Kỹ năng sống

Những khoản chi tưởng đáng mà không đáng của "cánh mày râu"

Chuyện làm sao để chi tiêu hợp lý không phải điều đơn giản. Nó vốn dĩ vẫn luôn là vấn đề gây nhức nhối ngay cả khi bạn đang có nhiều hay ít tiền. Và có lẽ vì thế mà không phải chỉ có hội chị em ám ảnh và tiếc nuối trước số tiền đã bỏ ra để thỏa mãn đam mê trong chốc lát, cánh mày râu cũng "đau khổ" không kém.

Số lần chi tiền gây hối hận trong đời đối với mỗi người đương nhiên là không ít, và mỗi 1 sự sai lầm có lẽ đều phải "trả giá". Nhưng dù thế nào, việc "trả giá bằng tiền mặt" hẳn sẽ giúp rất nhiều người thay đổi trong suy nghĩ cũng như hành động về sau, ít nhất là có thể phân biệt rạch ròi giữa chi tiêu hợp lý và hoang phí.

Những khoản chi TƯỞNG ĐÁNG nhưng KHÔNG ĐÁNG

Giống như phụ nữ, cánh mày râu cũng luôn có những khoản chi khiến cho nhiều người cảm thấy rằng khá lãng phí, không cần thiết, rõ ràng có thể tiết kiệm nhưng vẫn không ngần ngại chi tiêu.

Đức Khương (29 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội): Mỗi người có 1 sở thích riêng. Giống như việc phụ nữ đam mê, túi xách, đồ hiệu, nước hoa… thì với mình, những món đồ công nghệ lại có "sức hút không – thể - chối – từ".

Những khoản chi tưởng đáng mà không đáng của cánh mày râu - Ảnh 1.

1 góc nhỏ những món đồ công nghệ mà Khương đã sở hữu. (Ảnh: NVCC)

Đồ công nghệ có giá cao. Đó là điều đầu tiên phải khẳng định và có lẽ vì thế mà nhiều người vẫn hay bông đùa chắc hẳn mình phải là "rich kid" thì mới có thể chạy theo được thú vui này.

Thực ra, lúc đầu mình cũng chỉ xuất phát từ việc mua để đáp ứng nhu cầu cá nhân thôi. Về sau thì chẳng biết "nghiện" từ lúc nào. Dần dà, từ việc nâng cấp máy móc để phục vụ cho mục đích học tập và công việc, mình "xuống tiền" mua gấp những món đồ mới ngay khi chúng vừa ra mắt thị trường chỉ vì thích từ lúc nào không biết. Nói là chạy theo xu hướng cũng không phải, nhưng để nói về mức độ cần thiết thì… mình cũng không cần lắm.

Đó cũng là lý do mà mình có tới 4 chiếc laptop, 1 dàn máy PC, 2 chiếc màn hình máy tính với 2 kích cỡ khác nhau, 2 chiếc ipad, 1 chiếc kindle, 1 loa mini và 1 chiếc Apple Watch. Trong đó, laptop là thứ mình hay thay đổi nhất.

Tùng Phạm (25 tuổi, người sáng tạo nội dung, TP. HCM) lại chi hơn 10 triệu đồng để mua nước hoa chiết. Đây cũng là quyết định khiến chàng trai 25 tuổi này thêm day dứt nhiều tháng sau đó.

Những khoản chi tưởng đáng mà không đáng của cánh mày râu - Ảnh 2.

Mua nước hoa chiết cho tiết kiệm nhưng Tùng Phạm lại tốn kém hơn. (Ảnh: NVCC)

Mình biết, với nhiều người, mùi hương không thực sự quan trọng, miễn sao giữ cho cơ thể luôn sạch sẽ là được. Nhưng với mình, mỗi khi bước chân ra đường thì nước hoa là thứ không thể thiếu.

Thế nhưng, vừa mới đi làm và bản thân lại là 1 freelancer, kinh tế chưa ổn định nên mình thường chỉ mua nước hoa chiết với mức giá từ 250.000 – 300.000 đồng/chai để tiết kiệm.

Tùng thấy mình tự tin và tỏa sáng hơn sau khi xịt nước hoa. Nhưng chính vì giá thành của nước hoa chiết khá rẻ nên mình nghĩ có thể mua 1 lúc nhiều lựa chọn. Và đó cũng là lý do khiến mình mua khá nhiều mùi hương khác nhau. Ai bảo mùi nào thích là mình mua luôn mà không cần biết nó có hợp hay không.

Và cuối cùng thì quanh đi quẩn lại mình cũng chỉ dùng 1-2 mùi thường xuyên còn những chai khác cứ bỏ xó, chẳng bao giờ động đến.

Trong khi đó, Hoàng Hà (27 tuổi, nhân viên văn phòng, Hà Nội) hàng tháng vẫn chỉ khoảng 50% thu nhập (tương đương khoảng 7-10 triệu đồng) cho các buổi tụ tập sau giờ tan làm:

Những khoản chi tưởng đáng mà không đáng của cánh mày râu - Ảnh 3.

Hoàng Hà cho biết thêm, đúng là những buổi tụ tập sẽ giúp gia tăng tình cảm với đồng nghiệp, bạn bè nhưng cũng không cần quá nhiều. 1 tháng chỉ cần 1-2 buổi là đủ.

Tính sơ sơ, mỗi ngày mình tốn khoảng 40.000 - 70.000 đồng để đặt cơm trưa. Mỗi tuần lại đi ăn ở ngoài với đồng nghiệp khoảng 2-3 lần, mỗi lần 200.000 đồng. Nếu đi uống sau đó nữa sẽ là khoảng 500.000 đồng.

Ngoài ra, nhiều buổi chiều, đồng nghiệp hẹn nhau đi ăn, chia hóa đơn. Từ chối thì bị nói là không hòa đồng. Còn nếu đi thì cũng sẽ tốn thêm 1 khoản chừng 200.000 - 300.000 đồng nữa.

Đỗ Hữu Linh (28 tuổi, Trưởng phòng Media, Hà Nội) - Người có đam mê xe độ:

Không chỉ là đam mê tốc độ, muốn sở hữu một chiếc xe mang phong cách riêng biệt; cứ mỗi cuối tuần, mình lại mang xe đi rửa hoặc thay thế/làm mới. Có hôm thì lại ngồi kỳ cọ, chà rửa tỉ mỉ và đó cũng là thú vui ngày cuối tuần của những người đam mê xe cộ.

Tuy nhiên, việc độ xe như thế này cũng khiến mình tốn kém không ít. Dẫu sao thì vẫn vui vì được thỏa mãn đam mê.

Những khoản chi tưởng đáng mà không đáng của cánh mày râu - Ảnh 4.

Chi phí mua xe được Hữu Linh tích cóp từ tiền làm thêm hoặc tiết kiệm nhiều năm. Tuy nhiên, thú chơi này kết hợp với việc sở hữu cùng lúc 2 chiếc xe máy khiến số tiền sửa chữa, bảo dưỡng của Linh bị đội lên nhiều. (Ảnh: NVCC)

Làm sao để nhận ra rằng bản thân đang chi tiêu hoang phí?

Hoàng Hà, Hữu Linh và Tùng Phạm đều cho rằng, cả 3 chỉ nhận ra sai lầm khi… khi hết tiền. Có những khoản chi 1 lần tưởng chẳng đáng là bao nhưng cộng lại thì cũng không nhỏ chút nào. Trong khi đó, Hoàng Hà nhấn mạnh thêm và cho biết, việc chiều tối nào cũng uống bia, ăn uống khiến anh cảm thấy mệt mỏi.

Những khoản chi tưởng đáng mà không đáng của cánh mày râu - Ảnh 5.

Theo Hữu Linh, số tiền dành cho đam mê này cũng chiếm một phần không nhỏ trong tổng thu nhập của anh bạn. (Ảnh: NVCC)

Còn Đức Khương lại cho hay, lần chi tiết gần đây nhất để mua 1 chiếc Macbook Pro M2 vì chiếc màn hình có kích thước lên tới 16 inch, to đẹp và sắc nét.

Tuy nhiên, cũng chính vì lần "lên đời" laptop như thế này đã khiến Khương tốn thêm vài chục triệu đồng, số tiền bằng 2 tháng lương.

"Sau lần đó, mình giảm bớt việc đi ra ngoài hay ăn uống, tụ tập với bạn bè vì hết tiền. Mua được món đồ mình thích thì đúng là rất vui và thỏa mãn nhưng vì tiêu tiền quá lố nên khi về nhà lại stress nặng hơn", Khương nói.

Thế nhưng, Hoàng Hà và Tùng Phạm lại cho rằng, nếu không sử dụng quá nhiều tiền cho các mục đích nói trên, 2 bạn sẽ dành tiền ra để đầu tư tích luỹ, từ đó giúp "tiền đẻ ra tiền" chứ không hoang phí vào những mục tiêu không rõ ràng.

"Mình bắt đầu bằng lập ra ngân sách cụ thể cho từng tháng và cả năm. Sau đó ghi chép lại cụ thể toàn bộ các chi tiêu lớn nhỏ trong tháng để dễ theo dõi cũng như đối chiếu lại khi cần thiết. Đồng thời, để tránh tình trạng chi tiêu quá lố, mình cũng sẽ chia các khoản tiền vào các tài khoản số/tài khoản tiết kiệm khác nhau và tuyệt đối không động gì vào thẻ này." - Hữu Linh nói thêm.

Bài viết ghi theo chia sẻ của nhân vật


Cùng chuyên mục

Đọc thêm