Bất động sản

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Có doanh nghiệp đã phải cắt giảm 70% nhân sự để sinh tồn!

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Có doanh nghiệp đã phải cắt giảm 70% nhân sự để sinh tồn! - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Ảnh: Reatimes.

Bất động sản năm 2022 diễn biến với 2 gam màu khác biệt: Đầu năm bùng nổ, cuối năm trầm lắng, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – chia sẻ tại sự kiện “Bắt mạch thị trường bất động sản Việt Nam và Dự báo 2023” mới đây.

Lý do có 2 gam màu này, ông Hà cho biết, cuối năm 2021, đầu năm 2022, với dòng tiền dễ được bơm vào thị trường, chứng khoán và bất động sản là 2 kênh được lựa chọn, gần như tách rời các hoạt động kinh doanh khác. Số lượng các nhà đầu tư bất động sản tham gia thị trường tăng mạnh.

“Việc dòng tiền dễ bơm vào thị trường chưa được kiểm soát tốt hướng vào hoạt động đầu cơ, cộng với sự phục hồi của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa đã kéo theo nhu cầu bất động sản tăng cao ở tất cả phân khúc”, ông Hà cho biết.

Sau những cơn sốt đất đầu năm, từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp đã khiến tâm lý chung trên thị trường là lo ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn. Tình trạng này không chỉ kéo dài một hai tháng mà đã diễn ra trong suốt nửa cuối năm 2022 và càng về sau thì “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm.

“Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 - 3 công việc để có thể sinh tồn. Thậm chí, có doanh nghiệp giảm đến 60% - 70% lượng nhân sự và cắt giảm lương, nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.

Thị trường bất động sản khó khăn thì nhân sự trong ngành, đặc biệt là tuyến đầu như đội ngũ môi giới bất động sản là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất, ước lượng số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30%-40% so với giai đoạn đầu năm.

Chia sẻ góc nhìn từ một người đang điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cũng như có tham gia các hoạt động đầu tư, ông Phạm Lâm – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc DKRA – dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết: Trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp trong ngành giải thể, ngưng hoạt động lớn hơn nhiều so với giai đoạn trong Covid-19.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Có doanh nghiệp đã phải cắt giảm 70% nhân sự để sinh tồn! - Ảnh 2.

Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2022, có 2.379 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 50,7% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp giải thể là 1.081, tăng 43%.

“Doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngành chúng tôi nhìn thấy là rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ môi giới bất động sản, gần như các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Rất nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động rồi, chỉ là họ chưa hoàn thiện thủ tục giải thể công ty”, ông Lâm nói.

Dự báo cho thị trường bất động sản năm 2023, ông Nguyễn Mạnh Hà bày tỏ kỳ vọng thời gian tới thị trường bất động sản sẽ ấm dần.

“Trong thời gian qua Nhà nước đã có nhiều giải pháp điều chỉnh hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Các hoạt động sẽ dần ổn định, nguồn cung tương lai từ số lượng lớn các dự án, đặc biệt các dự án phù hợp với nhu cầu thực người dân như nhà ở giá rẻ, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội... được đưa vào thị trường. Chắc chắc thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc trở lại”.

“Bên cạnh đó các doanh nghiệp bất động sản đã và đang nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh về đầu tư sản phẩm hướng đến nhu cầu thực”, ông Hà chia sẻ.

Còn ở phía doanh nghiệp, CEO DKRA thừa nhận dù đã kinh qua khủng hoảng năm 2008, nhưng diễn biến năm 2022 đã cho ông nhiều bài học hơn nữa. Trong năm 2023, ông cho rằng các doanh nghiệp nên “thắt lưng buộc bụng”, tối ưu chi phí vận hành, cắt giảm nhân sự hiện hữu…

“Tôi nghĩ niềm tin thị trường đang bắt đầu quay trở lại, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội trong năm nay”, ông Lâm nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm