Kỹ năng sống

Nỗi niềm lương 6-7 triệu nhưng 11 giờ đêm sếp vẫn gọi

Xu hướng "Quiet Quitting" (tạm dịch: Nghỉ việc trong im lặng) đang ngày càng phổ biến hơn. Người trẻ ngày càng dễ mất động lực trong công việc, chán nản và chỉ làm đúng nhiệm vụ tối thiểu nhất trong phạm vi được giao. Giải thích cho tình trạng này, nhiều bạn trẻ cho rằng: Vì có những điều nhỏ nhặt trong công việc cứ xếp chồng lên nhau, đến khi chịu đựng đủ sẽ không còn muốn cố gắng với công việc nữa. Họ thường từ chối tham gia các hoạt động nội bộ của công ty, tắt liên lạc sau giờ làm, và không còn muốn cống hiến hết sức mình để được sếp công nhận.

Một trong những điều khiến người trẻ dần mất đi động lực trong công việc, là do thời gian tăng ca không được trả công xứng đáng. Làm việc trong môi trường áp lực, nhân viên không được hưởng quyền lợi xứng đáng, thì rất khó để bỏ thời gian tăng ca ở công ty. Thậm chí, mức lương trung bình nhận lại chỉ 6-7 triệu/tháng, nhưng sau giờ làm vẫn luôn phải xử lý công việc phát sinh. Điều này được chia sẻ từ 2 bạn trẻ, từng có khoảng thời gian không còn nhiệt huyết với công việc như trước:

1. Duy Khiêm (23 tuổi, Phú Thọ), nhân viên thiết kế tour du lịch.

2. Tường Linh (24 tuổi, Hà Nội), nhân viên sáng tạo nội dung.

Cả Khiêm và Linh đều đã nghe đến xu hướng "nghỉ việc trong im lặng", và cho biết rằng bản thân cũng đã từng trải qua khoảng thời gian mất đi động lực làm việc thế này!

Tăng ca ngoài giờ làm: Không có ngày nghỉ lễ, 11h đêm nhận được cuộc gọi công việc

Hầu hết những người làm công ăn lương, cũng từng có ít nhất 1 lần muốn bỏ việc, chỉ vì không còn tìm thấy hứng thú trong công việc nữa.

Tường Linh (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mình nghĩ trong bất cứ công việc sẽ có nhiều khoảnh khắc chúng ta sẽ mất hứng thú trong công việc, cho dù đó là một công việc chúng ta yêu thích, bởi những áp lực và căng thẳng mà công việc đó mang tới. Mình cũng đã có khoảng thời gian nguội lạnh trong công việc như thế.

Nỗi niềm lương 6-7 triệu nhưng 11 giờ đêm sếp vẫn gọi - Ảnh 1.

Tường Linh (24 tuổi, Hà Nội)


Nếu nói về những công việc cũ, thì có lẽ khối lượng công việc quá lớn cũng như môi trường công ty, khiến cảm hứng trong công việc của mình tụt dốc không phanh. Chưa kể, những tháng đầu làm việc, sếp giao cho mình rất nhiều nhiệm vụ không đúng trọng tâm. Chẳng hạn như những ngày nghỉ lễ, chủ nhật vẫn bị công ty gọi vì nhiệm vụ bất chợt nào đó. Sếp có việc gấp khi nào là gọi khi đó bất kể giờ giấc. Có những hôm, lượng công việc đã được xử lý xong trong giờ hành chính, nhưng 11h đêm vẫn gọi vì đối tác phản ánh rằng có vấn đề. Đến khi vào làm chính thức, mình còn phải xử lý luôn công việc của 2-3 người gộp lại. Mức lương khởi điểm khi đó cũng chỉ 6-7 triệu, nếu có tính tăng ca thì thêm được phụ cấp vài trăm ngàn. Quả thực khi đó, mình cảm thấy công sức bỏ ra không đáng".

Luôn nhận được những cuộc gọi công việc sau giờ làm, Duy Khiêm cho biết mình chỉ muốn tắt hết thông báo để không bị làm phiền nữa: "Mình đã từng là người cống hiến hết mình vì công việc, ở lại làm thêm giờ cũng không kể công. Có những ngày, tận 10h đêm mình mới rời khỏi công ty. Dù đã từng yêu thích công việc cũ nhiều đến thế, mình vẫn rơi vào trạng thái kiệt sức, mất hứng thú trong công việc. Ngoài những lý do phổ biến như áp lực, môi trường công ty, thì những lý do về sức khỏe, tâm lý cũng ảnh hưởng đến mình khá nhiều. Có nhiều hôm đang đi chơi cùng bạn bè, bỗng dưng nhận được tin nhắn công việc, mình cũng chẳng thể tập trung vào cuộc vui.

Nỗi niềm lương 6-7 triệu nhưng 11 giờ đêm sếp vẫn gọi - Ảnh 2.

Duy Khiêm (23 tuổi, Phú Thọ)


Dần dần những việc như thế cứ chất chồng lên nhau, khiến mình căng thẳng, dù đi chơi hay du lịch, cũng không dám tắt điện thoại vì lo sợ thông báo tin nhắn. Đã có khoảng thời gian, mình buộc phải tắt hết thông báo sau 8h tối, và mở lại vào 8h sáng hôm sau. Nhưng đặc thù của ngành du lịch, phải xử lý những trường hợp khẩn cấp cho khách hàng như xe cộ, phòng nghỉ... khiến mình dù có tắt thông báo cũng không thể yên tâm bỏ vào một góc".

Làm việc hết mình nhưng bù lại phải có "đãi ngộ" tốt

"Nghỉ việc trong im lặng" không hẳn là xu hướng để mọi người đi theo, mà đây là tình trạng chung của những người không nhận được đãi ngộ đủ tốt để họ duy trì công việc. Việc có thái độ hờ hững trong công việc, chỉ làm việc được giao trên hợp đồng, với nhiều người trẻ không phải là sự lười biếng. Mà chỉ đơn giản là họ muốn có sự công bằng hơn giữa cuộc sống, công việc và mức độ đãi ngộ của công ty.

Duy Khiêm cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, mình vẫn tiếp tục làm trong ngành dịch vụ. Tăng ca ngoài giờ làm không phải là chuyện tốt, nhưng còn tùy thuộc vào mức độ quan trọng của công việc, và giá trị mình nhận lại sau những khoảng thời gian tăng ca đó. Sau khoảng thời gian dài làm việc, mình cũng bắt đầu đặt ra những giới hạn giữa cuộc sống - công việc.

Nỗi niềm lương 6-7 triệu nhưng 11 giờ đêm sếp vẫn gọi - Ảnh 3.

Nếu tăng ca quá nhiều, hoặc nhận những nhiệm vụ không thuộc phạm vi xử lý của chức vụ, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Ví dụ như, nếu tăng ca mà nhận được mức lương cao hơn, được thưởng nóng sau mỗi lần chốt hợp đồng lớn, hay được sếp công nhận bằng những lời động viên, cổ vũ... thì mình cảm thấy công sức bỏ ra là xứng đáng. Thực chất, việc cảm thấy chán nản trong công việc thì ai cũng sẽ gặp. Nhưng việc chấp nhận hay thương lượng cùng cấp trên để tìm ra giải pháp thuận lợi cho cả đôi bên thì sẽ tốt hơn. Khi đó, mình vẫn có thể làm công việc mình yêu thích với mức lương tốt, mà không cần phải thay đổi môi trường mới".

Bất kể là ai khi đi làm, đều muốn nhận được sự công nhận, phúc lợi đầy đủ. Tường Linh cho biết, việc sếp nhờ vả công việc sau giờ làm rất nhiều. Đa phần mọi người đều nghĩ việc làm thêm giờ sẽ được sếp đánh giá cao hơn, thuận lợi để cất nhắc lên những chức vụ cao. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mình bỏ không công sức.

"Bản thân mình đã từng có khoảng thời gian lương thấp, công việc thì nhiều lại áp lực, khiến mình gặp những vấn đề về tiền bạc và tâm lý. Khi mức lương mình nhận không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống nữa, mình bắt đầu cảm thấy rất nản lòng và không thể tiếp tục công việc. Mình nghĩ, chính những điều này khiến cho trào lưu 'Nghỉ việc trong im lặng' ngày càng phổ biến hơn.

Nỗi niềm lương 6-7 triệu nhưng 11 giờ đêm sếp vẫn gọi - Ảnh 4.

Với mình, việc cống hiến sức lực cho công việc là nên làm, mình cũng không hề ngại ngần giải quyết việc sau giờ làm. Mình vẫn nhận lời làm nhiều việc hơn một lúc, hy sinh những ngày nghỉ lễ.... Bởi vì mình còn trẻ, làm việc để kiếm thêm thu nhập là điều đương nhiên. Tuy vậy, mình luôn có suy nghĩ không cái gì là miễn phí cả, nên vấn đề phụ cấp hoặc phúc lợi làm thêm là điều kiện cần có.

Hơn nữa, việc ngắt kết nối với công việc sau khi kết thúc giờ làm là một điều hoàn toàn bình thường. Nếu là một nhân viên văn phòng, chúng ta chỉ thuộc về công ty trong vòng 8 tiếng đồng hồ, còn khi kết thúc 8 tiếng đồng hồ, chúng ta không cần thiết phải nhận bất cứ công việc, cuộc gọi hay nhắn tin từ bất cứ ai nữa, kể cả là đồng nghiệp hay sếp nhờ vả".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm