Khoa học

Nhiều loài có mí mắt thứ ba, con người có không?

Mí mắt thứ ba phủ kín mắt của một con đại bàng - Ảnh:   Ian Dyball

Mí mắt thứ ba phủ kín mắt của một con đại bàng - Ảnh: Ian Dyball

Bạn có thể thỉnh thoảng từng thấy "mí mắt thứ ba" trên chó cưng hay mèo cưng của mình, có thể là lúc chúng đang lim dim ngủ hoặc khi chúng đang được cưng nựng.

Mí mắt thứ ba này là lớp màng thịt bạn nhìn thấy ở góc mỗi mắt, gần mũi nhất, thường di chuyển theo hướng ngang trên mắt thay vì hướng dọc như mí trên và mí dưới. Thực chất chúng là một nếp gấp chuyên biệt của màng kết mạc, lớp màng mỏng ẩm bao phủ các mí mắt khác và phần trắng lộ ra của mắt (lòng trắng).

Nhưng cấu trúc này thực sự có tác dụng gì?

Nghiên cứu cho thấy chức năng của mí mắt thứ ba khá giống với mí trên và mí dưới. Nó bảo vệ mắt, quét sạch bụi bẩn xâm nhập. Ngoài ra nó còn phân tán nước mắt trên bề mặt mắt, giữ cho mắt ẩm và ngăn ngừa loét.

Cấu trúc của mí mắt thứ ba cũng khác nhau giữa các loài. Sự khác biệt này có thể giúp động vật thích nghi với nhiều môi trường khác nhau: nước, không khí và thậm chí cả môi trường sống trên cây.

Đã có một số nghiên cứu khác nhau trên một số loài động vật nhằm kiểm tra mí mắt thứ ba để hiểu vai trò của chúng.

Mí mắt thứ ba ở loài loài cú đại bàng Á-Âu (Bubo bubo) - Ảnh:   GlobalP/Getty Images

Mí mắt thứ ba ở loài loài cú đại bàng Á-Âu (Bubo bubo) - Ảnh: GlobalP/Getty Images

Ở sa mạc, mí mắt thứ ba của lạc đà giúp nó ngăn chặn và loại bỏ cát và bụi bẩn có thể làm hỏng mắt. Ngoài ra, mí mắt thứ ba của lạc đà có phần trong suốt, giúp chúng duy trì một phần thị lực trong cơn bão cát, đồng thời bảo vệ mắt của chúng.

Ở vùng bụi rậm, lợn đất cũng có mí mắt thứ ba, có lẽ để bảo vệ mắt khi chúng tìm kiếm côn trùng.

Đối với các loài động vật sống dưới nước, mí mắt thứ ba có thể bảo vệ mắt chúng khỏi bị nước xâm nhập, và màng trong suốt có thể hỗ trợ tầm nhìn. Các loài cá mập lớn hơn (ví dụ như cá mập xanh) thường bảo vệ mắt bằng mí mắt thứ ba khi săn mồi và ăn.

Đối với các loài chim, các luồng không khí mạnh cũng có thể gây hại tương tự. Vì vậy, ở các loài chim săn mồi như chim ưng, mí mắt thứ ba được sử dụng trong quá trình bay nhanh khi săn mồi. Thường thì những cơn gió giật sẽ kích hoạt phản xạ chớp mí mắt thứ ba ở những loài chim này (bao gồm cả cú) như một phản xạ bảo vệ tự nhiên.

Ở những loài chim khác, mí mắt thứ ba có thể bảo vệ mắt khỏi mỏ nhọn của chim non, nhất là khi chim mẹ vừa tha mồi về tổ.

Các nghiên cứu cho thấy mí mắt thứ ba đóng vai trò độc đáo ở chim gõ kiến, đặc biệt là hộp sọ của chúng chịu rung chấn khi dùng mỏ khoan vào thân cây. Khi khoan thân cây, chúng dễ bị tổn thương mô mắt và bị mùn cưa bay vào mắt. Trong trường hợp này, mí mắt thứ ba có thể đóng vai trò vừa như dây bảo vệ giữ cân bằng vừa như tấm che mặt.

Ở các vùng cực, nơi cảnh quan trắng xóa phản chiếu ánh sáng mặt trời, tia cực tím có thể gây hại cho mắt. Điều này có thể dẫn đến mất thị lực tạm thời - một tình trạng được gọi là mù tuyết. Vì vậy, một số loài như gấu Bắc Cực có mí mắt thứ ba hấp thụ tia cực tím...

Mí mắt thứ ba ở một chú mèo - Ảnh: Independent.ie

Mí mắt thứ ba ở một chú mèo - Ảnh: Independent.ie

Con người có mí mắt thứ ba không?

Con người và hầu hết các loài linh trưởng đã tiến hóa đến mức không còn cần mí mắt thứ ba hoàn chỉnh. Lý do là mắt người và loài linh trưởng ít có nguy cơ bị tổn thương bởi săn bắn, tranh giành lãnh thổ và môi trường. Thêm vào đó, mắt người có độ nhạy cao, có khả năng nhận biết và phản ứng với nguy hiểm bằng cách nhắm nhanh hơn.

Mặc dù vậy, mí mắt thứ ba không hoàn toàn biến mất. Con người vẫn còn dấu vết của nó được gọi là plica semilunaris. Nếp gấp hình lưỡi liềm này cũng có thể được nhìn thấy ở khóe mắt của chúng ta, bạn sẽ thấy nó khi tự nhìn mình trong gương.

Một số nhà khoa học cho rằng plica semilunaris vẫn có thể giúp dẫn lưu nước mắt. Có hai ống dẫn nhỏ ở góc mí mắt, cho phép nước mắt dư thoát vào khoang mũi. Điều đó giải thích tại sao bạn hay bị sổ mũi khi khóc.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm