Khoa học

Loài vật nào có thể nín thở lâu nhất?

Cá voi mõm khoằm Cuvier lặn và giữ hơi thở trong thời gian đáng kinh ngạc là 3 giờ 42 phút - Ảnh: whaleopedia.org

Cá voi mõm khoằm Cuvier lặn và giữ hơi thở trong thời gian đáng kinh ngạc là 3 giờ 42 phút - Ảnh: whaleopedia.org

Ở dưới biển, nhà vô địch lặn là cá voi mõm khoằm Cuvier. Trong một nghiên cứu kéo dài 5 năm trên 23 con cá thuộc loài này, các nhà khoa học đã ghi nhận một con cá voi mõm khoằm Cuvier lặn trong 3 giờ 42 phút. Đó cũng là khoảng thời gian nó nín thở.

Để so sánh, kỷ lục thế giới hiện tại của con người là 24 phút 37 giây (do ông Budimir Buda Sobat, sống tại Croatia, thiết lập ngày 27-3-2021, khi ấy ông 56 tuổi).

Tuy nhiên, thời gian lặn trung bình của cá voi mõm khoằm trong nghiên cứu là 59 phút. Ngoài ra, chỉ 5% trong số cá voi mõm khoằm được quan sát có thời gian lặn vượt quá 1 giờ.

Một loài khác có thể nín thở lâu là cá voi lưng gù. Chúng thường dành khoảng một giờ rưỡi dưới nước trước khi trở lại mặt biển để thở.

Trong khi đó hải cẩu voi có thể nín thở đến hai giờ đồng hồ khi lặn.

Hải cẩu voi nín thở khi lặn đến hai giờ đồng hồ - Ảnh: Chase Dekker Wild-Life Images/Getty Images

Hải cẩu voi nín thở khi lặn đến hai giờ đồng hồ - Ảnh: Chase Dekker Wild-Life Images/Getty Images

Làm thế nào chúng có thể nín thở lâu như vậy?

Theo các nhà khoa học, một phần do cơ bắp của chúng chứa đầy một loại protein gọi là myoglobin, có chức năng lưu trữ oxy và cung cấp một cách nhanh chóng, tiện lợi nguồn oxy này cho các tế bào cơ.

Con người cũng có myoglobin nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều. Ở chúng ta, quá nhiều protein này gần nhau có thể kết dính và gây bệnh tật.

Vậy tại sao cá voi, hải cẩu và những loài lặn lâu không gặp vấn đề tương tự?

Theo một nghiên cứu năm 2013, myoglobin của các loài động vật có vú chuyên lặn sâu có điện tích dương.

"Giống như các cực cùng dấu của một nam châm, các protein đẩy lẫn nhau", tác giả nghiên cứu Dr Michael Berenbrink nói với BBC News. "Theo cách này, chúng có thể tích trữ lượng lớn protein trong cơ bắp của chúng mà không bị dính vào nhau, gây tắc nghẽn cơ bắp".

Tuy nhiên, myoglobin chỉ là một phần của câu chuyện. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng cá voi mõm khoằm Cuvier có thể có tỉ lệ trao đổi chất thấp, có nghĩa là chúng sẽ không sử dụng oxy nhanh chóng.

Việc chuyển sang trao đổi chất mà không cần oxy sẽ tạo ra lactate (axit lactic). Lactate sau đó được chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho các tế bào cơ, giúp cá voi có thể di chuyển và lặn sâu trong thời gian dài.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm