Tài chính

Những con số gây choáng về mức độ gây ô nhiễm hành tinh của giới siêu giàu

Theo hãng truyền thông DW (Đức), gần đây, những chiếc máy bay riêng thuộc sở hữu của những người nổi tiếng như Taylor Swift và Kim Kardashian đã bay những quãng đường mà lẽ ra có thể lái ô tô trong vài giờ. Hành trình của họ đã thải ra nhiều khí carbon dioxide chỉ trong vài phút hơn so với mức trung bình mà một người Ấn Độ thải ra trong một năm.

Ngay cả khi đó, lượng khí thải của người nổi tiếng trong không khí cũng chỉ bằng một phần nhỏ so với trên biển. Những chiếc du thuyền khổng lồ — như chiếc thuyền dài 162 mét của nhà tài phiệt Nga Roman Abramovich có hai sân bay trực thăng và một bể bơi — thải ra lượng khí CO2 hơn gấp nhiều lần so với hầu hết các biệt thự, máy bay và xe limousine cộng lại.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 ước tính rằng, năm 2018, du thuyền của Abramovich đã thải ra nhiều carbon dioxide hơn so với Tuvalu - một quốc đảo ở Thái Bình Dương với 11.000 dân.

Beatriz Barros - nhà nghiên cứu tại Đại học Indiana (Mỹ), người đứng đầu cuộc nghiên cứu - cho biết: “Điều này đặc biệt đáng buồn, vì các quốc đảo cũng là những đối tượng chịu nhiều rủi ro hơn trước hậu quả của biến đổi khí hậu như mực nước biển dâng cao.”

Những con số gây choáng về mức độ gây ô nhiễm hành tinh của giới siêu giàu - Ảnh 1.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27, Tuvalu là một trong những quốc đảo đã thúc giục các nước giàu lập quỹ để chi trả cho những mất mát và thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: AP

Mức độ ô nhiễm carbon 'lố bịch'

Theo DW, sự bất bình đẳng lớn nhất về lượng khí thải carbon trong nhiều thập kỷ là giữa các nước giàu và nước nghèo. Giờ đây, sự bất bình đẳng phi quốc gia cho thấy rõ hơn khoảng cách giữa lối sống sạch và bẩn. 1% những người có thu nhập cao nhất trên toàn cầu — những người kiếm được mức lương hàng năm khoảng 124.000 euro — chịu trách nhiệm cho 1/5 mức tăng ô nhiễm carbon trong 30 năm qua.

Anisha Nazareth - một nhà khoa học tại Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển) nghiên cứu về sự bất bình đẳng trong phát thải - cho biết: "Phát thải của 1% những người thu nhập cao nhất về cơ bản tương đương với 50% những người thu nhập thấp nhất thế giới. Và rõ ràng rằng, xét về quy mô, đây là một tỷ lệ lố bịch trong ngân sách carbon."

Mặc dù những người rơi vào khung thu nhập hàng đầu đó không có lối sống xa hoa của các tỷ phú, nhưng trong khi máy bay phản lực tư nhân và du thuyền khổng lồ đang có lượng phát thải ở mức cực đoan, thì tàu du lịch và máy bay chở khách thương mại lại ở sát phía sau.

Theo DW, bay là một trong những hoạt động gây ô nhiễm nhất trên thế giới. Mặc dù ngành hàng không tạo ra khoảng 3% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu, nhưng nó là nguồn ô nhiễm lớn nhất đối với những người đi máy bay. Các chuyên gia ước tính chỉ 2-4% dân số toàn cầu đi máy bay mỗi năm.

Ketan Joshi - một nhà văn và nhà tư vấn độc lập về năng lượng sạch - cho biết, có những người trên thế giới sẽ nhìn nhận chúng ta – tầng lớp trung lưu ở các nước giàu - theo cách tương tự như nhìn nhận việc các tỷ phú đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn hầu hết mọi người.

Những con số gây choáng về mức độ gây ô nhiễm hành tinh của giới siêu giàu - Ảnh 2.

Hàng trăm nhà hoạt động khí hậu đã chặn một đường băng tại sân bay ở Hà Lan vào tháng 11/2022 để ngăn các máy bay phản lực tư nhân cất cánh. Ảnh: AFP

'Hỗ trợ bất ngờ' của lối sống xa hoa

Theo DW, bằng cách tăng thuế, khắc phục các lỗ hổng pháp lý và trấn áp các “thiên đường thuế”, các nhà hoạch định chính sách có thể ngăn chặn lối sống xa hoa phát thải nhiều carbon của những người giàu nhất. Việc này cũng sẽ giúp giải phóng nhiều tiền hơn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch cần thiết nhằm ngăn chặn sự nóng lên của hành tinh.

Nhưng chính sách tăng thuế thường vấp phải sự phản đối gay gắt- ngay cả từ những người sẽ được hưởng lợi từ chúng.

Stefan Gössling - giáo sư tại Đại học Lund (Thụy Điển), người đã nghiên cứu về sự bất bình đẳng trong khí thải chuyến bay - cho biết: “Trên thực tế, chúng tôi nhận thấy sự ủng hộ đáng ngạc nhiên đối với lối sống của những người siêu giàu. Những người lớn lên trong nền văn hóa tôn thờ người giàu thường phản đối các chính sách hạn chế cuộc sống của họ.”

Chẳng hạn, gánh nặng thuế chuyến bay sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến những người giàu hơn - đặc biệt là hành khách doanh nhân. Tại EU, một nửa chi tiêu cho du lịch hàng không đến từ 20% người giàu nhất. Ở Mỹ và Canada, 19% người trưởng thành đi hơn 4 chuyến bay mỗi năm, chiếm 79% số chuyến bay.

Những bất bình đẳng này có nghĩa là các chính sách đánh thuế chuyến bay có thể tạo ra doanh thu quan trọng từ những người có khả năng chi trả cao nhất.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2022 bởi Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch - một tổ chức nghiên cứu về môi trường - đã phát hiện ra rằng, việc đánh thuế khách hàng thường xuyên toàn cầu có thể tạo ra 121 tỷ USD cần thiết cho các khoản đầu tư mỗi năm để khử cacbon cho ngành hàng không cho đến năm 2050. Những hành khách thường xuyên thực hiện hơn 6 chuyến bay mỗi năm - và chỉ chiếm 2% dân số - sẽ trả 81% số tiền đó.

Những con số gây choáng về mức độ gây ô nhiễm hành tinh của giới siêu giàu - Ảnh 3.

Từ máy bay riêng của Taylor Swift cho đến các nhà kho Amazon rộng lớn của Jeff Bezos, lối sống xa hoa của các tỷ phú đang làm nóng cả hành tinh. Ảnh: Reuters

Theo DW, các nhà hoạch định chính sách cũng có thể hạn chế lượng khí thải từ những người giàu nhất bằng cách cấm các máy bay phản lực tư nhân chạy bằng dầu hỏa. Lệnh cấm như vậy sẽ chỉ ảnh hưởng đến một tỷ lệ nhỏ các chuyến bay nhưng có thể thúc đẩy các tỷ phú dư tiền đầu tư vào các công nghệ sạch cần thiết cho các chuyến bay xanh hơn.

Các chuyên gia cho biết, những khoản đầu tư ban đầu như thế này sẽ giúp thúc đẩy nhiên liệu hàng không bền vững và các chuyến bay điện cho tất cả mọi người, nhân rộng chúng sớm hơn và giảm chi phí nhanh hơn.

Kristian Nielsen, một nhà khoa học khí hậu - cho biết: “Nếu những người ở tầng lớp trên cùng của xã hội, được đo bằng thu nhập và tầm ảnh hưởng, tích cực thực hiện điều này, thì chúng ta sẽ thấy những thay đổi diễn ra nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta thấy ngày nay. Điều này không có sẵn ở những người bình thường."

Nhưng cũng có những hành động theo cách hoàn toàn khác. Một số người và công ty giàu nhất thế giới đã đổ tiền vào vận động hành lang chống lại các chính sách đe dọa nhiên liệu hóa thạch.

Nhà khoa học Nazareth của Viện Môi trường Stockholm cho biết, đối với những người giàu nhất, "một vấn đề lớn hơn thực sự là cách họ gây ảnh hưởng chính trị thông qua các khoản quyên góp cho chiến dịch, và ảnh hưởng chung đến lối sống của những người khác".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm