Nhu cầu tín dụng hiện đang rất yếu
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I ngày (31/3), Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng trong quý đầu năm tăng trưởng khá chậm. Đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022.
Phó Thống đốc nhận định tăng trưởng thấp của tín dụng là do cả yếu tố chủ quan và khách quan. Về chủ quan, các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng, hoạt động, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp chững lại. Về khách quan, quý đầu năm có vướng kỳ nghỉ Tết nên tình hình triển khai một số dự án bị chậm lại khiến nhu cầu giải ngân chưa cao.
Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Chí Quang, ầu tín dụng của nền kinh tế suy giảm do các doanh nghiệp khó khăn. Điều này được thể hiện rõ qua các dữ liệu vĩ mô quý I được công bố vừa qua.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt mức 3,32%, gần thấp nhất trong 13 năm qua, chỉ cao hơn một chút so với quý I/2020, thời điểm cao trào của đại dịch COVID-19. Các chỉ số trọng điểm có suy giảm lớn như xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng trong nước, khai khoáng,...
Do đó, hệ thống ngân hàng khó đẩy tín dụng ra, mặc dù rất muốn tăng tín dụng nhưng đầu ra là rất khó khăn.
"Hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa rất lớn, số dư dự trữ bắt buộc đã vượt rất lớn từ tháng 2 cho tới nay. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm rất mạnh, hiện lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm về mức 0,7 - 1,2%, lãi suất kỳ hạn 1 tháng khoảng 4%", ông Quang cho biết.
Lãi suất điều hành có tiếp tục giảm?
NHNN cho biết tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Trong tháng 2, NHNN đã làm việc với các NHTM, khuyến khích các NHTM tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đó, các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn 6 đến 12 tháng kể từ ngày 6/3/2023. Trên cơ sở đó, NHTM có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.
"Cho tới nay đã có tối thiểu 24 ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động", ông Quang cho biết.
Về khả năng giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới để hỗ trợ các doanh nghiệp, ông Phạm Chí Quang cho hay trong thời gian qua NHNN đã có nhiều chính sách và động thái để giảm lãi suất.
"Trong bối cảnh kinh tế thuận lợi và các NHTW lớn đặc biệt là Fed có xu hướng giảm tốc quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ là tiền đề thuận lợi để NHNN xem xét giảm tiếp lãi suất điều hành và chỉ đạo tiếp các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho khách hàng qua các công cụ như trần lãi suất huy động, cho vay", ông Quang nói.
Chia sẻ thêm về chính sách giãn hoãn nợ cho các doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết hiện NHNN đang đề xuất chính sách để tạo cơ sở pháp lý cho việc này. Cần phải nghiên cứu kỹ về đối tượng, ngành nghề, mức độ cần thiết ra sao
"Chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn nợ của hệ thống, khả năng thanh khoản và tài chính của các tổ chức tín dụng", Phó Thống đốc cho hay.