Ngày 18/8, trên mạng xã hội facebook lan truyền nhiều hình ảnh đoạn chat giữa một người được cho là nữ giáo viên (đã lập gia đình) đang công tác tại Trường mầm non Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình với một người đàn ông cũng đã có gia đình, thể hiện dấu hiệu mối quan hệ tình cảm bất chính.
Nội dung đoạn chat khiến cư dân mạng dậy sóng bởi người được cho là nữ giáo viên chủ động gửi hình ảnh nhạy cảm và gợi ý những món ăn như: dưa xào lòng; thịt chó… chứa nhiều chất đạm cho người tình.
Đoạn chát thể hiện người phụ nữ thích ăn món lòng xào dưa
Trao đổi với Báo Giao thông chiều 19/8, một lãnh đạo UBND thị trấn Thanh Nê cho biết, lãnh đạo địa phương đã yêu cầu ban giám hiệu Trường mầm non thị trấn Thanh Nê báo cáo về những ồn ào trên mạng xã hội liên quan đến cô giáo của trường.
"Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu cô giáo T.T.L., làm giải trình. Nhà trường cũng đã tạm dừng công tác giảng dạy đối với cô L. để giáo viên này tập trung viết tường trình", vị lãnh đạo này cho hay.
Sau khi đọc hết đoạn chát giữa “cô giáo thích ăn lòng xào dưa” và người tình, nhiều người tỏ ra bức xúc và phản đối hành vi ngoại tình của cặp đôi này, nhất là nhân vật nữ đang làm công tác giảng dạy học sinh.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Luận bàn nội dung này dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, ngoại tình là hành vi phạm đạo đức và pháp luật.
"Ở nước ta, nhà nước chỉ công nhận quan hệ hôn nhân một vợ, một chồng là hợp pháp. Những hành vi khi đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi cấm", ông Bình nói.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 59, Nghị định 82/2020, người nào có các hành vi sau thì sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng:
Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Do đó, căn cứ vào quy định trên thì những người biết người khác đã có vợ, có chồng mà vẫn chung sống như vợ chồng hoặc thậm chí kết hôn với những người đã có vợ, có chồng thì sẽ bị phạt tiền lên đến 5 triệu đồng.
"Ở câu chuyện này, với những tin nhắn của hai người trong cuộc trao đổi qua lại thì có thể thấy họ đã biết được đối phương đã có gia đình. Nhưng muốn xử phạt được thì cơ quan chức năng cũng cần phải chứng minh hành vi chứ không chỉ đơn thuần dựa vào những đoạn chát lan truyền trên mạng", luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết, ở mức độ nghiêm trọng hơn, trường hợp người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn.
Hoặc trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo quy định tại Điều 182, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Khung hình phạt thấp nhất của tội này là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, cao nhất là 3 năm tù giam”, ông Bình nói.
Tuy nhiên, luật sư Bình cũng cho biết, cơ quan chức năng cần phải chứng minh được cặp đôi này có chung sống như vợ chồng không, hay chỉ là quan hệ ngoài luồng. Và hệ quả của việc chung sống này là như thế nào? Nếu chỉ là quan hệ ngoài luồng thì rất khó để có thể xử lý hình sự.
Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho hay, trong vụ việc này, nếu xác định những người này là cán bộ, công chức hoặc viên chức, họ có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Khoản 1, Điều 6 Nghị định này quy định cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật nếu có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ.
Tùy thuộc mức độ của hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định 112, Hội đồng kỷ luật sẽ xác định áp dụng biện pháp kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc đối với cán bộ vi phạm.