Phong cách sống

Lời “tự thú” của chuyên gia tài chính: “Tôi sống mà không có quỹ dự phòng, lần nào đầu tư cũng tất tay”

TIN MỚI

*Dưới đây là chia sẻ của Eric Roberge - Chuyên gia tài chính, đồng thời là nhà sáng lập dịch vụ tư vấn tài chính Beyond Your Hammock. Là người thường xuyên đưa ra lời khuyên nhằm khắc phục những vấn đề tồn đọng trong sức khỏe tài chính của người khác, nhưng Eric Roberge lại thừa nhận bản thân anh cũng không thể thực hiện đúng như những gì mình thường khuyên khách hàng.

Với tư cách là một chuyên gia tài chính, đồng thời là chủ sở hữu một công ty quản lý tài sản, việc của tôi là tư vấn cho khách hàng và cùng họ tìm ra phương án tối ưu nhất để thực hiện các mục tiêu tài chính, cũng như đảm bảo khối tài sản hiện có gặp ít rủi ro hao hụt.

Lời “tự thú” của chuyên gia tài chính: “Tôi sống mà không có quỹ dự phòng, lần nào đầu tư cũng tất tay”- Ảnh 1.

Eric Roberge

Trong phần lớn các trường hợp là khách hàng cá nhân, tôi luôn khuyên họ nên ưu tiên tuân thủ 2 quy tắc cơ bản về tiền bạc; nhưng cũng phải thú thực rằng chính tôi cũng không làm được 2 điều này.

1. Tôi không có quỹ dự phòng

Tôi luôn khuyên khách hàng nên có một khoản tiền mặt tương đương 3-6 tháng tiền sinh hoạt phí để phòng cho những trường hợp đột xuất cần tiền hoặc khi mất thu nhập. Đây được gọi là quỹ dự phòng hoặc quỹ khẩn cấp. Đây là việc hoàn toàn tốt, không có gì xấu cả.

Tuy nhiên, tôi không làm được điều này vì tôi gần như bị dị ứng với việc giữ tiền mặt trong tay! Tôi muốn chuyển phần lớn số tiền hiện có của mình vào các khoản đầu tư nhằm tăng trưởng dài hạn hoặc xoay vòng vốn cho việc kinh doanh cá nhân để tăng trưởng doanh thu. Tôi gần như chưa bao giờ để khoản tiền của mình “nằm yên” tới vài tháng trời.

Đương nhiên, tôi biết việc này có rủi ro và tôi chấp nhận điều đó, vì tôi cũng khá tự tin với việc ngay cả khi mình không còn 1 đồng tiền mặt nào trong người, cuộc sống của mình cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Lời “tự thú” của chuyên gia tài chính: “Tôi sống mà không có quỹ dự phòng, lần nào đầu tư cũng tất tay”- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Vợ tôi và tôi có một ít tiền mặt để trong ngân hàng dưới các gói tiết kiệm kỳ hạn ngắn. Chúng tôi dự định dùng khoản tiền ấy để đi du lịch. Nếu trường hợp khẩn cấp xảy ra, chúng tôi có thể rút tiền từ các gói tiết kiệm ấy để trang trải.

Tôi không khuyên bạn nên phản đối việc duy trì quỹ khẩn cấp. Tuy nhiên nếu bạn là người làm kinh doanh hoặc một nhà đầu tư chuyên nghiệp, tôi khuyến khích bạn không nên để quá nhiều tiền trong khoản quỹ này nếu đã có phương án thay thế khi cấp bách.

2. Tôi đầu tư “tất tay” hơn so với những gì tôi thường khuyên khách hàng

Nếu bạn thử Google cụm từ “cách phân bổ danh mục đầu tư”, tôi chắc chắn câu trả lời bạn nhận được sẽ là: 60% cho cổ phiếu, 30% cho trái phiếu và 10% cho tiền mặt hoặc 40% cho cổ phiếu, 40% cho trái phiếu và 20% cho tiền mặt. Đây đều là những lời khuyên cơ bản mà các chuyên gia (trong đó có tôi) thường khuyên các khách hàng của mình nếu họ là những nhà đầu tư F0.

Tôi cần nhấn mạnh rằng cách phân bổ danh mục đầu tư này chỉ dành cho F0 hoặc những người đang đầu tư để học hỏi mà thôi, vì nó được coi là an toàn và ít rủi ro nhất.

Nhưng với vai trò là một chuyên gia tài chính, tôi đã không áp dụng cách phân bổ như vậy ngay từ khi tôi còn là một nhà đầu tư non trẻ.

Lý do đơn giản là vì tôi chắc chắn và không hề hoang mang về khẩu vị rủi ro của mình. Tôi đầu tư khá tất tay mà không mấy khi bị lung lay bởi các biến động trong ngắn hạn, vì tôi biết bản thân mình không ngại rủi ro và nếu trường hợp tệ nhất xảy ra - tôi mất 100% tiền vốn, tôi tin mình vẫn ổn.

Lời “tự thú” của chuyên gia tài chính: “Tôi sống mà không có quỹ dự phòng, lần nào đầu tư cũng tất tay”- Ảnh 3.

Ảnh minh họa


Một điều duy nhất tôi luôn tuân thủ: Tiết kiệm ít nhất 25% tổng thu nhập!

Tôi luôn khuyên khách hàng nên tiết kiệm trước rồi mới bắt đầu nghĩ tới chuyện đầu tư. Và tôi cũng áp dụng điều này với chính mình

Quy tắc mà tôi luôn tuân thủ chính là dù làm gì, kiếm được bao nhiêu tiền, cũng trích ra 25% tổng thu nhập để dùng cho việc tiết kiệm dài hạn như nghỉ hưu chẳng hạn.

Ưu tiên số 1 của tôi trong việc quản lý tiền bạc là tạo ra sự an tâm cho bản thân và cho cả những người thân của mình.

Có nhiều cách khác nhau mà tôi và vợ có thể làm để thực hiện mục tiêu an tâm tài chính nhưng phương án mà chúng tôi thấy khả thi nhất, dễ dàng nhất và bền vững nhất chính là luôn để dành ra 25% tổng thu nhập của hai người, trước khi nghĩ tới bất kỳ việc gì khác bao gồm cả việc hưởng thụ hay đầu tư. Đó là khoản tiền chúng tôi thống nhất sẽ không bao giờ “động” vào, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.

Theo BI

Cùng chuyên mục

Đọc thêm