Chuẩn bị cho mùa đại hội cổ đông, nhiều ngân hàng đã gửi đi nội dung cuộc họp sắp tới, trong đó thông tin về kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức được các cổ đông đặc biệt quan tâm.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa có nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc triển khai và thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 554 triệu cổ phiếu để chia thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Qua đó, nâng mức vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 5.545 tỷ đồng.
Phương án tăng vốn này đã được cổ đông ngân hàng thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra vào ngày 16/3. Trước đó, ngân hàng cũng từng trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% và 40% trong năm 2020 và 2021.
Một ngân hàng tư nhân khác, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, trong đó có phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ thực hiện quyền là 25% (phụ thuộc vào sự chấp thuận của NHNN). Theo đó, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu hiện tại sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới.
Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 27.019 tỷ đồng lên hơn 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.
Một số ngân hàng khác dù chưa công bố nội dung họp đại hội cổ đông nhưng đã có kế hoạch tăng vốn trong năm 2022 hoặc còn kế hoạch vẫn chưa hoàn thành.
Chẳng hạn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức tỷ lệ 30% cho năm 2021.
Tuy nhiên, phương thức chia sẽ được cân đối để phù hợp với tình hình tài chính và tốc độ tăng trưởng tài sản.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dự kiến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức 25% - 30%, ROE trên 20%; duy trì mức cổ tức từ 20% - 25% cho cổ đông trong năm 2022. Tuy nhiên, các mục tiêu này vẫn đang được Hội đồng quản trị cân nhắc trước khi trình cổ đông trong kỳ trong kỳ đại hội cổ đông thường niên thời gian tới.
Với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), nhà băng này tiếp tục lên kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%.
Năm 2021, ngân hàng đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và năm 2020 theo tỷ lệ lần lượt là 10% và 10,5%. Đồng thời, chào bán gần 540 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 28%. Qua đó nâng vốn điều lệ lên gần 26.700 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2013 - 2016, tỷ lệ chi trả cổ tức của SHB bình quân là 7 - 8%/năm và giai đoạn 2017 - 2020 là trên 10%/năm.
Về phía các NHTM Nhà nước, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 trong cuộc họp vào tháng 4 tới đây. Nhà băng này vẫn còn kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư, nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng sẽ phát hành thêm 341,5 triệu cổ phiếu mới với tỷ lệ 8,5% theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Có thể thấy, trong những năm qua, hầu hết ngân hàng lựa chọn việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, giúp gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR và tăng trưởng kinh doanh trong dài hạn.
Chứng khoán MBS ước tính khoảng 75% của hoạt động tăng vốn của ngân hàng đến từ chia tách cổ phiếu, 22% thông qua hoạt động phát hành riêng lẻ và phát hành quyền chọn mua cổ phiếu, và khoảng 3% đến từ phát hành ESOP.
Tại Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, và không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.
Đây là năm thứ ba liên tiếp NHNN kêu gọi các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm giúp bản thân các nhà băng có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cổ đông nhiều ngân hàng chưa nhận cổ tức trong nhiều năm
Không phải kế hoạch tăng vốn của ngân hàng nào cũng suôn sẻ. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 2, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, kết thúc năm tài chính 2021, ngân hàng đã tất toán xong toàn bộ trái phiếu VAMC và đủ điều kiện để tiến hành chia cổ tức.
Theo đó, khi có báo cáo tài chính kiểm toán vào cuối tháng 3, ban điều hành sẽ đệ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận và tăng vốn trong năm 2022.
Nếu thực hiện đúng kế hoạch, đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau một thập kỷ. Lần gần nhất nhà băng này tiến hành tăng vốn là vào năm 2011 khi thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 17%.
Nếu được cơ quan quản lý chấp thuận, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận cụ thể. Dự kiến mức cổ tức dự kiến sẽ là 18%. Tuy nhiên, đại hội đã không thông qua tờ trình về phương án chia cổ tức.
Hay tại Sacombank, từ năm 2015, cổ đông ngân hàng đã không được hưởng cổ tức bởi theo đề án tái cơ cấu đến năm 2025, ngân hàng chỉ được thực hiện chi cổ tức sau khi được NHNN chấp thuận.
Tuy nhiên, một tin vui đối với các cổ đông Sacombank đó là ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và đang chờ sự phê duyệt của NHNN
Chủ tịch Dương Công Minh cho biết HĐQT ngân hàng hứa cố gắng 5 năm tái cơ cấu thành công, hy vọng 2022, trở về trạng thái bình thường sẽ được quyền xin NHNN chia cổ tức. Dự kiến đến 2022 hoặc đầu 2023 có thể chia cổ tức.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thời hạn trên 5 năm hoặc được gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho tới khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.