Doanh nghiệp

Bamboo Airways tái cấu trúc đội tàu bay, hướng tới cắt giảm chi phí

Ngày 27/9, đại diện Bamboo Airways cho biết, hãng đã hoàn thành việc tái cơ cấu mạng bay sau hai tháng thực hiện, trong đó tập trung vào việc cắt giảm một số đường bay và giảm tần suất bay ở các tuyến không hiệu quả.

Với tần suất khai thác mạng bay mới, hãng đánh giá sẽ không hợp lý khi để dư thừa nguồn lực máy bay, làm tăng chi phí thuê tàu. Việc giảm bớt một số tàu bay giá thuê cao, không hiệu quả cũng nằm trong kế hoạch tái cơ cấu của hãng.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways. (Ảnh: Bamboo Airways).

Thông tin tại Đại hội cổ đông bất thường ngày 15/9, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, các bộ ngành hiện đang tháo gỡ khó khăn cho Bamboo Airways và hãng cũng đang tích cực tái cấu trúc lại doanh nghiệp.

Theo ông, trong quá trình phát triển theo chiều rộng của Bamboo Airways vừa qua bộc lộ một số điểm không phù hợp. Vì vậy, Bamboo Airways tái cơ cấu để làm sao có một đội bay thống nhất về cấu hình đến thương mại, phù hợp với mục tiêu định vị.

Hiện Bamboo Airways đang cùng lúc vận hàng máy bay của cả ba nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới gồm: Airbus, Boeing và Embraer. Do sự khác biết về kỹ thuật, Bamboo Airways sẽ phải tốn thêm chi phí thuê nhân sự kỹ thuật, phi công, giáo viên đào tạo cho riêng từng loại máy bay.

Theo dữ liệu trên trang Planespotters, Bamboo Airways hiện đang khai thác 23 tàu bay, giảm 7 chiếc so với hồi đầu năm nay. Tương tự, nhân sự cho đội bay cũng được giảm bớt nhằm cắt giảm chi phí, mang lại hiệu quả cao cho hoạt động kinh doanh của hãng.

Về nguồn nhân lực, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, trong quá trình phát triển nóng nhiều bộ phận cũng dư thừa nhưng trong quá trình tái cơ cấu, chúng tôi sẽ tin giản 15% nhân lực các phòng ban."Trọng tâm là giữ và tuyển thêm nguồn nhân lực chất lượng cao còn những nguồn nhân lực chưa phù hợp sẽ được tinh giản", ông Trọng nói.

Từ tháng 10/2023, Bamboo Airways sẽ tiến hành tái cơ cấu đội tàu bay theo hướng gia tăng hiệu quả khai thác và tối ưu hoá chi phí, tiến tới mục tiêu tăng cường sự đồng nhất về các chủng loại tàu bay trong dài hạn.

Bamboo Airways đã tiến hành thảo luận, đàm phán chi tiết với các đơn vị cung cấp tàu bay liên quan, và đạt thống nhất cao trong việc điều chỉnh tạm thời thoả thuận hợp tác. Về phía đối tác, các nhà cho thuê tàu bay khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa Bamboo Airways.

Ngoài ra, hãng đang tập trung vào phát triển hệ sinh thái của Bamboo Airways trong lĩnh vực bảo dưỡng, thủ tục hàng hoá, thủ tục dịch vụ, suất ăn,... để giảm bớt chi phí và hướng tới mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho hãng. 

"Trước đây, nhiều dịch vụ hãng phải ký với đối tác bên ngoài với giá rất cao nên trong đợt tái cơ cấu lần này, chúng tôi xây dựng và phát triển các công ty con trong hệ sinh thái, trước mắt là phục vụ công ty mẹ là Bamboo Airways và sau đó hướng tới cung cấp dịch vụ cho cả các hãng bay khác", ông Trọng nói.

Bamboo Airways cũng vừa đưa vào sử dụng hệ thống dịch vụ hành khách mới. Đây là hệ thống hiện đại mà chưa có hãng hàng không nội địa nào sử dụng.

Cùng với đó, Bamboo Airways đang nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan chức năng và mạng lưới đối tác. Đầu tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển cho Bamboo Airways.

Về phía Hãng, Thủ tướng yêu cầu Bamboo Airways cần nỗ lực tái cơ cấu, vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh, chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ. Cục Hàng không Việt Nam cho biết các công ty cung cấp dịch vụ hàng không đều khẳng định luôn đồng hành, hỗ trợ Bamboo Airways trong suốt giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong giai đoạn tái cơ cấu này.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm