Tài chính

NHNN cho phép cơ cấu lại khoản nợ ảnh hưởng bởi bão Yagi đến hết năm 2025

Căn cứ Quyết định số 1510/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 53/2024/TT-NHNN (Thông tư 53) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 (Yagi), ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão.

Thông tư 53 có hiệu lực từ ngày 4/12/2024. Thông tư này bao gồm 9 điều, trong đó quy định đối tượng áp dụng là các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi trên địa bàn 26 địa phương phía bắc. 

TCTD được xem xét cơ cấu số dư nợ gốc và lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính có số dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9/2023 và phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 7/9/2024 đến 31/12/2025. 

Số dư nợ được xem xét cơ cấu còn trong hạn hoặc quá hạn không quá 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, trả nợ đã thỏa thuận. Tuy nhiên để hỗ trợ khách hàng có thời gian khắc phục hậu quả sau bão, Thông tư 53 cho phép xem xét cơ cấu lần đầu tiên đối với số dư nợ quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 7/9/2024 đến hết 10 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. 

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn số lần cơ cấu. Theo Thông tư 53, thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2027.  

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi khoảng 190.000 tỷ đồng. Để so sánh, số dư nợ đã được tái cơ cấu theo Thông tư 02 và Thông tư 06 đã đạt khoảng 250.000 tỷ đồng vào cuối tháng 8/2024.

Trước đó, Quyết định số 1510/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định về phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của Yagi.

Cụ thể, TCTD thực hiện trích bổ sung dự phòng cụ thể đến thời điểm ngày 31/12/2024 là tối thiểu 35% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.

Đến thời điểm ngày 31/12/2025, TCTD phải trích thêm để đạt tối thiểu 70% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung. Đến thời điểm ngày 31/12/2026, trích thêm số còn lại để đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm