Sức khỏe

Những loại thảo mộc quen thuộc hỗ trợ giải độc gan

Gan được xem là “nhà máy lọc độc” của cơ thể, thực hiện hàng trăm chức năng quan trọng, trong đó nổi bật là đào thải chất độc. Tuy nhiên, chính vì vai trò này, gan cũng dễ bị tổn thương và “ngộ độc” do tiếp xúc thường xuyên với rượu bia, thuốc men, thực phẩm chế biến sẵn, kim loại nặng hay virus viêm gan.

Lúc này, nhiều người nghĩ đến các loại thảo dược có khả năng giải độc gan. Tuy nhiên, không phải loại nào cũng nên dùng thường xuyên và không phải ai cũng phù hợp.

Nguyên tắc khi dùng thảo mộc giải độc gan

Theo BSCKII Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cơ sở 3, thảo dược có thể hỗ trợ quá trình giải độc, nhưng không nên xem là giải pháp thay thế điều trị y tế.

Nếu sử dụng sai cách, kéo dài hoặc phối hợp không hợp lý, các loại cây này có thể gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến chức năng gan và các cơ quan khác.

Một số nguyên tắc cần lưu ý khi sử dụng thảo mộc để giải độc cần nhớ bao gồm:

- Không dùng liên tục quá 1-2 tháng nếu không có hướng dẫn chuyên môn.

- Tránh lạm dụng với người có thể hư hàn, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

- Không thay thế thuốc điều trị chính trong các bệnh lý gan mạn tính như xơ gan, viêm gan B, C.

- Khi sử dụng cần theo dõi chức năng gan nếu dùng dài ngày, đặc biệt khi phối hợp với thuốc kháng virus, statin, thuốc huyết áp hoặc kháng sinh.

5 loại thảo dược hỗ trợ chức năng gan

Nhân trần bắc (Artemisia capillaris Thunb)

Nhân trần bắc chứa nhiều hoạt chất có lợi như tinh dầu, coumarin (scoparon, scopoletin), flavonoid và acid phenol. Nghiên cứu cho thấy các hợp chất từ loài cây này giúp ức chế virus viêm gan B, bảo vệ gan khỏi xơ hóa và ung thư, đồng thời ổn định men gan, mỡ máu và đường huyết.

Theo y học cổ truyền, nhân trần có vị đắng, tính mát, quy vào kinh can và đởm. Dược liệu này thường được dùng để thanh nhiệt, lợi mật, giải độc, thông tiểu và tiêu đờm, chủ trị các chứng viêm gan vàng da, viêm túi mật, ăn uống kém sau sinh.

Mọi người có thể dùng 10-15g nhân trần bắc/ngày dưới dạng thuốc sắc. Tuy nhiên, bác sĩ Hương cũng lưu ý, mọi người không dùng kéo dài như nước uống hằng ngày, tránh kết hợp với cam thảo. Phụ nữ mang thai và người thể hư hàn cần thận trọng.

Diệp hạ châu (Phyllanthus urinaria)

Diệp hạ châu từ lâu được dân gian dùng để “mát gan, tiêu độc”. Nghiên cứu hiện đại cho thấy loài cây này có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ gan khỏi tổn thương do virus, rượu và thuốc như paracetamol. Ngoài ra, nó còn có tiềm năng chống lại nhiều loại ung thư và ổn định đường huyết.

Theo Đông y, diệp hạ châu có vị hơi đắng, tính mát, quy kinh can và thận, thường dùng trị viêm gan, vàng da, mụn nhọt, tiểu buốt, tiểu rắt, rắn cắn.

Những loại thảo mộc quen thuộc hỗ trợ giải độc gan - 1

Diệp hạ châu là thảo mộc quen thuộc có thể hỗ trợ giải độc gan (Ảnh: Viện Y dược Cổ truyền Dân tộc).

Diệp hạ châu có thể dùng dưới dạng tươi hoặc khô, đem sắc uống với liều lượng 20-40g/ngày. Thảo dược này cũng có thể đem giã đắp ngoài khi bị loét, côn trùng cắn.

Cà gai leo (Solanum procumbens)

Cà gai leo là loại cây bản địa có nhiều hoạt chất như alkaloid và saponin steroid. Theo các nghiên cứu trong nước, cây có thể làm giảm tải lượng virus viêm gan B, cải thiện men gan và triệu chứng toàn thân ở người bệnh. Cà gai leo cũng có tiềm năng chống viêm và chống oxy hoá.

Y học cổ truyền cho rằng cà gai leo có vị đắng, tính ôn, hơi độc. Thường được dùng để trị phong thấp, xơ gan, ho khan, dị ứng và viêm quanh răng.

Mọi người có thể sắc cà gai leo uống để giải độc gan với liều 16-20g/ngày. Tuy nhiên, người có bệnh tim mạch, cao huyết áp hoặc đang uống thuốc điều trị mạn tính cần cẩn trọng và không nên sử dụng loại nước này. 

Atiso (Cynara scolymus)

Atiso là thảo dược quen thuộc, thường được dùng dưới dạng trà. Các hợp chất trong atiso như axit phenolic, flavonoid và saponin giúp tăng tiết mật, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện chức năng gan, ngăn ngừa sỏi mật và viêm túi mật.

Atiso có thể được sử dụng dưới dạng lá khô hoặc tươi 8-10g/ngày hoặc dạng cao lỏng 2-10g/ngày.

Những loại thảo mộc quen thuộc hỗ trợ giải độc gan - 2

Tại Việt Nam, atiso thường được điều chế làm trà uống hàng ngày (Ảnh: Unsplash).

Bác sĩ Hương cũng lưu ý loại thảo dược này có thể tương tác với thuốc chống đông, thuốc huyết áp hoặc lợi tiểu, không dùng đồng thời nếu không có chỉ định chuyên môn.

Mật nhân (Eurycoma longifolia)

Không chỉ được biết đến là thảo dược tăng cường sinh lý nam giới, mật nhân còn được chứng minh có tác dụng bảo vệ gan, làm giảm bilirubin và hỗ trợ tái tạo tế bào gan bị tổn thương.

Y học cổ truyền xếp mật nhân vào nhóm bổ khí huyết, ôn tỳ thận, trị suy nhược, tiêu hóa kém, dương hư, sốt rét, giải độc rượu.

Mật nhân có thể dùng để ngâm rượu hoặc thuốc sắc với liều lượng 8-16g/ngày. Loại thảo dược này tuyệt đối không dùng cho phụ nữ có thai. Ngoài ra, việc dùng liều cao hoặc phối hợp tùy tiện có thể gây đau đầu, buồn nôn, hạ huyết áp.

Các tin khác

Xe máy xăng sắp rút khỏi Vành đai 1: Người dân được hỗ trợ gì?

Từ tháng 7/2026, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe máy chạy xăng dầu - PV) sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 1 Hà Nội. Người dân được hỗ trợ gì để không bị động trước bài toán an sinh, chi phí chuyển đổi phương tiện bởi sự thay đổi này?

Cấm xe máy xăng, Hà Nội giải 2 bài toán khó

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Hà Nội sẽ phải cấm xe máy chạy xăng dầu trong Vành đai 1 từ tháng 7.2026. Lộ trình từ tháng 1.2028 sẽ hạn chế cả xe máy và ô tô chạy xăng dầu trong Vành đai 1 và 2.