Cán bộ công an cùng người dân hiến máu cứu người trong đêm bão
Trong đêm, khi cơn bão Noru đang áp sát đất liền gây ra những đợt mưa lớn, kèm gió giật mạnh ở các tỉnh miền Trung thì Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã kịp thời cấp cứu cho hai bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Cả hai bệnh nhân này đã vượt qua cơn nguy kịch nhờ được một người tình nguyện đến hiến tiểu cầu kịp thời.
Đại úy Hà Anh Vũ – Công an phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu, Đà Nẵng) hiến máu cứu cháu L.G.B
Đó là một trường hợp bé L.G.B. (sinh năm 2004), được chẩn đoán bị bệnh về máu và một sản phụ sắp sinh được chẩn đoán mắc chứng bệnh HELLP.
Cháu L.G.B. (quê Quảng Ngãi) vừa nhập viện do bị giảm tiểu cầu rất nhanh, nôn ra máu. Trong khi bệnh viện không có nguồn dự trữ, bệnh nhân chưa biết phải cầu cứu ai thì các bác sĩ đã liên hệ với các thành viên trong Câu lạc máu nóng "Hiểu và Thương" để nhờ giúp đỡ.
Lúc này, trời đã tối, những cơn mưa do ảnh hưởng của bão số 4 ập đến. Chính quyền địa phương đã áp lệnh cấm người dân ra khỏi nhà sau 20h để đảm bảo an toàn. Trên đường chỉ còn lác đác vài bóng xe của lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ.
Sau cuộc điện thoại từ bệnh viện, Đại úy Hà Anh Vũ – Công an phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cùng với anh Đặng Văn Dự (nhân viên IT thuộc một công ty công nghệ ở Đà Nẵng) khoác vội chiếc áo mưa rồi "phi" xe máy đến bệnh viện để hiến tiểu cầu. Nhờ nguồn máu của anh Vũ và anh Dự mà các bác sĩ đã kịp thời chữa trị cho cháu LGB. qua cơn nguy kịch.
Tiếp đó, bác sĩ Trần Thị Ngọc Tuệ - Trưởng khoa xét nghiệm (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) đã liên hệ với anh Đào Ngọc Duy (sinh năm 1994) cũng là một thành viên tích cực của Câu lạc máu nóng "Hiểu và Thương" đề nghị hỗ trợ.
Cũng như anh Vũ, anh Dự, anh Duy vội vã đón xe đến bệnh viện để hiến máu. Nhờ nguồn tiểu cầu của anh Duy mà các bác sĩ bệnh viện đã thực hiện ca phẫu thuật thành công, cứu sống cả mẹ và bé.
"Các bạn ấy rất dễ thương. Chỉ cần bác sĩ gọi là các bạn ấy sẵn sàng đến hỗ trợ ngay. Dù trong trường hợp mưa gió, bão bùng nhưng các bạn ấy vẫn không từ nan", bác sĩ Ngọc Tuệ nói.
Người dân nhặt vàng giúp chủ tiệm sau cơn lốc
Trận lốc xoáy tại Quảng Trị vào chiều 27/09 đã khiến cho 300 nhà dân bị tốc mái, đặc biệt 2 nhà bị sập hoàn toàn, một tiệm vàng bị gió cuốn bay toàn bộ tài sản. Sau trận lốc xoáy bất ngờ vào buổi chiều, một tiệm vàng ở chợ Cửa Việt, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị đã bị thổi bay và mất toàn bộ tài sản, vàng bạc trong tiệm.
Người dân đang giúp tìm vàng cho chủ tiệm vàng tại chợ Cửa Việt, Quảng Trị
Ngay sau khi cơn lốc đi qua, người dân và lực lượng chức năng nỗ lực giúp chủ tiệm tìm vàng nhưng rất khó để tìm thấy trong đống hỗn độn đổ nát. Tại hiện trường, chủ tiệm vàng giàn giụa nước mắt, tuyệt vọng vì mất trắng tài sản. Chính người đàn ông này cũng đang bị thương ở cánh tay.
Ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, trận lốc xoáy kéo dài khoảng 15 phút quét qua KP3 (Cửa Việt, Gio Linh) vào lúc 15h ngày 27/9 đã gây thiệt hại về nhà cửa, trụ sở, cây cối…
Cụ thể, có 120 nhà dân bị sập và tốc mái (2 nhà bị sập hoàn toàn); 180 gian hàng, lều quán ở chợ Cửa Việt bị tốc bay mái; 4 người bị thương. Ngoài ra, lốc xoáy còn xô đổ nhiều xe máy đang dựng hoặc lưu thông trên đường; làm bật gốc nhiều cây cổ thụ ở khu vực.
Vượt sóng lớn trên biển để tìm thi thể ngư dân
Thông tin từ Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, vào lúc 20h15 ngày 27/9, Đồn Biên phòng Nhật Lệ đã nhận được tin báo của anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1991, trú thôn Trung Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) về việc tìm thấy thi thể nạn nhân Nguyễn Đăng Nh. (SN 1972, thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch).
Anh Nguyễn Văn Toàn, người tìm thấy thi thể anh Nh. cho biết: “Chúng tôi đi biển thường theo từng nhóm thuyền để hỗ trợ nhau đánh bắt cá và cứu giúp nhau khi có sự cố, như chết máy phải neo dắt…
Trước đó, vào khoảng 10h sáng ngày 27/9, ông Hồ Văn Hờn (SN 1982, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch) là chủ tàu kiêm thuyền trưởng của tàu cá QB 92005 báo tin với Đồn Biên phòng Nhật Lệ về việc một thuyền viên trên tàu rơi xuống biển mất tích. Đồng thời báo thông tin cho các tàu đang trên biển về sự việc vào thời gian 7h30, tàu cá QB 92005 TS xuất lạch cửa Nhật Lệ (TP Đồng Hới) để tới Cảng Gianh (huyện Bố Trạch) neo đậu tránh trú bão. Trên tàu cá có 6 thuyền viên. Đến 9h40, khi tàu cách cửa Nhật Lệ khoảng 2 hải lý thì thuyền viên Nguyễn Đăng Nh. không may bị rơi xuống biển mất tích.
Tất cả từ lực lượng biên phòng và các ngư dân tìm các tìm thi thể anh Nh. Nếu không tìm thấy trước khi bão đổ bộ vào bờ thì sau này khó mà tìm thấy thi thể anh Nh.nữa. Vì vậy chúng tôi đã huy động bằng mọi giá vượt sóng biển để tìm anh ấy”.
Chuẩn bị tivi cho bà con tránh bão xem trận bóng Việt Nam gặp Ấn Độ
Đêm 27/9, khoảng 500 người dân ở các địa phương tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) được đưa đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tránh trú trước khi bão số 4 - Noru đổ bộ.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam tổ chức cho bà con xem bóng đá
Tối cùng ngày, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam chuẩn bị một màn hình tivi tại cầu thang khu tránh trú bão để người dân theo dõi bóng đá. "Nhà cấp 4 lại gần biển nên lúc tôi đi trú bão cũng lo lắm, không ngủ được. Tôi rất xúc động khi ở nơi trú bão, các chú bộ đội chuẩn bị sẵn cả tivi cho người dân xem", ông Huỳnh Linh (70 tuổi, trú xã Tam Thanh) chia sẻ.
Theo lãnh đạo TP Tam Kỳ, từ sáng 27/9, địa phương đã di chuyển 1.200 hộ với gần 6.000 nhân khẩu ở xã Tam Thanh đến 3 địa điểm tập trung. Hàng trăm hộ dân khác cũng được sơ tán, xen ghép với những nhà kiên cố, an toàn. Trong ảnh, người dân ở nơi tránh trú tranh thủ gọi điện cho người thân trước giờ bão Noru đổ bộ.
Ngoài hội trường hai tầng được chuẩn bị làm nơi trú tránh bão cho người dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam còn chuẩn bị một số phòng riêng dành cho trẻ sơ sinh, gia đình có con nhỏ và người già lớn tuổi.
Đơn vị cũng huy động khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ việc ăn uống, sinh hoạt cho người dân. Ngoài ra, một tổ quân y được cử thường trực nhằm thăm khám khi người dân cần giúp đỡ.