Thời sự

Những người đi tìm công lý trong các vụ tai nạn giao thông

Những người đi tìm công lý trong các vụ tai nạn giao thông - 1

Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại địa phận qua huyện Ứng Hòa, Hà Nội khiến 3 mẹ con chị Hoa tử vong tại chỗ

Không bỏ lọt từng chi tiết nhỏ

Khi nói về lực lượng Cảnh sát giao thông, người dân thường nghĩ tới những chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các ngã 3, ngã 4 đường phố để hướng dẫn, phân luồng cho các phương tiện giao thông. Nhưng trên một mặt trận khác còn có sứ mệnh “đi tìm công lý”. “Dù cùng chung màu áo, nhưng công việc của chúng tôi phải tìm bằng được sự công bằng cho những nạn nhân, để công lý được thực thi, tránh oan sai, khiếu kiện…” - Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Đội Khám nghiệm, Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội nói.

Gắn bó 9 năm với công tác khám nghiệm tai nạn giao thông, Đại úy Nguyễn Anh Tuấn cho biết, phải yêu nghề lắm mới theo đuổi được công việc này bởi sự vất vả, hy sinh là không thể đong đếm được. Mấu chốt để tìm ra nguyên nhân, giải mã đúng - sai trong các vụ tai nạn giao thông chính là hiện trường. Do vậy, ngay khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra, dù là ở địa bàn nào, gần hay xa, ngày hay đêm, thậm chí mưa giông hay gió bão, người chiến sĩ làm công tác khám nghiệm cũng phải lập tức lên đường.

“Chúng tôi phải bảo vệ từng milimet hiện trường, thu thập từng dấu vết dù nhỏ nhất. Có thể đó chỉ là một hạt cơm bám trên vỏ chiếc xe vừa va phải cụ già xách hộp cơm sang đường, có thể là lớp bụi mờ sau cú tông liên hoàn của nhiều phương tiện, có là giọt máu li ti đọng dưới mặt đường từ khoảng cách khá xa điểm va chạm… Tất cả đều là chứng cứ giúp chúng tôi tìm ra nguyên nhân. Do vậy, không chỉ cần nhanh, nhạy bén mà cán bộ khám nghiệm cũng phải rất cần mẫn, tỉ mỉ” - Đại úy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Có những ngày cùng lúc xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông ở các điểm khác nhau, cán bộ, chiến sĩ làm công tác khám nghiệm thậm chí quên ăn, không có phút giây để nghỉ ngơi. Một vụ tai nạn giao thông xảy ra mà chưa tìm được lời giải sẽ là những đêm trắng trằn trọc.

“Tôi đã từng tham gia khám nghiệm một vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc nửa đêm về sáng gần chợ Long Biên (quận Hoàn Kiếm). Nạn nhân là một người nước ngoài đã tử vong ngay sau đó. Đêm khuya, không có nhân chứng trực tiếp nên chúng tôi phải rất khẩn trương để thu thập chứng cứ, tài liệu. Suốt 3 đêm liền, chúng tôi phải ra hiện trường, vào đúng cung giờ đó chỉ để tìm một người đã chứng kiến thời điểm tai nạn xảy ra…” - Đại úy Nguyễn Anh Tuấn nhớ lại.

Theo lời kể của chiến sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, suốt 3 đêm đó chỉ có một vài người lái xe ôm, nhưng họ lại không chứng kiến trực tiếp nên không thể là thông tin tin cậy được. Đêm thứ ba, có thông tin cho biết, hàng ngày có một phụ nữ chuyên bán trà đá đêm cho cánh thợ bốc hàng trong chợ. Song thời điểm cơ quan công an tìm kiếm thì người phụ nữ ấy lại nghỉ liên tiếp nhiều ngày. May mắn là thông qua bác bảo vệ dân phố, cuối cùng Đại úy Nguyễn Anh Tuấn cũng tìm được nhân chứng đã chứng kiến từ đầu tới cuối vụ tai nạn. Thông qua những thông tin từ nhân chứng, cuối cùng các cán bộ chiến sĩ Đội Khám nghiệm hiện trường đã xác định được nguyên nhân là do chiếc xe gây tai nạn đã chuyển hướng không an toàn.

Những người đi tìm công lý trong các vụ tai nạn giao thông - 2

Công tác khám nghiệm hiện trường của lực lượng CSGT Thủ đô

Nỗi lòng không đong đếm

Lại nói, công tác khám nghiệm hiện trường đòi hỏi người chiến sĩ thực thi nhiệm vụ phải nhạy bén, dày dạn kinh nghiệm để không xảy ra oan sai. Ngày thời tiết thuận hòa còn đỡ, những ngày mưa bão hay nắng cháy da, cứ có tai nạn là họ phải đi ngay để giữ hiện trường còn nguyên vẹn. Vất vả nhất đối với những cán bộ chiến sĩ được giao nhiệm vụ đặc biệt này chính là khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường thủy. Đó là một thế giới mênh mông, lạnh lẽo và tối tăm. Nước không có ranh giới, không có làn đường nên đòi hỏi cán bộ khám nghiệm phải có tư duy về dòng chảy, hướng gió, có bản lĩnh để đấu lý, đấu trí với đối tượng gây tai nạn để làm rõ chân tướng sự việc.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng điều đó không ngăn được sự nỗ lực cố gắng của họ đối với nhiệm vụ được phân công. Song, điều khiến họ ám ảnh nhất vẫn là không thể cứu được người đã mất. Thậm chí, trong nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, người chiến sĩ đòi hỏi phải rất bản lĩnh mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ.

“Tôi nhớ đó là tuyến đường cao tốc đi qua huyện Phú Xuyên. Sáng sớm chúng tôi nhận được thông tin và tức tốc lên đường. Đây là một vụ tai nạn ám ảnh khủng khiếp khi hiện trường kéo dài tới 200m. Nạn nhân bị xe cán đến mức không còn hình thù để có thể nhận dạng và bốc mùi rất khó chịu. Tôi đã phải đeo vài lớp khẩu trang mới tiếp cận được hiện trường, quang cảnh rùng rợn đến mức những người dân hiếu kỳ nhất cũng nôn thốc nôn tháo và chỉ dám đứng cách xa hàng trăm mét để theo dõi cơ quan chức năng làm việc. Qua một vài dấu hiệu nhận dạng về quần áo, chúng tôi xác định nạn nhân là nữ. Tuy nhiên, thời điểm tai nạn thì không chắc chắn. Có lẽ, nạn nhân bị một chiếc xe tải hoặc container cán mà bản thân lái xe cũng không biết, hoặc biết mà cố tình bỏ chạy. Thế rồi hết lượt xe này đến lượt xe kia chạy qua cho tới khi có người phát hiện, đặt cành cây chắn ngang báo hiệu thì những chiếc xe mới dừng lại và báo tin cho chúng tôi…” - Đại úy Nguyễn Anh Tuấn kể. Sau đó, anh và đồng nghiệp cũng đã tìm được nhân thân người bị nạn. Vụ tai nạn ấy đã ám ảnh tổ khám nghiệm đến tận bây giờ.

16h30 ngày 11-5-2014, tại Quốc lộ 21B (đoạn qua thôn Thái Bình, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Vào thời điểm trên, Nguyễn Ngọc Hải (sinh năm 1987, trú quán thôn Phú Duy, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) điều khiển xe ô tô tải (loại 1,25 tấn) lưu thông theo hướng Mỹ Đức đi Hà Đông. Khi đến địa phận thôn Thái Bình thì va chạm với xe máy do chị Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1980, trú tại thôn Thái Bình) điều khiển, phía sau chở theo cháu Trần Thùy Linh (sinh năm 2007, con gái chị Hoa) và cháu Trần Tuấn Anh (sinh năm 2013, con trai chị Hoa) khiến cả 3 ba mẹ con tử vong. Có mặt trong tổ khám nghiệm hiện trường hôm đó, Đại úy Nguyễn Anh Tuấn và các đồng nghiệp cũng ứa nước mắt bởi hôm đó là sinh nhật tròn 1 tuổi con trai chị Hoa. Bên cạnh tổ khám nghiệm là người chồng, người cha của 3 nạn nhân tử vong đang vật vã ngất lên ngất xuống. Những hình ảnh đau thương ấy đã đẩy cảm xúc của chính những chiến sĩ làm nhiệm vụ lên đến tận cùng.

“Thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường, giải quyết không biết bao nhiêu vụ từ đơn giản đến phức tạp, nhưng day dứt và trăn trở đối với chúng tôi chính là dù cố gắng làm tốt đến đâu đi chăng nữa cũng không lấy lại được sinh mạng của những người đã mất trong các vụ tai nạn giao thông. Có cứng rắn đến mấy, nhưng sau mỗi nhiệm vụ cũng không thể ngăn nổi sự đau đớn, nỗi giày vò dù giữa chúng tôi và nạn nhân không hề quen biết. Với những người lính làm nhiệm vụ này, mãi mãi sẽ không bao giờ có cái gọi là “quen rồi”. Vậy cho nên, tôi muốn nhắn nhủ với những người đang ngồi sau tay lái, hãy luôn tôn trọng Luật Giao thông đường bộ để không bao giờ phải thốt lên 2 từ: Giá như…” - Đại úy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

“Thực hiện công tác khám nghiệm hiện trường, giải quyết không biết bao nhiêu vụ từ đơn giản đến phức tạp, nhưng day dứt và trăn trở đối với chúng tôi chính là dù cố gắng làm tốt đến đâu đi chăng nữa cũng không lấy lại được sinh mạng của những người đã mất trong các vụ tai nạn giao thông. Có cứng rắn đến mấy, nhưng sau mỗi nhiệm vụ cũng không thể ngăn nổi sự đau đớn, nỗi giày vò dù giữa chúng tôi và nạn nhân không hề quen biết. Với những người lính làm nhiệm vụ này, mãi mãi sẽ không bao giờ có cái gọi là “quen rồi”.

Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Đội Khám nghiệm, Phòng CSGT - CATP Hà Nội

Cùng chuyên mục

Đọc thêm