Doanh nghiệp

Những xu hướng tài chính vi mô định hình tương lai của người dùng Việt

Tháng 4/2022, ngân hàng số Cake by VPBank (CAKE) tung ra thị trường một sản phẩm đầu tư vi mô gây "choáng". Cụ thể, CAKE ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Quản lý Dragon Capital Viet Nam (DCVFM), cho phép các nhà đầu tư gửi số tiền chỉ từ 10.000 đồng trở lên vào Quỹ trái phiếu DCIP được quản lý và điều hành bởi DCVFM.

Ngoài lựa chọn đầu tư chứng chỉ quỹ, người dùng của CAKE cũng có thể gửi tiết kiệm online từ 100.000 đồng, với các kỳ hạn đa dạng từ 1 tháng - 36 tháng.

Một cái tên "sừng sỏ" khác trong lĩnh vực tài chính vi mô, tài chính tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay là FE Credit hồi đầu năm đã đưa FE Online vào hoạt động với mục tiêu phát triển ứng dụng này trở thành một siêu ứng dụng đa tiện ích. Trên đó, khách hàng có thể hoàn thành hợp đồng số của tài khoản thẻ hoặc khoản vay thông qua chữ ký điện tử, quản lý thẻ và khoản vay cũng như thanh toán đơn giản bằng mã QR khi mua sắm.

Đây là 2 ví dụ tiêu biểu cho thấy các doanh nghiệp trên thị trường tài chính vi mô Việt Nam ngày càng nhạy bén với các xu hướng tiêu dùng vi mô trên thế giới để đưa ra các sản phẩm hấp dẫn và nhiều lợi ích.

Thuật ngữ Tài chính vi mô có nguồn gốc từ "tín dụng vi mô", có nghĩa là "tín dụng nhỏ" hiểu theo một cách đơn giản. Với sự nở rộ của các tổ chức tài chính vi mô (MFI) trên khắp mọi nơi, thuật ngữ này được định nghĩa đa dạng tùy theo các lĩnh vực hoạt động. Song nhìn chung, mục đích của tài chính vi mô là cung cấp các dịch vụ tài chính và phi tài chính từ các tổ chức tài chính vi mô cho những đối tượng có thu nhập chưa thỏa các tiêu chí tiếp cận ngân hàng thương mại truyền thống.

Tài chính vi mô bao gồm một loạt các dịch vụ bao gồm cho vay, tiết kiệm, thanh toán, đầu tư và bảo hiểm… Với số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ ngày càng nhiều, dần trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, Chính phủ các nước đều nỗ lực thúc đẩy tài chính vi mô. Lĩnh vực này được dự báo sẽ chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới ở châu Á, trong đó có Việt Nam bởi lực lượng dân số trẻ đông đảo.

Trong những năm gần đây, với độ phủ nhanh chóng của công nghệ số và internet, nhiều tổ chức đã tận dụng thành công lợi thế lớn đó để phát triển mô hình tài chính vi mô. Hơn thế, đại dịch Covid-19 đã tạo ra cú hích thúc đẩy thanh toán số bùng nổ, nhanh hơn 3-5 năm về tốc độ áp dụng, trở thành cơ hội mới cho toàn bộ hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số, bao gồm các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (Fintech) gia nhập vào cuộc đua tài chính vi mô.

Một số xu hướng phát triển nổi bật của tài chính vi mô đã được các chuyên gia chỉ ra.

Sự lên ngôi của Đầu tư "bán lẻ" - Retail Investing

Vài năm nay, lĩnh vực đầu tư đã không còn chỉ là lãnh địa của những người có lượng vốn kha khá. Ngày càng nhiều các fintech cung cấp những sản phẩm đầu tư với số vốn "siêu nhỏ". Tất nhiên, để sản phẩm này phát huy hiệu quả, các fintech cần có sự hợp tác, kết nối với các tổ chức đồng điệu về công nghệ và nằm trong chuỗi giá trị cho dịch vụ đầu tư.

Thanh toán không tiền mặt

Đại dịch Covid như một chất xúc tác cho thanh toán không tiếp xúc. Và khi người tiêu dùng nói về cách họ thanh toán trực tuyến, họ ngày càng quan tâm đến các lựa chọn tín dụng.

Tích hợp sản phẩm và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ

Xu hướng All -in- one ngày càng hiện hữu tại nhiều lĩnh vực hơn của cuộc sống, từ bất động sản, mua sắm cho đến tài chính tiêu dùng. Các giải pháp tín dụng, tiết kiệm, thanh toán và ví điện tử trên cùng một ứng dụng di động giúp người dùng tiếp cận được nhiều loại dịch vụ tài chính, tiết kiệm thời gian và thực hiện các giao dịch an toàn mọi lúc mọi nơi.

Đó cũng là lý do để các công ty tài chính tiêu dùng tích cực hợp tác với các quỹ đầu tư và công ty bảo hiểm để đưa ra cho khách hàng một hệ thống sản phẩm tài chính toàn diện. Trong đó, công nghệ không chỉ giúp cho trải nghiệm người dùng trở nên hoàn hảo mà quan trọng hơn, nó giúp doanh nghiệp sáng tạo dịch vụ và quản trị rủi ro tốt nhất.

Có thẻ chứng kiến điều này tại Việt Nam qua sự hợp tác của CAKE với DCVFM, của FE Credit với một loạt công ty bảo hiểm như PVI, Bảo Việt nhân thọ, Bảo hiểm Bưu điện, Bảo hiểm Bảo Minh; Home Credit với công ty Bảo hiểm toàn cầu (GIC), MSIG hay Mcredit với GIC và MBageas…

Sinh trắc học

Đây là phương thức sử dụng thiết bị đầu cuối tại điểm bán hàng được trang bị nhận dạng sinh trắc học hoặc quét vân tay cung cấp bảo mật cho khách hàng của họ, cho phép họ truy cập vào tài khoản và kiểm soát tài chính của họ mà vẫn đảm bảo bảo mật danh tính.

Credit Scoring - Chấm điểm tín dụng

Credit Scoring là một hệ thống chấm điểm được thực hiện bằng những phân tích thống kê bởi người cho vay và các tổ chức tài chính nhằm mục đích đánh giá mức độ uy tín tín dụng của một cá nhân hay một tổ chức, công ty. Credit Scoring sẽ giúp cho người cho vay có được cái nhìn tổng thể và khái quát để đưa ra quyết định cho vay hay không, thời gian vay dài hay ngắn và lãi suất là bao nhiêu,…

Tại Việt Nam, hoạt động tài chính vi mô đã tồn tại từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, TCVM ngày càng phát triển và giữ vai trò quan trọng trong việc cung ứng vốn cho khách hàng, những người không thể tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức.

Một trong những dẫn chứng cho thấy sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực tài chính vi mô tại Việt Nam là trường hợp của CAKE, khi chỉ sau hơn 19 tháng thành lập, đơn vị này đã cán mốc 2 triệu người dùng, xử lý 21 triệu giao dịch (trung bình 1,75 triệu giao dịch/mỗi tháng), với tổng giá trị giao dịch hơn 28.000 tỷ đồng.

Trong xu hướng bùng nổ của công nghệ số, các sản phẩm tài chính cần sự đơn giản, linh hoạt, an toàn nhưng vẫn có mức sinh lời đủ hấp dẫn, đặc biệt với những khách hàng nhạy bén như thế hệ Millennials, GenZ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm