Chính vì vậy, việc nắm rõ những điều cần lưu ý trước khi mua iPhone đã qua sử dụng sẽ trở nên vô cùng quan trọng.
Kiểm tra sức khỏe pin
Điều đầu tiên người dùng nên làm là kiểm tra sức khỏe pin của thiết bị, vốn là bộ phận dễ xuống cấp nhất trong điện thoại. Sức khỏe pin được hiểu là mức sạc tối đa mà pin có thể duy trì so với lúc mới, thường được hiển thị dưới dạng phần trăm. Ví dụ, nếu pin còn 90% sức khỏe, việc sạc đến 100% chỉ cung cấp lượng điện tương đương với mức sạc 90% khi pin còn mới.

Sức khỏe pin là thông số quan trọng
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Nếu mua iPhone từ một người bán đáng tin cậy, người dùng có thể dễ dàng kiểm tra tình trạng pin trong ứng dụng Cài đặt. Mức pin trên 80% thường cho thấy thời lượng pin tốt, và Apple khuyến cáo nên thay pin khi sức khỏe pin đạt 80%. Tuy nhiên hãy cẩn thận nếu mua từ nhà bán lẻ tân trang hoặc bên thứ ba bởi họ có thể làm giả tỷ lệ phần trăm pin hiển thị. Để đảm bảo sức khỏe pin thực tế, hãy sử dụng công cụ chẩn đoán bên thứ ba như coconutBattery (macOS) hoặc 3uTools (Windows/macOS).
Kiểm tra màn hình
Nhiều iPhone được bán lại thường có màn hình bị hỏng và được thay bằng màn hình kém chất lượng. Hãy đặt iPhone lên bộ sạc không dây và mở khóa. Nếu iPhone tự động chạm hoặc mở ứng dụng, rất có thể nó đang sử dụng màn hình giả vì màn hình không chính hãng thường không tương thích với sạc không dây.
Ngoài ra hãy chú ý đến viền màn hình. Nếu thấy một cạnh, đặc biệt là viền dưới, dày hơn hoặc không đều so với các cạnh còn lại, có khả năng màn hình đã được thay thế. Với iPhone 12 trở lên, hãy kiểm tra xem có phải là OLED hay không vì một số màn hình thay thế giả sử dụng tấm nền LCD rẻ tiền hơn. Hãy bật chế độ tối và mở ứng dụng Cài đặt. Nếu nền hiển thị màu xám đậm thay vì đen tuyền, có thể đó là màn hình LCD kém chất lượng.

Hãy chú ý đến chất lượng loa và micro
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Kiểm tra loa và micro
iPhone được trang bị nhiều loa và micro, vì vậy việc chỉ nghe thấy âm thanh không đủ để khẳng định mọi thứ hoạt động bình thường. iPhone có 2 loa: một ở phía dưới gần cổng sạc và một ở phía trên gần camera trước. Để kiểm tra, hãy bật một đoạn nhạc và áp điện thoại vào tai với từng loa để đảm bảo rõ ràng từ 2 vị trí.
Ngoài ra, iPhone còn có nhiều micro được bố trí xung quanh thiết bị: mặt trên, mặt dưới và mặt sau. Hãy mở ứng dụng Ghi âm và bắt đầu ghi âm. Nói vào điện thoại từ nhiều hướng khác nhau, sau đó phát lại để xem giọng nói có được thu rõ ràng không.
Kiểm tra Face ID
Face ID có thể ngừng hoạt động nếu camera TrueDepth đã được thay thế hoặc nếu iPhone đã được thay màn hình kém chất lượng khiến hư hỏng các linh kiện bên trong. Hãy thiết lập lại Face ID bằng cách vào ứng dụng Cài đặt > Face ID & Mật mã để thiết lập Face ID.
Làm theo hướng dẫn trên màn hình để đặt khuôn mặt trước camera và từ từ di chuyển đầu theo hình tròn. Sau khi hoàn tất, hãy khóa iPhone và thử mở khóa bằng Face ID để xác nhận mọi thứ hoạt động bình thường.

Nắm bắt những nguyên tắc sẽ giúp mua iPhone đã qua sử dụng ưng ý nhất có thể
ẢNH: REUTERS
Xác nhận Khóa kích hoạt trên iPhone
Nếu mua iPhone cũ trên mạng và người bán chỉ cung cấp hình ảnh màn hình cài đặt, hãy cẩn trọng. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy thiết bị đã bị đánh cắp và vẫn đang bật Khóa kích hoạt. Tính năng này liên kết iPhone với tài khoản Apple của chủ sở hữu ngay cả khi dữ liệu đã xóa, khiến người dùng không thể hoàn tất quá trình thiết lập hoặc sử dụng điện thoại nếu không có mật khẩu tài khoản Apple của chủ sở hữu trước đó.
Nếu người bán không thể hoặc không muốn gỡ bỏ Khóa kích hoạt, đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy iPhone có thể đã bị đánh cắp. Trong trường hợp này, người dùng không chỉ mua phải một thiết bị vô dụng mà còn có nguy cơ bị theo dõi bởi chủ sở hữu ban đầu.