1. Lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn/cho vay dài hạn
Theo Thông Tư 08/2020/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa của các ngân hàng sẽ giảm xuống mức 30%.
Nhận định về tác động của Thông tư này, chuyên gia Chứng khoán MB (MBS) cho rằng nhóm Big4 và các ngân hàng có quy mô lớn có tỷ lệ cho vay tài trợ dự án hạ tầng, cho vay dự án bất động sản (BĐS) và năng lượng cao như Techcombank, MB, VPBank, HDBank,... sẽ có áp lực tăng trưởng huy động nguồn vốn dài hạn (có chi phí vốn cao hơn) lớn hơn.
Trong khi đó, lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục khiến hoạt động huy động vốn dài hạn của ngân hàng tương đối khó khăn. Do vậy, các ngân hàng sẽ ưu tiên sử dụng công cụ phát hành giấy tờ có giá khi lãi suất tái chiết khấu đang ở vùng đáy.
2. Điều chỉnh cách tính tỷ lệ LDR tại các ngân hàng
Theo Thông tư 26, sửa đổi Thông tư 02 (2019), cách tính tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) sẽ có sự điều chỉnh.
Cụ thể, Tiền gửi Kho bạc Nhà nước sẽ được tính vào Tổng huy động với một tỷ lệ khấu trừ nhất định: Từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến 31/12/2023: 50%; Từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2024: 60%; Từ ngày 1/1/2025 đến 31/12/2025: 80%; Từ ngày 1/1/2026: 100%.
MBS cho rằng Thông tư 26 sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước, cụ thể là nhóm Big4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) sẽ là nhóm hưởng lợi hơn từ chính sách này.
3. Quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ
Thông tư 02 quy định về việc cơ cấu lại nợ đối với cho vay tài trợ sản xuất kinh doanh và cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng cũng là một trong những quy định quan trọng ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều ngân hàng.
Ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Thông tư 02 đã bổ sung cho phép giãn/hoãn nợ đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, một lĩnh vực cũng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thu nhập người đi vay suy giảm (bản dự thảo chưa bao gồm các khoản vay tiêu dùng).
Đồng thời, Thông tư cũng quy định giữ nguyên nhóm nợ theo nhóm nợ gần nhất trước khi cơ cấu và đưa lãi dự thu ra ngoài bảng cân đối kế toán để theo dõi (không được đưa vào lãi dự thu) đến 30/6/2024. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cân nhắc gia hạn thêm thời gian hiệu lực của Thông tư này.
Theo các chuyên gia phân tích, quy định này sẽ giúp giảm áp lực gia tăng nợ xấu đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS cao (Techcombank, MB, VPBank) trong bối cảnh dòng tiền trả nợ của cả người đi vay và chủ đầu tư dự án đều đang ngưng trệ. Người đi vay có thêm thời gian để thu xếp dòng tiền trả nợ, từ đó có thể giải quyết dứt điểm nợ xấu tiềm tàng của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc gia hạn thêm hiệu lực của Thông tư sẽ giúp giảm dần áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại khi kết quả kinh doanh năm 2024 được kỳ vọng khả quan hơn, nâng bộ đệm trích lập cho các ngân hàng.
4. Cho phép ngân hàng được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp
Quy định tạiThông tư 03 giúpHoãn thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021, cho phépngân hàng được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ngay.
Đây là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua TPDN, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa.
Chuyên gia của công ty chứng khoán cho rằng, quy định này một phần giúp tăng cầu trái phiếu, có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường TPDN như TPBank (9,2% tổng dư nợ), Techcombank (7,9%), MB (7,7%), VPBank (7,4%). Đồng thời, giúp gia tăng dư địa cho các NHTM tiến hành đảo nợ cho những trái chủ đạt đủ điều kiện và có khả năng trả nợ.
5. Sửa đổi quy định về tỷ lệ an toàn vốn
NHNN cũng đã ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016 quy định về việc quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng
Theo đó, hệ số rủi ro (HSRR) đối với các khoản vay kinh doanh BĐS là 200% sẽ được giữ nguyên. Tuy nhiên hệ số này sẽ là 160% nếu như tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp. Đồng thời, bổ sung quy định HSRR áp dụng cho khoản cho vay thế chấp nhà ở theo Tỷ lệ tài sản bảo đảm và Tỷ lệ khả năng trả nợ đối với khoản cho vay mua NOXH.
Nếu dự thảo này được chính thức thông qua, các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank, BIDV sẽ được hưởng lợi. Có thể nói đây là một biện pháp giúp hỗ trợ đà tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng này, trong bối cảnh NIM sẽ giảm khá mạnh.
6. Nghị quyết 148 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42
Quy định này có thểảnh hưởng đến hoạt động xử lý nợ của các tổ chức tín dụng trong năm 2024, khiến áp lực trích lập gia tăng. Đối tượng ảnh hưởng trực tiếp là các tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% do Chính phủ thành lập nhằm xử lý nợ xấu của các TCTD, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và các cá nhân tổ chức có liên quan.
7. Sửa đổi quy định việc chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ
Nghị định 08 quy định về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng thi hành một số điều khoản của Nghị định 65 về việc chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế cũng là một quy định có ảnh hưởng tới nhóm ngân hàng.
Theo quy định này, điều khoản xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo Nghị định 65 sẽ được tạm ngưng bao gồm: (i) giá trị danh mục ĐTCK đạt tối thiểu 2 tỷ đồng và nắm giữ tối thiểu 180 ngày liên tiếp trước ngày xác định NĐT CK chuyên nghiệp (ii) Việc xác định NĐT CK chuyên nghiệp chỉ có giá trị trong 03 tháng.
Đồng thời, ngưng thi hành điều khoản giảm thời gian phân phối, chào bán TPDN xuống 30 và 60 ngày; Ngưng thi hành việc bắt buộc xếp hạng TPDN thuộc các trường hợp buộc phải xếp hạng.
Các điều khoản ngưng thi hành sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023 sẽ khiến cho hoạt động giao dịch TPDN vốn đã chậm lại đáng kể từ 2022 càng chậm hơn trong năm 2024 từ đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành ngân hàng, đặc biệt đối với nhóm ngân hàng có tỷ trọng TPDN lớn trong cơ cấu cho vay.
Tuy nhiên, việc giữ nguyên quy định có thể đàm phán gia hạn thời hạn TPDN thêm tối đa 02 năm là một điểm cộng của chính sách.