Nhằm thúc đẩy phân khúc nhà ở cho hàng triệu người lao động, tọa đàm "Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê" do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 18-5 ghi nhận nhiều ý kiến đáng chú ý.
Gỡ pháp lý, tăng nguồn cung nhà ở xã hội
Phát biểu, ông Trần Đăng Toàn, tổng giám đốc Công ty Miền Đông - thành viên Kim Oanh Group, nhiều lần nhắc đến hai từ "bất cập".
Nêu cụ thể vướng mắc về pháp lý, ông Toàn cho biết thủ tục đầu tư nhà ở xã hội không khác gì đối với dự án nhà ở thương mại. Riêng thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính vẫn phải thực hiện mặc dù nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất.
Thực tế, để thực hiện thủ tục xác định giá đất để làm nghĩa vụ tài chính mất thời gian 1-2 năm. Một vấn đề khác là vốn vay.
"Đây là mấu chốt để nhà ở xã hội thuê mua cũng như bán có thể thành công", ông Toàn nói. Từ góc độ người mua, vị đại diện doanh nghiệp này cho rằng cần đảm bảo để khách hàng có thể tiếp cận gói tín dụng phù hợp. Mức lãi suất 4,8%/năm, vay trong 25 năm là phù hợp.
Song theo ông Toàn, dự án doanh nghiệp hiện đã hoàn thành xây dựng nhưng ngân hàng chính sách vẫn chưa được giải ngân để bàn giao nhà.
Với chủ đầu tư, ông Toàn cho biết mức lãi suất vay "may mắn nhất" với doanh nghiệp hiện là 6%. Còn lại, doanh nghiệp vẫn phải tiếp cận tín dụng ngân hàng thương mại mức rất cao, đều hơn 10%.
Một số bất cập khác cũng được ông Toàn nhắc tới, đó là xác định chi phí giá đất hay đối tượng mua nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Toàn, quy định đặt ra thu nhập không quá 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng duy trì từ năm 2020 đến nay.
"Để đủ tài chính mua nhà ở xã hội, người mua nhà phải tăng ca để tăng nguồn thu nhập, nhưng tăng thu nhập thì phát sinh thuế thu nhập cá nhân nên không đủ điều kiện mua nhà. Có một số trường hợp chỉ phát sinh thuế 70.000 đồng cũng không mua được", ông Toàn nói, dù nhiều hoàn cảnh rất khó khăn.
Đề xuất quy trình nhà ở xã hội phải khác nhà ở thương mại
Đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng cung nhà ở xã hội cả phân khúc bán lẫn cho thuê, ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty Lê Thành - cho rằng quan trọng nhất là thúc đẩy nhanh pháp lý.
Tại sao nhà ở xã hội cứ bị thiếu hụt? Theo ông Nghĩa, điểm quan trọng nhất hiện nay là nhà ở xã hội không mang lại lợi nhuận doanh nghiệp mong muốn, thậm chí còn lỗ.
"Đây là vấn đề gốc rễ. Nhưng tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp sẽ làm tăng giá bán nhà, cũng không được. Còn nếu giải quyết pháp lý nhanh cho doanh nghiệp, thì thời gian chính là tiền bạc. Một dự án 5 năm mới xong chi phí sẽ khác một năm", ông Nghĩa chỉ rõ.
Ông Nghĩa mong muốn quy trình làm nhà dự án nhà ở xã hội cần khác với nhà ở thương mại. "Không phải bỏ bớt thủ tục mà làm nhanh hơn bằng cách ghép bước", theo ông Nghĩa, gỡ được nút thắt này sẽ đẩy được lượng cung.
Về nguồn vốn, lãnh đạo Công ty Lê Thành cho rằng nếu nguồn cung tín dụng 100 tỉ đồng thì nên cân đối 50 - 50 cho chủ đầu tư và người mua. Bởi nếu không có nguồn cung, người mua cũng không có nhà để được giải ngân cho vay.
Với những quy định hiện hành, thậm chí ngay cả khi luật sửa đổi có hiệu lực, ông Nghĩa vẫn lo ít doanh nghiệp quan tâm đến việc đầu tư dự án nhà ở xã hội cho thuê.
Lấy dẫn chứng, để xây dựng 1.000 căn nhà cho thuê, đơn giá xây dựng 500 triệu đồng/căn, doanh nghiệp cần 500 tỉ đồng. Nếu giá thuê phù hợp với người lao động, khoảng 3,5 triệu đồng/tháng thì doanh thu cả năm cũng không bù được lãi suất đi vay doanh nghiệp phải trả.
-
Giải cơn khát nguồn cung nhà ở xã hội, giúp người lao động an cưĐỌC NGAY
"Lãi suất khó có thể rẻ hơn được 10%, bây giờ chúng tôi đang vay 13%, dù làm nhà ở xã hội", ông Nghĩa nói. Cũng theo vị này, nhà ở xã hội cho thuê chỉ Nhà nước làm được, còn doanh nghiệp rất khó.
Ông Nghĩa cũng kiến nghị nên xây dựng thị trường nhà ở xã hội như nhà ở thương mại. Hiện nay, sau 5 năm họ được phép chuyển đổi nhưng thực tế nhiều người có nhu cầu bán sớm hơn vì các lý do khác nhau.
Nhà nước lo ngại việc cho phép mua bán sớm hơn sẽ dẫn đến đầu cơ, nhưng nếu xây dựng thị trường, người mua lại cũng phải là đối tượng được phép mua nhà ở xã hội. Có thị trường, theo ông Nghĩa, sẽ kích thích phát triển hơn phân khúc này.
Ông Mai Thanh Tùng - phó trưởng phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM - cũng thừa nhận TP.HCM đã rất nỗ lực để phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên còn nhiều vướng mắc nên số lượng nguồn cung nhà ở xã hội hoàn thành chưa đạt như kỳ vọng.
Theo ông Tùng, tới đây TP sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, bố trí nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân gần các khu chế xuất, khu công nghiệp. TP sẽ rà soát quỹ đất trong các khu công nghiệp, tham mưu điều chỉnh quy hoạch để xây nhà lưu trú công nhân ngay trong khu đất khu công nghiệp.
Mong có mô hình nhà ở xã hội cho thuê
Có 14 năm làm nhân viên văn phòng tại TP.HCM, song giấc mơ có một căn nhà của chị Lê Nguyễn Xuân Đào vẫn còn xa vời.
Với mức thu nhập chưa đến 20 triệu đồng mỗi tháng của hai vợ chồng, chị Đào cho biết 50% trong số thu nhập này đã dành trang trải các chi phí, và nếu tiết kiệm lắm cũng chỉ còn 2-3 triệu đồng/tháng.
Vì thế, với chị Đào, mô hình nhà ở xã hội cho thuê rất lý tưởng, nếu được xây dựng chị sẵn sàng thuê.
"Tôi thấy mô hình nhà cho thuê rất hay, người lao động mong muốn được khu nhà ở khang trang, sạch sẽ, cảm giác đó là ngôi nhà của mình dù không sở hữu.
Ít ra nó an toàn để con cái sinh hoạt thoải mái, thiết thực với nhu cầu của mình", chị Đào nói.