“Mình từng làm một cuộc khảo sát nhỏ với những người xung quanh, với đủ mức thu nhập khác nhau, rằng họ cảm thấy kiếm tiền bao nhiêu là đủ. Từ những đứa em sinh viên đang đi làm thêm, những người trẻ vừa ra trường, đến người làm cho công ty lớn, và có cả chủ doanh nghiệp. Những con số vài triệu, vài chục triệu, vài trăm triệu, không một ai thấy đủ. Ngay cả bản thân mình cũng vậy.
Lúc đang thời sinh viên, ba mẹ mình cho 2-3 triệu/tháng tiêu cũng ổn, nhưng suy nghĩ thì cần 5 triệu mới đủ. Lúc vừa ra trường, lương thực tập 5 triệu lại thấy thiếu, suy nghĩ lại 8-10 triệu chắc mới đủ sống. Vậy mà, khi lên nhân viên chính thức, lương 10 triệu phải sống tiết kiệm lắm thì cuối tháng mới không hết tiền. Vòng lặp cứ diễn ra như vậy, cho đến khi lương hàng chục triệu mỗi tháng, có xe đi, có nhà sang để ở, vẫn không thấy đủ”, Huỳnh Nhất Bảo (30 tuổi, Trà Vinh) chia sẻ rằng, dù đã đi làm cả chục năm, vẫn chưa có lúc nào cảm thấy đủ với số tiền mình kiếm được.
Sẵn sàng chi hàng chục triệu chỉ để mua “tiêu sản”
Khi nói về “Tự do tài chính”, bạn cần phải trả lời câu hỏi rằng mình có thể sống với mức chi tiêu như hiện tại trong bao lâu nếu nghỉ việc? Đối với mình khoảng 5 năm trước, dù có nhà, có xe, có tiền tiết kiệm trong tài khoản, nhưng cũng không thể trả lời được câu hỏi này. Chỉ bởi vì khi đó, thứ mình đổ tiền vào mua là “tiêu sản” - không phải “tài sản”. Và mình biết chắc rằng, rất nhiều bạn trẻ cũng đang mắc phải những sai lầm như vậy.
Việc mua “tiêu sản” diễn ra trong đời sống thường ngày, mà có lẽ mọi người chẳng nhận ra. Chẳng hạn như, người có lương 10 triệu/tháng sẵn sàng chi trả cho 1 chiếc túi xách 2 triệu. Người có lương 20 triệu/tháng sẵn sàng chi hơn chục triệu để mua chiếc điện thoại đời mới. Chẳng kể đâu xa, bản thân mình từng bỏ hơn 50 triệu chỉ để mua chiếc xe tay ga đi cho “sang”, dù chiếc xe cũ vẫn hoạt động ngon lành. Rồi việc sở hữu những món đồ chỉ sử dụng vài lần rồi bỏ như đồng hồ, nước hoa, quần áo, giày dép... Đây là hệ lụy của việc không quan tâm đến việc quản lý tài chính cá nhân, để rồi tiền trong ví cứ vơi dần vì những thứ “tưởng chừng như cần thiết”.
Những thứ kể trên mới là dạng “tiểu tiêu sản”, cụm từ mình dành cho việc mua những món đồ không sinh lời trong tương lai với số tiền nhỏ. Còn dạng tiêu sản lớn mà chúng ta thường hay gặp nhất, là những căn hộ chung cư, xe ô tô, hàng hiệu... những thứ có thể ngốn đến tiền tỷ, nhưng tính đến khả năng sinh lời trong tương lai gần như không có. Thậm chí, hàng năm bạn còn phải bỏ thêm chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa. Đó là lý do khiến cho người làm thuê rất khó để giàu, vì làm được bao nhiêu cũng sẽ chi tiêu vào việc mua sắm, hoặc trả nợ hàng tháng vì mua trả góp.
Người làm thuê kiếm tiền bao nhiêu mới đủ?
Việc bỏ tiền để mua tiêu sản không phải việc gì sai trái, cũng không ai có thể gạt bỏ hoàn toàn việc sở hữu những món đồ “không quá cần thiết” ra khỏi cuộc sống. Nhưng nếu như cứ sử dụng những đồng tiền kiếm được không theo kế hoạch nào, thì có khả năng cả đời bạn kiếm bao nhiêu tiền cũng chẳng đủ. Vậy nên, việc ngừng chi tiêu lại để học cách quản lý đồng tiền, xem nhu cầu thực sự cần thiết, nhu cầu nào không, rất quan trọng. Để làm được điều này, bản thân mình đã từng trải qua khoảng thời gian trả góp tiền nhà, vòng quay kiếm tiền - trả nợ khiến mình bắt buộc phải có kế hoạch cho việc chi tiêu.
Xác định cái gì mình cần - cái gì mình muốn?
Nhu cầu trong cuộc sống của mỗi người là khác nhau. Nhưng về cơ bản, chúng ta sẽ có những khoản chi tiêu “cần” để sống - và những khoản chi tiêu “muốn” để hưởng thụ. Việc phân định rõ ràng được 2 loại chi phí này là phần cực kỳ quan trọng trong việc quản lý tài chính cá nhân, là bước đầu để trả lời cho câu hỏi: “Kiếm bao nhiêu tiền là đủ?”
- Chi phí “cần” : Đây là khoản chi tiêu cơ bản nhất, dành cho những nhu cầu để duy trì cuộc sống như: tiền nhà, ăn uống cơ bản, phương tiện đi lại... giúp cho cuộc sống vận hành bình thường. Để xác định được cụ thể một tháng bạn tiêu bao nhiêu cho chi phí cần, bạn cần tổng kết lại số tiền đã tiêu ở những tháng trước. Nhìn lại những con số được ghi chép, bạn sẽ đo lường được mức chi tiêu cơ bản này.
- Chi phí “muốn” : Hay với mình còn gọi là hưởng thụ cuộc sống, là những khoản tiền giúp bạn sống thoải mái hơn. Nhưng đây là khoản chi tiêu không quá khẩn cấp, nếu không có nó, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. Ví dụ như cafe cùng bạn bè, mua sắm những món đồ chỉ xài 1-2 lần, làm đẹp, ăn ngoài... Và để giảm bớt gánh nặng tài chính trong tương lai, hãy hạn chế chi phí “muốn” này xuống mức thấp nhất có thể, vì đây là những khoản tiêu sản đốt cháy tiền tiết kiệm của bạn theo cách nhanh nhất.
Sau khi thống kê được con số cụ thể cho từng nhu cầu, bạn sẽ bước đầu xác định được 1 tháng cần bao nhiêu tiền thì đủ sống. Và việc tiếp theo, là cân bằng giữa 2 loại chi phí “cần - muốn” này. Kiếm đủ tiền “cần” để sống không quá khó, nhưng kiếm đủ tiền để chi trả cho những thứ mình “muốn” mới khó. Bởi vốn dĩ, nhu cầu của con người ngày càng phát sinh chứ không dừng lại. Vậy, làm sao để kiếm được đủ số tiền mình muốn?
Lên kế hoạch tài chính cụ thể
Để xác định được số tiền mình cần phải kiếm là bao nhiêu, bạn phải có một kế hoạch tài chính trong dài hạn. Việc cân bằng giữa số tiền cần kiếm và thời gian, sẽ giúp bạn tìm ra được một mốc thời gian cụ thể để kiếm đủ tiền mình muốn.
Ví dụ như bạn lên kế hoạch nghỉ hưu trong 30 năm tới với số tiền khoảng 5 tỷ, và chỉ cần đạt được 5 tỷ này bạn sẽ có thể sống tự do trong vùng thoải mái của mình. So sánh với mức thu nhập và chi tiêu hiện tại, bạn cần có kế hoạch cụ thể cho từng năm, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư ra sao. Đừng bỏ qua những con số này, hay sống theo kiểu làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu, tiêu không hết thì bỏ tiết kiệm. Nếu quản lý tài chính như vậy, thì nguy cơ làm cả đời cũng không kiếm đủ là rất cao.
Để lên được một kế hoạch tài chính phù hợp với bản thân, về lý thuyết thì rất dễ, nhưng thực hành được hay không, lại phụ thuộc vào tư duy: Kiếm tiền - Tiêu tiền - Giữ tiền của từng người.
Kiếm tiền nhiều hơn thay vì tiết kiệm tiền
Việc kiếm tiền cần ưu tiên hàng đầu. Vì chỉ khi có tiền, chúng ta mới có thể tiêu tiền. Đối với kinh nghiệm cá nhân, mình cực kỳ thích kiếm nhiều tiền, hơn là phải tiết kiệm từng đồng. Và như thế, thì việc làm văn phòng 8 tiếng là không đủ. Khi này, bằng những kinh nghiệm sẵn có trong công việc, hãy tận dụng thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập từ những nguồn khác nhau. Nếu là người làm công ăn lương, hãy làm thật tốt công việc của mình để được gọi tên trong những lần tăng lương, hưởng bảo hiểm xã hội, thăng chức hoặc kiếm thêm những cơ hội làm ăn ngoài nhờ những mối quan hệ.
Tiêu tiền khôn ngoan hơn
Thay vì đổ tiền vào mua những món đồ không cần thiết, trả góp chiếc điện thoại, hay mua xe máy... Thì hãy đổ tiền vào để mua tài sản giúp bạn tích lũy được tài sản. Đơn giản nhất có thể là gửi ngân hàng, mua vàng, tích trữ bằng những loại tài sản hiện vật phù hợp với khả năng.
Hãy tiêu tiền một cách lý trí, tránh xa những quảng cáo kích thích nhu cầu mua sắm, phân định rõ những nhu cầu cần và muốn, để đưa ra được những quyết định chi tiêu đúng đắn nhất.
Giữ tiền để tiền đẻ ra tiền
Nếu chỉ kiếm tiền bằng cách lao động theo giờ, cống hiến sức mình, thì việc kiếm đủ tiền là điều không tưởng với mình. Vì thế nên, khiến tiền đẻ ra tiền một cách thụ động là ý tưởng đầu tiên mình nghĩ đến khi cảm thấy sức lực có hạn. Số tiền bạn tiết kiệm được là khoản tiền dành để lo cho tương lai, tiền nên được đổ vào những kênh đầu tư dài hạn như: đầu tư cho bản thân, đầu tư cho những loại tài sản sinh lợi trong tương lai, bảo hiểm, đất đai...
Đa số mọi người không xác định được con số cụ thể là bao nhiêu, nên sẽ dễ rơi vào trạng thái kiếm tiền trong mơ hồ, dù kiếm bao nhiêu cũng không đủ, vì nhu cầu cứ ngày một phát sinh. Khi không có kế hoạch tài chính - chi tiêu cụ thể, mọi người chỉ nghĩ đến kiếm được một khoản tiền nhiều hơn số hiện tại là được, vô tình rơi vào vòng xoáy của việc kiếm tiền. Vậy nên, hãy tập trung hơn để hiểu được cách sử dụng dòng tiền và những nhu cầu thực sự của bản thân. Vừa kiếm tiền, vừa quan sát và hiệu chỉnh yếu tố “nhu cầu” của bản thân, quản lý thu nhập và đầu tư hợp lý để không phụ thuộc vào đồng tiền.