Doanh nghiệp

Chiến lược phủ sóng nhanh toàn quốc của Yody

Mở rộng mạng lưới, phủ sóng mọi miền

Năm 2014, Yody khai trương cửa hàng đầu tiên, chính thức gia nhập thị trường thời trang may sẵn tại Việt Nam. Chỉ một năm sau đó, thương hiệu liên tục mở thêm 7 chi nhánh mới, trải rộng trên cả nước với các thành phố lớn, mở ra hành trình chinh phục người tiêu dùng cả nước đầy thách thức.

Yody hiện có 250 cửa hàng tại 55 tỉnh, thành cả nước. Ảnh: Yody

Yody hiện có 250 cửa hàng tại 55 tỉnh, thành cả nước. Ảnh: Yody

Đầu tháng 10, Yody chính thức có cửa hàng thứ 250, đánh dấu cột mốc chạm đến 55 tỉnh, thành trên cả nước, từng bước hiện thực hóa sứ mệnh đưa sản phẩm thời trang may mặc chất lượng, thân thiện môi trường đến gần hơn với người dùng. Đây không chỉ là quãng đường chinh phục mục tiêu mà còn ghi lại những thiết kế thời trang sáng tạo, hướng đến tinh thần phát triển bền vững, thân thiện môi trường của toàn đội ngũ.

Nhìn lại thời điểm mới thành lập, trong khi nhiều startup tập trung phát triển cục bộ tại các thành phố lớn với sức mua sôi động, CEO Nguyễn Việt Hòa của Yody lại chọn chiến lược mở rộng mạng lưới từ các tỉnh nhỏ. "Quyết định này được đưa ra dựa trên sứ mệnh cốt lõi của chúng tôi, đưa sản phẩm đến gần khách hàng trên mọi miền đất nước, bắt đầu từ những tỉnh, thành nhỏ và vùng ven", ông Hòa cho biết.

"Chiến lược ngược chiều" đã giúp mang lại nhiều cơ hội, thời gian, tích lũy tài chính, nhân lực, từng bước tiếp cận và xây dựng niềm tin với khách hàng. Đại diện thương hiệu cho biết trước đây người dùng thường quan niệm sản phẩm thời trang chất lượng cao giá thường đắt, chỉ có ở các thành phố lớn.

Sau khi khảo sát thị trường, thương hiệu quyết định trao cơ hội trải nghiệm sản phẩm đến người dùng tại các tỉnh, thành nhỏ hơn. Sự ủng hộ của khách hàng cùng động thái liên tục mở rộng chuỗi hệ thống lên 250 cửa hàng trong 9 năm qua đã góp phần chứng minh chiến lược họ chọn là đúng đắn.

Chung sức vượt thách thức

Chiến lược phủ sóng thị trường với mạng lưới cửa hàng dày đặc sau 9 năm đã đạt những thành tự nhất định. Song hành trình chạm đến mục tiêu chưa bao giờ bằng phẳng. Vị đại diện cho biết từ khi mới bắt đầu, thương hiệu đã đối diện với nhiều thách thức. Song thay vì lo lắng, họ quyết định nắm bắt cơ hội từ trong thử thách.

Cụ thể, từ những ngày đầu thành lập, Yody đã hình thành hệ thống vận hành, tổ chức chặt chẽ. Song song đó, đơn vị cũng có đội ngũ quản lý hiệu suất sát sao và sớm triển khai các giải pháp logistics linh hoạt, đảm bảo mỗi cửa hàng hoạt động hiệu quả, giao hàng nhanh chóng.

Sự thấu hiểu thị trường nội địa cùng mạng lưới rộng khắp giúp Yody thành thương hiệu gần gũi với người dùng Việt. Ảnh: Yody

Sự thấu hiểu thị trường nội địa cùng mạng lưới rộng khắp giúp Yody thành thương hiệu gần gũi với người dùng Việt. Ảnh: Yody

Thách thức tiếp theo đến từ sự thấu hiểu nhu cầu thị trường địa phương. Chiến lược ban đầu của Yody chủ yếu đánh vào nhóm khách tiêu dùng ở tỉnh thành nhỏ. Điều này đòi hỏi thương hiệu phải có sự thấu hiểu nhất định về nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tại đây. Từ đó mới có thể linh hoạt điều chỉnh sản phẩm và chiến lược marketing, phản ánh sự đa dạng văn hóa và xu hướng mua sắm tại từng khu vực.

CEO Nguyễn Việt Hòa quan niệm mỗi thành viên trong đội ngũ đều cần nỗ lực để mang đến sản phẩm, dịch vụ chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng. Mạng lưới cửa hàng dày đặc cũng giúp thương hiệu gần gũi, "quen mặt" với người dùng cả nước hơn. Nhờ đó, họ dễ dàng thu thập ý kiến, đóng góp của khách hàng ở từng khu vực nhất định, dùng cơ sở dữ liệu này để cho ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

"Mỗi cửa hàng là một điểm tiếp xúc tiềm năng với hàng triệu khách hàng, giúp thương hiệu thăng tiến, củng cố vị thế trong ngành công nghiệp thời trang Việt Nam", vị CEO khẳng định.

Ngoài mở rộng chi nhánh, mạng lưới cửa hàng, Yody còn tích cực đầu tư vào những lịch vực như công nghệ, nhân sự, khả năng chuyên môn... nhằm gia tăng trải nghiệm, chinh phục khách hàng "ở mọi điểm chạm". Quá trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm được thực hiện kỹ lưỡng, chuyên nghiệp để đảm bảo chất lượng và nhu cầu của khách hàng.

Đội ngũ nhân viên phục vụ tận tình được đào tạo bài bản là một trong những điểm cộng của Yody. Ảnh: Yody

Đội ngũ nhân viên phục vụ tận tình được đào tạo bài bản là một trong những điểm cộng của Yody. Ảnh: Yody

Toàn đội ngũ nhân viên bán hàng đều được đào tạo bài bản, trau dồi kỹ năng bán hành, tư vấn song song với bổ sung kiến thức chuyên môn về ngành thời trang, may mặc. Dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi và hệ thống logistics của riêng thương hiệu cũng là một khía cạnh được đặc biệt đầu tư, cải thiện.

Phát triển bền vững vì môi trường

"Chất lượng sản phẩm không chỉ là cam kết mà còn là yếu tố giúp đưa Yody vươn lên, chạm đến những thành tựu của hiện tại", đại diện thương hiệu cho biết. Song song với đảm bảo sản phẩm chất lượng đến với người dùng cả nước, đơn vị còn không ngừng theo đuổi sứ mệnh bền vững, trách nhiệm với môi trường.

Không chỉ bán sản phẩm, thương hiệu còn kể câu chuyện riêng về những chất liệu tái chế mới lạ. Đây cũng là một trong những yếu tố cốt yếu giúp Yody trở nên khác biệt trong thị trường thời trang nội địa hiện nay.

Đến nay, Yody đã tận dụng gần 3 triệu nguyên liệu tái chế từ bột ngô, bã café, vỏ hàu, cây bạc hà... để sản xuất các sản phẩm thời trang như áo polo, áo thun, sơ mi... Các chiến dịch phát triển bền vững vì môi trường không chỉ giúp lan tỏa danh tiếng, độ phủ thương hiệu mà còn mang lại lợi ích cộng đồng.

Đơn vị đã dành nhiều thời gian, công sức tìm kiếm đối tác sản xuất phù hợp trong nước. Thương hiệu kỳ vọng có thể duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các thương hiệu sản xuất sợi vải hàng đầu thế giới như S'Cafe, Coolmax, hay doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ như Airycool. Những sản phẩm "bền vững" sau khi tung ra thị trường đã nhận về nhiều sự ủng hộ, đánh giá cao về thông điệp và ý nghĩa phía sau mỗi chiếc áo.

Đại diện thương hiệu cho biết các chiến dịch sử dụng nguyên liệu tái chế may áo phần nào giúp giảm tác động tiêu cực của hoạt động kinh doanh lên hệ sinh thái. Đưa nguyên liệu tự nhiên vào quy trình may mặc cũng là cách hiệu quả để hạn chế chất thải và ô nhiễm môi trường.

Thông qua các chiến dịch thiện nguyện, tái chế sản phẩm thời tranh "xanh", những người dùng quan tâm đến các vấn đề môi trường có thể tiếp tục lan tỏa thông điệp ý nghĩa. Thương hiệu kỳ vọng người dùng có thể diện trang phục tái chế do họ sản xuất để thể hiện trách nhiệm môi trường.

Mặt khác, việc triển khai chiến dịch bền vững cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng tính cạnh tranh và tạo điểm khác biệt với những đối thủ khác. Tối ưu quy trình sản xuất, giảm lượng rác thải cũng là cách trực tiếp giảm tác động đến môi trường.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các chiến dịch thiện nguyện, tích cực lan tỏa thông điệp bền vững, bảo vệ môi trường bằng cách khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế. Song song đó, chúng tôi cũng cam kết không ngừng cải thiện chất lượng, thiết kế, mang đến sản phẩm, dịch vụ tối ưu cho khách hàng trên khắp dải đất chữ S", đại diện Yody chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm