Các thị trường tài sản ảm đạm trong bối cảnh lãi suất tăng
Theo các quyết định mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, từ 23/9, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng đã tăng 0,3%/năm lên 0,5%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1%/năm lên 5%/năm. Một số Ngân hàng thương mại sau đó cũng đã tăng kịch trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và điều chỉnh tăng thêm lãi suất ở kỳ hạn dài.
Trên thực tế, từ đầu năm, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã liên tục tăng lên. Lượng tiền gửi có kỳ hạn đổ vào các tổ chức tín dụng cũng cao hơn so với các năm trước.
Mặt khác, các thị trường tài sản thì lại ghi nhận sự chững lại về mặt giá cả và thanh khoản. Ở thị trường bất động sản, theo báo cáo thị trường bất động sản của DKRA, tính đến cuối tháng 8, nhiều thị trường bất động sản như TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng… tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm về lượng giao dịch. Nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tâm lý thận trọng.
Còn theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 8/2022 vừa được Fiin Group công bố, thị trường trái phiếu tiếp tục ghi nhận sự suy giảm về khối lượng cũng như giá trị phát hành và ghi nhận tháng có lượng phát hành thấp nhất cả năm.
Đóng phiên cuối tuần vừa qua (ngày 23/9), VN-Index dừng tại mốc 1.203,28 điểm, so với đầu năm thị trường đã giảm hơn 20%. Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp quanh mức 11.000-12.000 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, hồi tháng 1, con số này là hơn 27.500 tỷ.
Giữa lúc lãi suất tăng lên trong khi các loại tài sản khác suy yếu, câu hỏi được không ít nhà đầu tư đặt ra lúc này là nên để tiền vào đâu?
Cờ có đến tay tiền gửi?
Về việc dòng tiền ở thị trường chứng khoán có về với tiết kiệm, theo ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment, việc tăng lãi suất sẽ làm cho kênh tiền gửi trở nên hấp dẫn hơn và khiến dòng tiền dịch chuyển khỏi các lớp tài sản rủi ro để về với kênh này. Thị trường chứng khoán cũng không ngoại lệ.
Cụ thể, chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục sụt giảm trong giai đoạn cuối năm để đi tiếp chu kỳ giảm giá. Thế nhưng, tốc độ giảm sẽ chậm lại và thị trường sẽ đi xuống từ từ.
"Lãi suất tăng có tác động không tốt đến cả thị trường chứng khoán, đa phần các nhóm ngành đều bị ảnh hưởng, chỉ còn vài nhóm ngành có thể duy trì được hoạt động kinh doanh ít bị ảnh hưởng là các nhóm ngành điện, nước. Vì thế giai đoạn này nếu nhà đầu tư vẫn muốn đầu tư thì có thể lựa chọn các nhóm ngành phòng thủ như điện, nước", ông Lã Giang Trung nhận định.
Chủ tịch công ty tư vấn tài chính AzFin, Ông Đặng Trần Phục, cũng đồng ý với quan điểm tăng lãi suất sẽ làm cho kênh tiền gửi trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh tài sản rủi ro. Tuy nhiên, ông lại có nhận định khác về thị trường chứng khoán và cơ hội đầu tư trong giai đoạn này.
Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ đi ngang trong biên độ tương đối hẹp đến hết năm 2022. Tuy nhiên, sẽ vấn có những cơ hội để đầu tư.
"Những ngành được hưởng lợi từ việc lãi suất tăng lên có đặc điểm là sức mạnh tài chính tốt hoặc có tiền gửi lớn như: Nhóm bảo hiểm đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ vì tiền đầu tư của nhóm này là của doanh nghiệp, còn nhóm bảo hiểm nhân thọ thì có 1 phần khá lớn lợi nhuận tăng từ tiền gửi trả cho người mua bảo hiểm nên hưởng lợi ít hơn; Nhóm BĐS khu công nghiệp, đây là nhóm thường có lượng tiền trả trước của người thuê là rất lớn và họ thường đem đi gửi ngân hàng có kỳ hạn, do đó lãi suất tăng khiến thu nhập tài chính của họ tăng cao", ông Phục nhận định.
Tại chương trình Landshow phát sóng trên VTV Digital mới đây, phó Chủ tịch tập đoàn Cen Land, ông Phạm Thanh Hưng cũng nhận định các thông tin hiện nay rất khó đoán định xu hướng thị trường như nguồn cung tín dụng, lãi suất cho đến bối cảnh tiền tệ vĩ mô. Xu hướng thị trường bất động sản giai đoạn cuối năm chưa có xu hướng thực sự rõ nét.
"Nhưng theo tôi trong bối cảnh hiện nay vẫn có những tia sáng rất tốt ví dụ như giao dịch về bất động sản thương mại dịch vụ, bất động sản nghỉ dưỡng có vẻ như đang chiếm tỷ trọng giao dịch rất cao", phó chủ tịch Cen Land cho biết.
Ông Ngô Ngọc Quang - tiến sĩ kinh tế, chuyên gia hoạch định tài chính, trường Đại học Ngoại thương cũng đánh giá, tất cả các thị trường đang vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, rủi ro và cơ hội đan xen lẫn nhau. Trong ngắn hạn, nhu cầu đầu tư vào các tài sản tài chính vẫn sẽ sụt giảm và kênh đầu tư trở nên hấp dẫn nhất lúc này là trái phiếu và gửi tiết kiệm. Trong dài hạn, thị trường bất động sản và chứng khoán sau khi đã thanh lọc các hành vi gian lận vẫn sẽ có rất nhiều cơ hội để cho nhà đầu tư. Điều quan trọng là các nhà đầu tư phải biết đa dạng hóa danh mục và lên kế hoạch tài chính.