Doanh nghiệp

Những sân golf gốc nhà băng "0 đồng"

Bên cạnh vai trò banker, ông Đoàn Văn An - cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank) còn nổi danh trong giới doanh nhân chơi golf khi từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sân golf Ngôi sao Chí Linh, cũng như nắm các vị trí cấp cao, cổ đông lớn chủ đầu tư dự án sân golf Ngôi sao Yên Bái (tỉnh Yên Bái) và sân golf Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc).

Kể từ khi ông vướng vòng lao lý, số phận 3 sân golf kể trên đều rẽ sang những trang khác nhau.

Trong đó, sân golf Chí Linh (tên cũ là sân golf Ngôi Sao Chí Linh) có diện tích 325ha. Dự án này ban đầu do CTCP Sân gôn Ngôi Sao Chí Linh quản lý, đây là sân golf liên quan đến việc được UBND tỉnh Hải Dương miễn tiền thuê đất chưa đúng quy định vào năm 2010 và đặc biệt là vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại GPBank vào năm 2017.

Cuối năm 2017, ông Đoàn Văn An đã ủy quyền cho người khác được quyền định đoạt 68% cổ phần của mình tại sân golf Ngôi sao Chí Linh. Trong quá trình xét xử, chủ dự án - CTCP Sân gôn Ngôi Sao Chí Linh đã nhận được sự săn đón của hai doanh nghiệp là CTCP Quản lý sân gôn Chí Linh và ChiLinh Golf. Trong đó ChiLinh Golf đưa ra mức giá 225 tỷ đồng, số tiền này đã được chuyển vào một tài khoản mở tại GPBank để giữ suất. Như Nhadautu.vn từng đề cập , ChiLinh Golf là doanh nghiệp thành viên của đại gia phân bón Nguyễn Tiến Dũng “Apromaco”.

Về phần mình, sân golf Đại Lải - thuộc tổ hợp tổ hợp văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch với tổng diện tích 298ha, đã được Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) chuyển nhượng cho CTCP Sân gôn Đại Lải.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) được thành lập vào năm 2003 với cổ đông sáng lập gồm: Ông Đoàn Văn An (10%), CTCP Phát triển Hà Nội (33,33%), Công ty TNHH Hỗ trợ Phát triển công nghệ và Thương mại (33,33%) – trụ sở chính cũng là hộ khẩu thường trú của ông Đoàn Văn An và CTCP Đầu tư Tài chính Sao Việt (23,34%). Người đại diện theo pháp luật hiện tại là ông Lý Trung Phòng (SN 1956).

Hồi năm 2012, Đại Lải (Việt Nam) ghi nhận khoản vay 1.500 tỷ đồng với GPBank, tài sản thế chấp là dự án sân golf và tổ hợp văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch quy mô trên 40ha.

Đến tháng 11/2016, cơ cấu cổ đông Đại Lải (Việt Nam) đổi thành: CTCP Phát triển Hà Nội (33,33%), Công ty TNHH Hỗ trợ Phát triển công nghệ và Thương mại (33,33%) và ông Hoàng Trọng Trung (33,33%).

Đáng chú ý, ông Hoàng Trọng Trung cũng là cổ đông lớn nắm 15% vốn CTCP Sân gôn Đại Lải (tính đến tháng 10/2018) – bên nhận chuyển nhượng dự án sân golf Đại Lải, cùng với ông Chu Văn Lý (12%), Lý Hoàng Anh (15%). Ngoài vai trò cổ đông lớn, ông Trung còn nắm các cương vị Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Về phía ông Lý Trung Phòng, vị doanh nhân sinh năm 1956 hiện đứng tên tại CTCP Sân gôn Ngôi sao Yên Bái – chủ đầu tư dự án sân golf Yên Bái (tỉnh Yên Bái), quy mô 210ha. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất mà ông Đoàn Văn An còn giữ cương vị Tổng giám đốc. Ngoài ra, ông và người em trai Đoàn Văn Biên lần lượt nắm 13,33% và 10% vốn công ty.

Bên cạnh các dự án kể trên, hồi năm 2013, ông Đoàn Văn An còn từng góp 70% vốn thành lập CTCP Sân golf Ngôi sao Hạ Long cùng với ông Nguyễn Văn Ngọc (20%) và bà Phạm Thị Hồng (10%). Theo tìm hiểu, hồi năm 2015, đơn vị này đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép đầu tư, nghiên cứu, lập nhiệm vụ quy hoạch dự án sân golf 27 lỗ theo địa hình tự nhiên trên diện tích 310ha tại TP. Hạ Long, trong đó diện tích quy hoạch sân golf dự kiến là 75ha.

Tuy vậy, hạng mục sân golf này giờ là một phần dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng tại Hạ Long của Tập đoàn FLC.

Dự án duy nhất không liên hệ đến nhóm GPBank là sân golf Đầm Vạc. Chủ đầu tư sân golf này là CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị (CUD).

Đầu tháng 5/2022, Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) đã thông báo bán đấu giá lần 2 khoản nợ 807,9 tỷ đồng của CUD (lần 1 vào tháng 3/2022), tài sản đảm bảo là sân golf kể trên và dự án liền kề là Khu biệt thự nhà vườn Mậu Lâm Đầm Vạc (tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo quy định, dự án nêu trên thuộc diện phải chia tách hoạt động sân golf độc lập với khu đô thị. Do đó, CUD đã dùng các tài sản là sân golf góp vốn vào pháp nhân mới là CTCP Khu nghỉ dưỡng và sân golf Đầm Vạc (Sân golf Đầm Vạc) để vận hành sân golf.

BCTC năm 2016 đã kiểm toán của CUD cho biết: ”Sau khi pháp nhân mới được thành lập, các cổ đông cũ và cổ đông mới tại CUD đã hoán đổi cổ phần tại CUD sang cổ phần pháp nhân mới kể trên. Việc hoán đổi này đã phát sinh một khoản công nợ phải thu từ các cổ đông thực hiện hoán đổi sang cổ đông Công ty Sân golf với số tiền 276,7 tỷ đồng”.

Dù vậy, OceanBank cho rằng việc CUD mang toàn bộ tài sản thế chấp tại ngân hàng này góp vốn vào Sân golf Đầm Vạc và chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần góp vốn tại đây cho các pháp nhân khác là không thực hiện đúng nghĩa vụ của bên thế chấp. Phía ngân hàng đã yêu cầu CUD trả lại nguyên trạng tài sản thế chấp nhưng đến nay công ty này vẫn chưa thực hiện được.

Các sân golf gốc nhà băng "0 đồng” làm ăn thế nào?

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy tình hình tài chính các doanh nghiệp vận hành sân golf Chí Linh, sân golf Đầm Vạc và sân golf Yên Bái trong giai đoạn 2018-2020 đều không mấy tích cực.

Theo đó, CTCP Sân gôn Chí Linh ghi nhận lỗ ròng 989 triệu đồng trong năm 2020. Trước đó, lãi sau thuế năm 2019 công ty đạt 279 triệu đồng, năm 2018 lỗ 5,6 tỷ đồng.

Những sân golf gốc nhà băng 0 đồng - Ảnh 1.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty đạt 250,8 tỷ đồng, giảm 0,63% so với số đầu kỳ; vốn chủ sở hữu 214,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7%.

Tương tự, doanh thu Sân gôn Đại Lải năm 2020 đạt 56,3 tỷ đồng, giảm 49,8%. Trừ đi các chi phí, công ty lỗ ròng 19,7 tỷ đồng.

Những sân golf gốc nhà băng 0 đồng - Ảnh 2.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản công ty đạt 268,3 tỷ đồng, giảm 8,9% so với số đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu 256,4 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2%.

Trong khi đó, Sân golf Yên Bái không ghi nhận doanh thu trong suốt giai đoạn 2018-2020. Công ty cũng không có lợi nhuận trong năm 2020, và lỗ ròng năm 2018 và 2019 ở mức lần lượt là 1,61 tỷ đồng và 2,47 tỷ đồng.

Những sân golf gốc nhà băng 0 đồng - Ảnh 3.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản công ty đạt 425,7 tỷ đồng, tăng gần 29,2% so với số đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu 421,5 tỷ đồng, tăng 29,7%.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm