Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 4 Noru. (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG)
Bão còn mạnh thêm, hướng vào Trung Bộ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ sáng nay (26/9), bão số 4 Noru đang ở trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 210km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm.
Đến 7 giờ ngày 27/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 7 giờ ngày 28/9, bão số 4 ở trên khu vực biển Quảng Trị-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Từ chiều 27/9 đến ngày 28/9 ở khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm. Từ 28-30/9 mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ.
Nhiều tỉnh lên phương án cho học sinh nghỉ học
Tại Quảng Ngãi: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới để tránh bão số 4 (Noru), đảm bảo an toàn tính mạng của học sinh, giáo viên.
Cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 12 giờ ngày 26/9/2022 cho đến khi có thông báo chính thức.
Ngư dân Quảng Nam đưa tàu lên bờ trú bão. Ảnh báo Quảng Nam
Hoàn thành việc kêu gọi tàu, thuyền trước 10 giờ ngày 26/9/2022; hoàn thành việc neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền, lồng bè tại khu neo trú trước 08 giờ ngày 27/9/2022.
Tại Quảng Trị: UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở GD-ĐT chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn.
Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19 giờ ngày 25/9/2022; việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh hoàn thành trước 17 giờ ngày 26/9/2022
Tại Quảng Nam: Chủ tịch UBND tỉnh đã ra công điện yêu cầu Sở GD-ĐT, các địa phương và trường học chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của bão và mưa lũ.
Đồng thời, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0 giờ ngày 26/9. Công tác sơ tán dân ở những nơi nguy hiểm phải hoàn thành trước 9 giờ ngày 27/9; đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Tại Đà Nẵng: UBND TP Đà Nẵng đang lên phương án thành lập Sở chỉ huy tiền phương (bao gồm các thành viên nòng cốt Bộ Chỉ huy Quân sự TP; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP; Công an TP; Sở NN&PTNT…), chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để lãnh đạo UBND TP tập trung chỉ huy, chỉ đạo ứng phó với bão số 4 Noru.
Sở GD-ĐT được giao chủ động việc cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học.
Tại Bình Định: UBND tỉnh ban hành công điện yêu cầu Hiệu trưởng các trường học tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão, chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Tỉnh Bình Định cũng cấm biển từ 6h sáng ngày 26/9.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT tạo các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi thường xuyên diễn biến của mưa bão; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp khẩn cấp; Bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường. Những nơi nguy hiểm do mưa bão cần kịp thời thông báo cho học sinh nghỉ học; Sẵn sàng hỗ trợ người dân tránh trú trong các trường học khi bảo đảm an toàn.
Chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, lên phương án bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất, công trình trường học, tài liệu, sách vở và dụng cụ học tập. Chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ (nếu có) để sớm đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường.