Năm ngoái, Công ty cổ phần Louis Holdings trở thành cái tên nổi đình đám khi liên tiếp thâu tóm nhiều doanh nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái "họ Louis". Chỉ trong một năm, doanh nghiệp do ông Đỗ Thành Nhân làm chủ tịch, đã trở thành cổ đông lớn của 5 đơn vị gồm Công ty cổ phần Louis Capital (TGG), Công ty cổ phần Louis Land (BII), Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar - LDP), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - AGM) và Công ty cổ phần Sametel (SMT).
Trước khi về "nhà Louis", họ gần như chỉ là những công ty quy mô nhỏ, kết quả kinh doanh sa sút hoặc có tốc độ tăng trưởng chậm rãi, gần như "không ai nhớ mặt đặt tên". Nhưng trong mùa báo cáo tài chính vừa qua, mặt bằng chung kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này đều cải thiện đáng kể.
Louis Capital là đơn vị thay đổi ngoạn mục nhất khi doanh thu tăng trưởng đến hơn 78 lần chỉ sau một năm. Công ty cũng thoát lỗ khi lợi nhuận tăng thêm gần 143 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng xếp thứ nhì là Louis Land khi ghi nhận doanh thu tăng hơn 7 lần và lãi sau thuế vượt hơn gấp đôi năm 2020. Tương tự, Angimex ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi, nâng lợi nhuận sau thuế tăng lên khoảng 81%.
Thời gian trước, Louis Capital và Louis Land đều là doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong ngành. Kết quả kinh doanh nhiều năm qua hụt hơi liên tục khi doanh thu chỉ ghi nhận vài chục tỷ đồng, lợi nhuận trung bình chỉ vài tỷ đồng. Louis Land có năm còn kinh doanh dưới giá vốn.
Ladophar và Sametel là hai thành viên gia nhập muộn hơn và có sự tăng trưởng không vượt bậc như ba "đàn anh" cùng họ. Sametel trong quý cuối năm ngoái đã xóa lỗ lũy kế và ghi nhận lãi nhờ tiết giảm các chi phí thường xuyên. Tuy vậy, lợi nhuận cả năm vẫn giảm so với năm 2020 do giá vốn giảm chậm hơn doanh thu, chi phí tài chính tăng, mạnh nhất là chi phí lãi vay. Trong khi đó, năm 2021 là giai đoạn Ladophar ghi nhận mức lãi cao nhất, đạt hơn 39 tỷ đồng. Trước đây, doanh nghiệp này đã lỗ trong 6 quý liên tiếp.
Nhìn chung, sau khi gắn "họ Louis", đa số doanh nghiệp kể trên đều trở thành nhà đầu tư thành công. Doanh thu tài chính trở thành mảng đóng góp lớn cho kết quả kinh doanh.
Louis Capital chốt lãi chứng khoán tốt khi bán cổ phần tại nhiều công ty, đưa lợi nhuận vượt gấp 50 lần kế hoạch đề ra. Trong năm, doanh thu tài chính tăng gần 34 lần so với năm liền trước, chủ yếu là lãi kinh doanh chứng khoán, chiếm 99,5%.
Ban lãnh đạo Louis Capital lý giải, kết quả kinh doanh biến động mạnh nhờ công ty thay đổi định hướng kinh doanh từ giữa năm 2021 theo hướng tập trung vào đầu tư và mua bán nợ. Trong quý cuối năm ngoái, công ty thanh lý các khoản đầu tư, bán chứng khoán trong danh mục nên lợi nhuận nhảy vọt.
Tương tự, doanh thu tài chính của Louis Land tăng đột biến từ hơn 100 triệu đồng trong năm ngoái lên hơn 94 tỷ đồng, chủ yếu là lãi chuyển nhượng công ty. Ban lãnh đạo cũng cho biết, kết quả kinh doanh tăng mạnh nhờ thanh lý các khoản đầu tư và bán các khoản đầu tư trong doanh mục chứng khoán kinh doanh.
