Chứng khoán

“Nhiều yếu tố tác động thị trường, nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt nên tiếp tục chờ đợi"

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu tác động từ nhiều yếu tố, nổi bật trong đó là các vấn đề về lãi suất, tỷ giá. Tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV8, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank đã có những chia sẻ về biến động của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán trong giai đoạn này.

BTV Mùi Khánh Ly: Ông đánh giá các doanh nghiệp đang phải chịu sức ép về tỷ giá, lãi suất ra sao?

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank: Giữa sức ép về tỷ giá và lãi suất thì áp lực về lãi suất lớn hơn nhiều trong một xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn thế giới. Mức độ thắt chặt tại Việt Nam hiện nay so với thế giới vẫn còn rất nhẹ nhàng, bởi Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ mới tăng lãi suất điều hành lần thứ 2 trong khi những nền kinh tế lớn khác như Mỹ, châu Âu, Canada, hay Ngân hàng Trung ương Úc đều tăng đều từ 5-6 lần trong năm nay. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta chủ quan mà nên có biện pháp để các doanh nghiệp có thể phòng thủ cho hiệu quả cũng như có những thiết kế hoặc chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau.

Còn áp lực về tỷ giá cũng có một số những tác động tiêu cực nhất định nhưng cũng có một số những tác động tốt. Bởi vì đồng USD, chỉ số USD Index trong năm 2022 tính cho đến hết quý III đã tăng khoảng 20% hơn, đạt mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm qua và đẩy những đồng tiền cực kỳ mạnh như là đồng Yên Nhật, đồng Euro hay đồng bảng Anh, AUD đều giảm rất sâu. Tuy nhiên như đồng Việt Nam thì hầu như không giảm mấy trong nửa đầu năm. Điều đó cũng đã gây một số những tác động ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu. Còn những doanh nghiệp xuất khẩu, nhân cơ hội này là có thể đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu. Chính sách điều hành của chúng ta hiện nay vẫn tương đối tốt, vừa cố gắng hạn chế mức độ tác động tiêu cực của tỷ giá đối với nền kinh tế và đối với các doanh nghiệp, vừa góp phần là kiểm soát mức độ lạm phát của Việt Nam.

Trong bối cảnh này, theo ông nhóm ngành nào bị ảnh hưởng nặng nhất và vì sao?

Theo tôi thấy áp lực lên các doanh nghiệp sang năm 2023 sẽ bắt đầu mạnh hơn. Bởi vì đợt tăng lãi suất gần đây nhất của FED khiến lãi suất đồng USD chính thức vượt mức trung tính. Mức trung tính lãi suất đồng USD là từ 2,5%-3%, hiện nay đã lên tới 4%. Mức trung tính là một mức không gây hại cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi lãi suất đang vượt qua mức này sẽ mang tính chất tiêu cực hơn, đặc biệt là Mỹ.

Cuối năm là mùa cao điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng chúng ta thấy liên tục có rất nhiều những doanh nghiệp như nhiều nhà máy, xí nghiệp, từ những doanh nghiệp trong nước và những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, họ phải sa thải bớt người người lao động cũng như họ không có đơn hàng hoặc là phải đóng cửa tạm thời. Thậm chí có doanh nghiệp cho nhân viên và công nhân của họ nghỉ Tết sớm trong khi bây giờ mới tới tháng 11. Theo quan sát của tôi, khả năng sang thời gian cuối năm và sang năm sau thì mức độ tác động sẽ nhiều hơn. Lãi suất vẫn có một xu hướng tăng trên thế giới, chính sách điều hành của chúng ta cũng sẽ phải xem xét từ việc tăng trưởng kinh tế cũng như phải xem xét áp lực từ thế giới tác động tới Việt Nam.

Các doanh nghiệp không chỉ chịu áp lực kép lãi suất và tỷ giá, mà tổng cầu cũng đang suy giảm, theo ông những nhóm ngành nào đang chịu ảnh hưởng từ tổng cầu này?

Đây là một câu hỏi rất hay và cũng là một điều mà băn khoăn của các doanh nghiệp. Nguy cơ suy thoái trên toàn thế giới khi tổng cầu bị suy giảm mạnh giống như bây giờ. Cuối năm thường là lúc hoạt động kinh doanh mà sôi động nhất nhưng cuối cùng lại ảm đạm nhất. Điều này tôi nghĩ là một yếu tố lớn, thậm chí nó còn lớn hơn cả yếu tố như là tỷ giá như giai đoạn như hiện nay.

Vậy theo ông, các doanh nghiệp nên làm gì để xoay sở vào lúc này?

Theo tôi, bên cạnh việc trông chờ các chính sách phải hỗ trợ như hỗ trợ về thuế, các doanh nghiệp cũng phải tự cứu lấy mình bằng cách nhiều cách, có thể từ những thị trường ngách, nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại được, họ đổi mới được mô hình kinh doanh, tiếp cận những thị trường khác cũng giống như tiếp cận những phân khúc khách hàng khác. Ví dụ bình thường khách hàng của doanh nghiệp đó chủ yếu tập trung ở Mỹ có thể mở rộng sang châu ở Châu Âu, châu Á, thậm chí ở châu Phi…

Thực tế, không phải nền kinh tế nào cũng đang thắt chặt, ví dụ như Nhật Bản và Trung Quốc đang thông qua các gói kích thích kinh tế, như vậy đây có phải là cơ hội cho các doanh nghiệp hướng sang nhiều hơn các thị trường này?

Đúng là như vậy! Trung Quốc, Nhật Bản hay như một số nền kinh tế khác, thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ lãi suất họ hạ liên tục. Nhật Bản hiện nay vẫn duy trì lãi suất đồng Yên ở mức âm. Chưa kể là cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine hiện nay vẫn chưa kết thúc nên việc gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới vẫn còn. Trung Quốc với chính sách Zero Covid, mặc dù lạm phát vẫn đang cao, vẫn đang tăng nhưng họ vẫn buộc phải thúc đẩy nền kinh tế. Nhật Bản cũng kích cầu hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó chính sách của cơ quan quản lý cho đến lúc này vẫn đang điều hành rất tốt và hạn chế được tối đa những mức độ tác động tiêu cực từ thế giới vào Việt Nam, nên các doanh nghiệp hãy tận dụng những lợi thế này để thúc đẩy cho công việc kinh doanh của mình trong cuối năm nay và sang năm 2023.

Trước bối cảnh trên, theo ông từ nay đến hết năm thị trường diễn biến ra sao?

Thị trường chứng khoán không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả trên thế giới vẫn đang ở trong một xu hướng giảm. Rất tiếc gần về cuối năm thì thị trường lại tiếp tục lập những đáy mới. Bên cạnh đó, thanh khoản sụt giảm so với hồi đỉnh cao năm 2021, chỉ còn có khoảng 1/4 - 1/3 so với năm 2021. Theo quan sát của tôi, xu hướng của thị trường trong ngắn hạn, thậm chí trong trung hạn vẫn còn tương tương đối xấu.

Mặc dù nền kinh tế vẫn tốt nhưng lưu ý chúng ta vẫn bị tác động nhiều bởi những yếu tố từ nước ngoài và ở trong nước; quan trọng hơn nữa là dòng tiền nên đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền lớn thì nên tiếp tục đợi, nắm giữ tiền mặt, tiếp tục chờ đợi những cơ hội sau Tết. Đối với nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm vẫn có thể tham gia theo những hình thức sóng hồi, tuy nhiên chỉ dành cho những nhà đầu tư có thực sự nhiều kinh nghiệm đầu tư ngắn hạn và họ tuyệt đối là không sử dụng đòn bẩy ở trong giai đoạn này.

Những nhóm ngành nào theo ông sẽ vượt qua "giông bão" này?

Thị trường đang trong một xu hướng giảm như hiện nay mà chúng ta tìm được một ngành, một mã nào đó có mức độ giảm điểm thấp hơn mức độ trung bình của thị trường cũng đã giỏi, chưa nói đến việc tìm được một ngành hoặc một mã gọi là tăng ngược lại thì xác suất lại càng nhỏ hơn nữa. Theo tôi thấy hiện nay, nhà đầu tư chỉ nên quan sát, theo dõi những nhóm ngành hoặc những mã mang tính chất tiềm năng, vào giai đoạn sau Tết thì chúng ta mới tính. Một số ngành tiềm năng theo quan điểm của tôi như ngành du lịch, khách sạn, ngành vận tải nhưng nhà đầu tư nên quan tâm vào ngành vận tải đường hàng không nhiều hơn. Một ngành nữa đó là ngành công nghệ sẽ có một tiềm năng phát triển rất bền vững trong giai đoạn sắp tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm