Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 103 về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vừa gửi Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thu 30-50% phần chênh lệch giá đất khi hộ dân chuyển đất nông nghiệp sang đất ở.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, mức thu hiện hành 100% chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp, cùng phương án 30% do Bộ Tài chính đề xuất, vẫn tạo gánh nặng lớn với người dân, do giá đất theo bảng giá hiện hành đã tăng cao hơn nhiều so với trước.
Tại văn bản góp ý gửi Bộ Tư pháp liên quan dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 103, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) kiến nghị giảm mạnh chi phí chuyển mục đích sử dụng đất nhằm "khoan sức" người dân và hỗ trợ phục hồi thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu dẫn chứng, với một thửa đất 300 m2 (vượt hạn mức 50 m2), nếu tính theo đề xuất Bộ Tài chính, tiền sử dụng đất phải nộp khoảng 1 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu áp dụng mức 20% như HoREA kiến nghị, số tiền giảm xuống còn 676 triệu đồng, tức tiết kiệm hơn 35%.
Đối với phần vượt hạn mức, HoREA cũng đề xuất giảm mức thu dự kiến từ 50% còn 30%. "Mức giảm này hợp lý hơn với thu nhập của người dân và phản ánh đúng tính chất sử dụng đất ở hộ gia đình", ông Châu đánh giá.
Bên cạnh đó, HoREA đề xuất không truy thu tiền sử dụng đất bổ sung với các dự án đã được giao đất từ 20-30 năm trước. Nếu vẫn thực hiện, mức bổ sung nên chỉ ở 0,5% mỗi năm thay vì 3,6% như dự thảo, nhằm giảm chi phí không hợp lý và hạn chế tác động tới giá bán nhà.

Bất động sản khu trung tâm TP HCM, tháng 7/2025. (Ảnh: Quỳnh Trần).
Xoay quanh mức thu tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhiều ý kiến cũng đề xuất miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích các thửa liền kề đất ở hoặc phân nhóm người sử dụng đất để tính tiền theo mức phù hợp.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm, cho rằng chuyển mục đích sử dụng đất là một thủ tục hành chính, không phải giao dịch mua bán công sản. Bản chất tiền sử dụng đất giống như khoản thu từ hoạt động chuyển nhượng, do đó chỉ nên áp dụng với doanh nghiệp hoặc trường hợp Nhà nước giao đất mới. Với người dân đã sở hữu và sinh sống ổn định trên đất, việc thu khoản tiền này là chưa hợp lý.
Từ đó, ông kiến nghị miễn toàn bộ tiền sử dụng đất với các thửa đất liền kề đất ở, nơi người dân đã sinh sống, canh tác ổn định.
Với các loại đất phục vụ chính sách như đất công ích, nhà ở xã hội, tái định cư, ông đề xuất không thu tiền sử dụng đất, kể cả trực thu hay gián thu, vì không thể đánh đồng với các dự án thương mại.
Ngoài ra, chính quyền cần thiết lập cơ chế giãn, hoãn hoặc chia kỳ nộp tiền sử dụng đất, giúp người dân có thời gian cân đối tài chính.
Đồng tình ý trên, bà Võ Nhật Liễu, Giám đốc Viện đào tạo phát triển dự án bất động sản (PROPIIN), cho rằng để tránh thất thu nhưng vẫn hài hòa lợi ích người dân, nhà nước có thể chia người sử dụng đất thành ba nhóm để áp dụng mức thu khác nhau, thay vì dùng một công thức chung.
Nhóm đầu tiên là người sử dụng đất để ở thực, nên có cơ chế tính hỗ trợ để đảm bảo khả năng tiếp cận. Nhóm thứ hai là người sở hữu từ 2-3 lô đất, có thể áp dụng mức thu 30-50%.
Nhóm thứ ba là tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh, nên áp dụng mức thu 100%, kèm phương pháp tính minh bạch để tránh khiếu nại.
Bên cạnh đó, bà Liễu đề xuất cải cách thủ tục xác định tiền sử dụng đất và định giá đất cụ thể để rút ngắn thời gian xử lý, tháo gỡ ách tắc cho dự án và giúp doanh nghiệp không bị "đóng băng" dòng tiền.
Giới chuyên gia cảnh báo việc TP HCM điều chỉnh khung giá đất từ 1/8, với mức tăng từ 2,36 lần đến gần 39 lần so với năm 2020, có thể khiến chi phí sử dụng đất và thuê đất tăng vọt, tạo thêm áp lực cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, chênh lệch giá đất giữa các tỉnh giáp ranh đang tạo ra tình trạng đầu cơ, do chính sách thu và cách tính giá đất chênh lệch quá lớn. Vì vậy, cần thống nhất phương pháp xây dựng giá đất để ổn định thị trường.