Từ nhiều năm qua, tại các vùng ven biển của tỉnh Quảng Ngãi như cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, Bình Đông (huyện Bình Sơn), xã Tịnh Kỳ, Nghĩa An (thành phố Quảng Ngãi),... rác thải tràn lan trên bờ, dưới nước.
Những núi rác
Biển An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi) là vũng vịnh (bờ biển lõm) từ lâu là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Rác thải chất thành núi, ngổn ngang trải dài gần 800m bờ biển ở thôn An Vĩnh. Rác đủ loại từ nilông, thùng xốp, chai nhựa, còn có cả lốp xe, xác động vật,… Dưới cái nắng gắt, núi rác phân hủy bốc mùi hôi thối khiến cả khu dân cư ngột ngạt. Hàng chục căn nhà nằm cạnh bờ biển luôn phải đóng kín cửa.
Theo người dân địa phương, sau những đợt mưa bão, sóng lớn và triều cường đã cuốn theo các lớp rác nằm dưới đáy sông Bài Ca (cửa Sa Kỳ) rồi đẩy vào Bãi Sau ở thôn An Vĩnh. Cùng với đó, dòng nước từ các nhánh sông, luồng lạch tại các xã Tịnh Khê, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa (thành phố Quảng Ngãi), Bình Châu (huyện Bình Sơn) mang theo một lượng rác lớn rồi tấp vào, biến khu vực này trở thành bãi rác.
Ông Nguyễn Cư (trú thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ) cho biết, khu vực này không có kè biển nên cứ sau mỗi lần mưa lũ, rác thải sinh hoạt theo các con sông trôi ra biển rồi lại bị sóng biển đánh tấp vào bờ. Năm này qua năm kia, rác tấp vào dày đặc, khiến bãi biển bị ô nhiễm nặng nề. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng lớn đến chất lượng khai thác hải sản gần bờ của ngư dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân nơi đây.
“Mỗi bữa ăn như một cực hình với gia đình tôi vì mùi từ bãi rác. Rất nhiều lần, lực lượng chức năng cùng đoàn viên thanh niên và người dân ra quân dọn dẹp rác. Tuy nhiên chỉ sạch được một thời gian ngắn, rồi thủy triều lên lại đẩy rác tấp vào bờ”, ông Cư thở dài.
Tương tự, ven biển xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) đâu đâu cũng thấy rác. Rác không chỉ tràn ngập khu dân cư dọc theo bờ biển mà ngay trên đường đi, rác nhiều đến nỗi có khu vực chất thành đống. “Mùa khô thì ruồi muỗi, hôi thối, mùa mưa thì nước tràn cả lên đường, vào sân nhà, đâu đâu cũng thấy rác”, Nguyễn Thị Mai (trú thôn Sơn Trà) bức xúc.
Ông Nguyễn Tấn Việt (trú thôn Sơn Trà) cho biết, để hạn chế rác thải tràn ngập khắp nơi, người dân trong thôn thường xuyên thu gom rác để đốt. Rác thải chủ yếu là các loại túi nilông, nhựa nên khi đốt sẽ có mùi hôi, khét rất khó thở. Nhưng không đốt thì không còn cách nào khác vì các tuyến đường xuống bãi biển ở đây rất hẹp, các loại xe chở rác không thể đến để thu gom. “Ở đây nhiều muỗi, ruồi dễ gây dịch bệnh lắm! Mỗi lần ra thúng ngồi làm chài lưới ở bến này tôi chịu không nổi mùi hôi thối”, ông Việt nói thêm.
Tại các địa phương ven biển khác như xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), trên nhiều tuyến đường, bờ biển, bờ kênh cảng cá cũng ngập rác thải.
Bất lực?
Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ (thành phố Quảng Ngãi) cho rằng, để xảy ra tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường trước hết là trách nhiệm của chính quyền xã. Tuy vậy, đối với kinh phí của một xã không thể nào xử lý và thu gom dứt điểm được. Bởi lẽ hằng năm, rác từ các nơi từ thượng nguồn đổ xuống tấp hết vào đây.
“Chúng tôi đề nghị chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động người dân khu vực thượng nguồn các dòng sông không vứt rác bừa bãi, tăng cường nhân lực, tăng số lượng xe và tần suất thu gom rác, cho người dân ký cam kết không đổ rác bừa bãi, tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, thực tế còn có tình trạng một bộ phận người dân sinh sống ở khu vực ven biển thường có thói quen đem rác xả thẳng ra biển. Đây cũng là nguyên nhân khiến ô nhiễm càng thêm trầm trọng.
Theo ông Phan Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác, xả rác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; đồng thời nhiều lần tổ chức ra quân thu gom, xử lý rác. Tuy nhiên, đến nay Bình Đông vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm dọc bãi biển.
Ông Nguyễn Văn Cư, Trưởng thôn Sơn Trà cho biết, những năm qua, có nhiều đoàn viên thanh niên tình nguyện về đây dọn rác, người dân cũng chung tay làm sạch môi trường, nhưng vài ngày thì đâu lại vào đó, cứ dọn xong thì rác lại tấp vào. Người dân chỉ mong nhà nước sớm có cách giải quyết triệt để.