Nguồn tin độc quyền của Reuters cho biết quỹ đầu tư quốc gia GIC (Singapore) là một trong nhiều nhà đầu tư đang cạnh tranh mua 20% cổ phần của chuỗi Bách Hóa Xanh. Với thoả thuận này, chuỗi Bách Hóa Xanh được định giá ở mức 1,7 tỷ USD.
Hiện, phía GIC từ chối bình luận về thông tin này.
Nguồn tin cho biết một số tên tuổi đến từ Thái Lan cũng tham gia vào cuộc cạnh tranh này. “Thương vụ đang gần đến giai đoạn cuối và dự kiến sẽ sớm kết thúc”, người này cho biết và nói thêm rằng giao dịch có thể kết thúc trong quý I/2024 nếu đàm phán thành công.
Trả lời Reuters, Đầu tư Thế Giới Di Động cho biết công ty sẽ công bố thông tin khi thỏa thuận được ký kết. “Chúng tôi đã ký thỏa thuận với các nhà đầu tư là không tiết lộ thông tin", đại diện công ty nói.
Người viết cũng đã liên hệ với Đầu tư Thế Giới Di Động nhưng chưa nhận được câu trả lời ngay lập tức.
Được thành lập vào năm 2015, Bách Hóa Xanh được hậu thuẫn bởi CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG).
Tính tới cuối quý II, Bách Hoá Xanh có 1.706 cửa hàng, chủ yếu tại khu vực phía Nam.
Những tháng gần đây, các nguồn tin nói rằng Đầu tư Thế Giới Di Động tiếp tục theo đuổi chiến lược huy động vốn sau khi tạm dừng vào đầu năm nay do điều kiện thị trường không thuận lợi. Năm ngoái, lần đầu tiên công ty có trụ sở tại TP HCM lên kế hoạch bán 20% cổ phần Bách Hoá Xanh.
Giám đốc điều hành Bách Hóa Xanh dự kiến chuỗi này sẽ có lãi từ năm tới.
Khoản lỗ ròng của Bách Hoá Xanh trong nửa đầu năm nay đã giảm xuống còn gần 658 tỷ đồng từ mức lỗ hơn 3.000 tỷ đồng trong năm 2022. Nửa đầu năm, doanh thu Bách Hoá Xanh tăng 7% so với cùng kỳ lên 1.359 tỷ đồng.
Trong nửa cuối năm, phía MWG đặt mục tiêu cải thiện chất lượng hàng hóa để thu hút khách hàng, đồng thời tối ưu hóa các chi phí vận hành.
Ông Phạm Văn Trọng, Quyền Giám đốc điều hành của Bách Hoá Xanh, dự báo tăng trưởng khoảng 10% doanh thu trong nửa cuối năm và đạt điểm hòa vốn trong năm nay. Chuỗi bán lẻ này cũng đã dừng kế hoạch mở rộng ồ ạt.
Về phía GIC, đây là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Quỹ này đang nắm cổ phần tại Vinmec cũng như ngân hàng Vietcombank, và nhiều khoản mục đầu tư khác vào Việt Nam.
Năm 2019, GIC cũng từng mua lại hơn 16% cổ phần WinCommerce (đơn vị vận hành chuỗi WinMart/WinMart+), đưa giá chuỗi bán lẻ này vượt mức 3 tỷ USD.
Thời điểm đó, hệ thống bán lẻ do ông Phạm Nhật Vượng thành lập (sau về tay Masan Group của ông Nguyễn Đăng Quang) đang sở hữu 121 siêu thị WinMart và hơn 1.900 cửa hàng tiện lợi WinMart+.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, hai tổ chức đại diện cho GIC đã chuyển nhượng toàn bộ 16,26% cổ phần tại WCM cho các nhà đầu tư tư nhân trong nước.