinh sống tại đây ước tính lên đến 130.000 – 140.000 người, đông đúc khoảng gấp rưỡi so với khu đô thị Linh Đàm.
Hàng loạt sai sót, vi phạm nghiêm trọng về quy hoạch, xây dựng tại tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu vừa được Thanh Bộ Xây dựng nêu rõ tại kết luận mới ban hành.
Theo đó, rất nhiều dự án hai bên đường Lê Văn Lương đã được điều chỉnh nhiều lần về quy hoạch. Có dự án sau nhiều lần điều chỉnh từ 5 lên 30 tầng, không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng.
Đơn cử, tại dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower do Tổng công ty Thành An - Công ty TNHH Một thành viên là chủ đầu tư. Kết luận thanh tra cho thấy, việc 4 lần điều chỉnh sai quy định đã làm thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang (năm 2002, 2006) thành cơ quan văn phòng cao 25 tầng (năm 2008), thành văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010), đã làm tăng diện tích đất xây dựng từ 6.107 m2 lên 6.146 m2, tăng mật độ xây dựng 40% lên 51%, tăng số tầng từ 5 tầng lên 30 tầng, tăng diện tích sàn xây dựng từ 12.214m2 lên 76.140m2 (gấp 6 lần); tăng quy mô dân số từ 500 lên 1.308 người.
Tại dự án khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở tại ô đất 3.10-NO do liên danh Hadico và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư. 4 lần điều chỉnh đã "biến" từ đất ở thành văn phòng, thương mại (2008), sau đó thành hỗn hợp văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (năm 2012), 1 khối văn phòng lại thành tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, nhà ở, nhà trẻ (năm 2017).
Sau điều chỉnh, đã làm tăng tầng cao từ trung bình 6,5 tầng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh tăng dân số 754 người, diện tích sàn xây dựng tăng thêm 10.794m2.
Hay tại cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp với văn phòng và siêu thị tại ô đất có ký hiệu 2.5HH đường Lê Văn Thiêm, UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 3 lần điều chỉnh sai quy định, đã điều chỉnh tầng cao từ trung bình 6,5 tầng thành 25 tầng, điều chỉnh tăng số căn hộ từ 352 thành 740 căn, dân số tăng từ 2.112 người lên 2.652.
Tại dự án HAAC1 Time Tower do Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư, cơ quan thanh tra cũng phát hiện UBND TP Hà Nội 2 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật đã điều chỉnh tăng tầng cao từ trung bình 7,2 tầng thành 25 tầng, mật độ xây dựng từ 56,7% lên 59,53%, tăng thêm dân số (tạm tính) 680 người.
Dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng và căn hộ chung cư do Công ty CP Xây dựng Licogi 19 là chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cho biết UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật, đã điều chỉnh chức năng ô đất từ đất cơ quan sang hỗn hợp, tăng tầng cao từ 8 tầng thành 25 tầng, tăng thêm dân số 648 người.
Ở dự án chung cư Star City do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Vneco là chủ đầu tư, kết luận cũng chỉ ra UBND TP Hà Nội 2 lần điều chỉnh, Sở Quy hoạch - Kiến trúc 1 lần điều chỉnh sai quy định đã điều chỉnh chức năng ô đất từ công cộng thành phố thành hỗn hợp dịch vụ thương mại kết hợp với văn phòng và nhà ở chung cư, tăng tầng cao trung bình 18,5 thành 16, thành 25, rồi thành 27 tầng, mật độ tăng từ 53% lên thành 50,3%, rồi thành 60,2%, tăng thêm dân số 1.492 người….
Từ kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng cho thấy, hầu hết các dự án đều được điều chỉnh chức năng, nâng tầng, tăng mật độ dân số… và rồi giờ đây hậu quả tắc đường, cơ sở hạ tầng không đáp ứng đã và đang hiện hữu. Vậy ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm trong việc phá vỡ quy hoạch đô thị này?