Ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 16/11, NHNN chào mua thành công hơn 12.000 tỷ đồng giấy tờ có giá kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 6%/năm, trong đó có hơn 15.522 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN đã hút ròng 3.457 tỷ đồng qua kênh cầm cố giấy tờ có giá.
NHNN cũng tiếp tục chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, có gần 10.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất giảm xuống 5,8%/năm. Do không có tín phiếu cũ đáo hạn, nhà điều hành hút ròng thêm gần 10.000 tỷ qua kênh tín phiếu.
Như vậy, NHNN hút ròng tổng cộng 13.457 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở trong ngày 16/11. Trước đó, NHNN cũng hút ròng lần lượt 6.355 tỷ đồng và 27.731 tỷ đồng trong phiên ngày 14/11 và 15/11.
Tựu chung lại, trong ba phiên đầu tuần, NHNN đã hút ròng gần 47.543 tỷ đồng. Trong tuần này, nhà điều hành trở lại hút thanh khoản qua kênh tín phiếu sau gần 2 tuần tạm ngưng.
Động thái hút mạnh thanh khoản của NHNN diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng giảm liên tục trong vài phiên trở lại đây. Ngày 15/11, lãi suất vay liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tiếp tục giảm 0,11 điểm % so với phiên trước đó, xuống còn 4,2%/năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức lãi suất 7%/năm vào đầu tháng.
Kết phiên giao dịch tuần trước (11/11), mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhiệt tương đối mạnh, xuống chỉ còn 4,4% ở kỳ hạn qua đêm giảm 1,6 điểm % so với tuần trước đó và khiến cho chênh lệch giữa lãi suất VND và USD bị thu hẹp đáng kể, theo CTCP Chứng khoán SSI.
Trong tuần này, nhóm phân tích kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục hút ròng nhằm đẩy mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng lên mức an toàn hơn so với USD, giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Ngoài ra, diễn biến lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại cổ phần còn nhiều phức tạp khi thanh khoản dài hạn trên hệ thống chưa có nhiều sự cải thiện.
Bên cạnh việc đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất trên 6 tháng để thu hút dòng tiền, nhiều NHTM lớn đã tiếp tục tăng mức lãi suất cho tài khoản không kỳ hạn lên mức trần quy định 1%, như Techcombank hay VPBank. Tính đến hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã cao hơn vùng trước COVID-19, với mức tăng trung bình 3-4 điểm % so với cuối năm 2021.