Ladophar và Angimex năm qua cũng ghi nhận đóng góp lớn của doanh thu hoạt động tài chính. Trong đó, Ladophar ghi nhận lợi nhuận dương và xóa lỗ lũy kế trong quý IV/2021 nhờ doanh thu tài chính đột biến từ khoảng 766 triệu đồng lên hơn 31 tỷ đồng. Angimex cũng có doanh thu tài chính tăng gần 3 lần. Trong đó, phần lớn là lãi từ đầu tư cổ phiếu, giúp doanh nghiệp này thu về gần 36 tỷ đồng.
Sametel là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm trên có doanh thu tài chính đi lùi.
Với chiến lược trở thành một tập đoàn đa ngành, sau khi thâu tóm các doanh nghiệp, Louis Holdings vạch ra nhiều kế hoạch với tham vọng lớn. Tuy nhiên đến nay, các thành viên của hệ sinh thái này vẫn đang lẩn quẩn với công việc đầu tư tài chính hoặc hoạt động kinh doanh cũ.
Louis Capital được định hướng trở thành doanh nghiệp đa ngành về bất động sản, thủy sản, nông sản, mua bán nợ, trồng trọt và chăn nuôi, chứng khoán. Nhưng trước mắt trong năm 2021, hoạt động bán hàng hoá vẫn chiếm đến 87,5% tổng doanh thu của Louis Capital. Suốt thời gian qua, thị trường chỉ biết đến công ty này qua những thương vụ chốt lời cổ phiếu của Cáp nhựa Vĩnh Khánh, Chứng khoán APG, Vinachem...
Tương tự, được định hướng là doanh nghiệp bất động sản nhưng trong năm ngoái, doanh thu cốt lõi của Louis Land lại đến từ bán hàng hóa và thành phẩm (chiếm 96,7%). Đến cuối năm, công ty còn tồn kho 41,5 tỷ đồng gạo chưa tiêu thụ xong.
Angimex gần như ít thay đổi định hướng kinh doanh sau khi về nhà Louis. Vốn dĩ là "đại gia gạo An Giang", doanh nghiệp có ngành nghề gần với Louis Holdings trước đó - tiền thân là công ty gạo Louis Rice. Mua lại hơn 51% cổ phần từ Nguyễn Kim, Louis Holdings tham vọng "dựng lại tượng đài ngành gạo Việt Nam" và đưa Angimex vào nhóm doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước. Nhưng trong năm ngoái, doanh nghiệp này vẫn chưa cải thiện được biên lợi nhuận ròng do giá vốn vẫn tăng cao. Riêng mảng xương sống là bán lương thực, giá vốn đã bằng 96% doanh thu.
Tuy nhiên thời gian các doanh nghiệp này được tái cấu trúc dưới tay Louis Holdings cách đây không lâu. Doanh nghiệp gắn "họ Louis" sớm nhất là Louis Land cũng chỉ trở thành công ty con của hệ sinh thái này trong tháng 2/2021. Vì thế, các doanh nghiệp cũng cần thời gian để chuyển đổi mô hình kinh doanh và "thay da đổi thịt".
Song song với việc về chung một nhà, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp trên cũng dậy sóng trong năm qua, từ "vịt trời" bỗng hóa "thiên nga". Các mã cổ phiếu từ mức thị giá bằng ly trà đá đã liên tục lập đỉnh, tăng gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn, đặc biệt là giai đoạn từ tháng 8 đến giữa tháng 9/2021. Trong đó, hai mã BII và TGG liên tục ghi nhận hàng loạt phiên tăng trần. Mã TGG thậm chí còn tăng đến gần 75 lần trong khi BII tăng hơn 30 lần thị giá chỉ sau chưa đầy một năm.
Sau nhiều đồn đoán về nghi vấn thao túng giá cổ phiếu, lãnh đạo Louis Capital có văn bản bác bỏ và khẳng định các thương vụ M&A chỉ phục vụ mục đích xây dựng hệ sinh thái và phát triển dài hạn. Ngay lập tức, từ cuối tháng 9, cổ phiếu "họ Louis" đồng loạt quay đầu giảm sâu, nằm sàn nhiều phiên liên tiếp. Đến đầu năm nay, hai mã này giao dịch quanh vùng giá 10.000 đồng một đơn vị. Gần đây, thị giá TGG và BII khởi động đà tăng, chốt phiên hôm nay lần lượt đạt mức 23.300 đồng (tăng trần) và 14.800 đồng một cổ phiếu.