Ngành kinh doanh trang sức vàng tại Việt Nam đối mặt rủi ro thiếu hụt nguồn cung vàng nguyên liệu trong thời gian dài và tình trạng này được dự báo vẫn còn tiếp diễn trong năm tới, điều này có tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp trong ngành.
Khách hàng thích nắm giữ để hưởng lợi từ xu hướng tăng giá vàng, cùng với việc nguồn cung hạn chế (bán vàng miếng qua các ngân hàng quốc doanh), là 2 lý do lý giải cho tình trạng thiếu hụt vàng trên thị trường.
Chính phủ kiếm soát nguồn gốc vàng chặt hơn, do đó các cửa hàng vàng nhỏ lẻ gặp khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc hàng tồn kho và phải hạn chế hoạt động, khiến tình trạng thiếu hụt vàng trên thị trường nội địa càng nghiêm trọng hơn.
"Các cửa hàng vàng nhỏ lẻ dùng nguyên liệu vàng không thể truy xuất nguồn gốc phải đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động, điều này giúp PNJ giành thêm được thị phần", theo báo cáo của SSI Research.
Điều này phản ánh qua mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ của PNJ (tăng trưởng 16% trong 9 tháng đầu năm), tốt hơn nhiều so với tổng mức tiêu thụ trang sức của cả nước (giảm 12% cùng giai đoạn, theo Hội đồng Vàng Thế giới).
Chuyên gia SSI nhận thấy mạng lưới cửa hàng và tệp khách hàng vẫn mở rộng thời gian qua. Tính đến tháng 10, toàn bộ hệ thống PNJ có 412 cửa hàng vàng (tăng thêm 21 địa điểm so với thời điểm đầu năm).
Do thiếu vàng, các cửa hàng vàng nhỏ lẻ phải tăng đơn đặt hàng qua PNJ để đảm bảo nguồn gốc sản phẩm hợp pháp, từ đó giải thích cho mức tăng trưởng doanh thu bán buôn lần lượt là 54% trong quý III và 64% trong tháng 10.
Tình trạng thiếu hụt vàng nguyên liệu ngược lại làm giảm biên lợi nhuận gộp của mảng bán lẻ (giảm 370 điểm phần trăm trong quý III). Ban lãnh đạo lưu ý rằng trích lập giảm giá trị hàng tồn kho càng làm giảm biên lợi nhuận gộp của phân khúc bán lẻ.
Trong bối cảnh thiếu hụt nguyên liệu, PNJ quyết định nấu chảy hàng tồn kho lâu ngày thành vàng nguyên chất để tái sử dụng; do đó đã ghi giảm một số hàng tồn kho lỗi mốt trong quý III và chịu chi phí thuế nhiều hơn.
SSI đánh giá ảnh hưởng của những vấn đề trên chỉ mang tính ngắn hạn. Khi mùa cao điểm đến, PNJ sẽ có thể giới thiệu các bộ sưu tập mới và có thể đưa ra mức giá bán hợp lý để bù đắp cho việc tăng giá nguyên liệu vàng.
Về việc ghi giảm hàng tồn kho, khi vàng tái sử dụng được chế tác thành trang sức mới, PNJ sẽ có thể khôi phục một phần giá trị đã ghi giảm trước đó.
Theo chuyên gia, vấn đề thiếu hụt vàng có thể vẫn tiếp diễn nhưng không nghiêm trọng như năm 2024. Một trong những lý do cho việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc vàng là để ngăn chặn việc buôn lậu vàng từ nước ngoài vào Việt Nam.
Chính phủ đã can thiệp bằng cách bán vàng với mức giá tương đương vàng thế giới, chênh lệch giá đã được thu hẹp từ 20% xuống chỉ còn 5%, khiến động lực mua vàng trái phép từ nước ngoài giảm bớt, từ đó giảm áp lực kiểm soát nguồn gốc trong năm 2025.
PNJ có thể tiếp tục giành thị phần từ các cửa hàng bán lẻ trang sức, thông qua việc mở rộng tệp khách hàng và mở cửa hàng mới (30-35 cửa hàng mới trong năm 2024-2025).
Về dự phóng, SSI kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của PNJ sẽ cải thiện trong năm 2025 do tỷ trọng doanh thu bán lẻ trong cơ cấu doanh thu tăng lên, tình trạng thiếu hụt vàng bớt nghiêm trọng và không có ghi giảm hàng tồn kho.