"Thỏa thuận này đang gần đến giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sớm kết thúc", một trong những nguồn tin am hiểu vấn đề này nói với Reuters, đồng thời cho biết thêm rằng thỏa thuận có thể được ký sớm nhất vào quý đầu tiên của năm tới nếu đàm phán thành công.
Những đơn vị đang cạnh tranh mua là Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) và các nhà đầu tư khác, bao gồm các công ty từ Thái Lan.
Nói với VnExpress, đại diện Bách Hóa Xanh xác nhận có trao đổi thỏa thuận với nhiều bên nhưng từ chối nêu tên vì đã ký bảo mật thông tin với các nhà đầu tư quan tâm.
"Chúng tôi sẽ sớm công bố thương vụ sau khi hoàn tất giao dịch", đại diện Bách Hóa Xanh nói và cho biết, đang trong quá trình thực hiện giao dịch phát hành riêng lẻ.
Được thành lập vào năm 2015, Bách Hóa Xanh, được phát triển bởi gã khổng lồ bán lẻ Thế Giới Di Động. Chuỗi này đang điều hành hơn 1.700 siêu thị tại các tỉnh phía Nam và Nam Trung Bộ Việt Nam.
Thế giới Di động trong những tháng gần đây đã quyết định tiếp tục kế hoạch bán cổ phần Bách Hóa Xanh sau khi tạm dừng vào đầu năm nay do điều kiện thị trường không thuận lợi. Trước đó, MWG lần đầu lên kế hoạch này vào năm ngoái.
8 tháng đầu năm, MWG đạt doanh thu thuần 76.455 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương hoàn thành 57% kế hoạch năm. Công ty tiếp tục không công bố kết quả lợi nhuận.
Đối với chuỗi Bách Hóa Xanh, doanh thu lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ kênh online tăng trưởng 8%.
Ban lãnh đạo Bách Hóa Xanh cho rằng sự phục hồi của công ty không cùng chiều với sức mua toàn thị trường. Mức doanh thu tăng trưởng phần nhiều đến từ việc tái cấu trúc nội bộ, tìm cách khuyến khích khách hàng tăng giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua sắm. Chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng này dự kiến hòa vốn cuối năm nay và có lãi năm sau.
Kế hoạch hòa vốn và có lãi của Bách Hóa Xanh đưa ra sau giai đoạn "lấy lại những gì đã mất" bởi nhiều lùm xùm liên quan đến giá bán và chất lượng phục vụ nổi lên từ giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021.
Kể từ năm ngoái, chuỗi này dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để dồn lực thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, rà soát, xử lý hàng trăm cửa hàng hoạt động không hiệu quả và lược bỏ các nhóm hàng có hiệu suất kinh doanh kém.
Năm ngoái, ông Nguyễn Đức Tài từng kỳ vọng Bách Hóa Xanh sẽ có lợi nhuận trong quý IV/2022. Tuy nhiên, kế hoạch trên không hoàn thành khi chuỗi này vẫn lỗ gần 3.000 tỷ đồng - cao nhất từ khi hoạt động. Đến cuối tháng 6 năm nay, công ty tiếp tục lỗ thêm khoảng 660 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên hơn 8.000 tỷ đồng.
SSI Research đánh giá đây là mục tiêu khó trong bối cảnh người tiêu dùng có thể ưa thích việc mua sắm ở chợ truyền thống hơn khi thu nhập bị giảm. Dựa trên các số liệu hiện tại, mảng bách hóa của MWG sẽ đạt điểm hòa vốn khi doanh thu mỗi cửa hàng đạt khoảng 1,7 tỷ đồng một tháng.