Ngày 18/5, trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy , chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) Bộ Công an cho biết, các công trình hiện nay còn vướng mắc, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, Luật PCCC hiện hành đang quy định tiêu chuẩn về PCCC là bắt buộc áp dụng. Tiêu chuẩn do các Bộ, ngành biên soạn một số quy định về PCCC còn cao, chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế và điều kiện phát triển kinh tế hiện nay.
Thứ hai, vướng mắc chính hiện nay là các công trình chuyển đổi công năng từ nhà ở sang sản xuất kinh doanh. Khi chuyển sang mục đích sử dụng mới, phải tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC . Tuy nhiên vì nhiều lý do mà chưa thể tuân thủ đầy đủ các quy định về PCCC như, do mặt bằng hiện hữu khó cải tạo, ví dụ: không bố trí được thang thoát nạn, cửa thoát nạn, đường giao thông chữa cháy..., Trong khi đó, các chủ đầu tư, chưa chịu đầu tư, cải tạo, lắp đặt hệ thống, thiết bị PCCC theo quy định vì tốn kinh phí.
Thứ ba, các công trình vi phạm trật tự xây dựng , tự ý xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Khi có yêu cầu về PCCC thì không thể áp dụng các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương , nhằm tháo gỡ những vướng mặt trên, dự án Luật PCCC&CNCH, Bộ Công an chủ trì soạn thảo để trình Quốc hội khóa XV lần này đã điều chỉnh, bãi bỏ quy định về việc áp dụng bắt buộc đối với tiêu chuẩn về PCCC. Điều 9 dự thảo Luật đã quy định tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng; tạo cơ sở pháp lý để các Bộ, ban ngành nghiên cứu, điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Cùng với đó, dự án Luật cũng bổ sung quy định để giải quyết các công trình hiện hữu chưa bảo đảm an toàn PCCC (Điều 65 dự thảo Luật), giao các bộ, ngành tham mưu Chính phủ có các giải pháp cụ thể, giải pháp bổ sung, thay thế các quy định hiện hành để tháo gỡ theo từng nhóm công trình theo hướng tiết kiệm nhất cho chủ cơ sở mà vẫn bảo đảm an toàn cháy cho người và công trình.
Bên cạnh đó, Dự án Luật quy định vai trò, trách nhiệm trong công tác PCCC của các cơ quan chuyên môn về xây dựng, chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công trong công tác đầu tư xây dựng công trình. Tăng cường trách nhiệm tự bảo đảm an toàn PCCC cho chủ đầu tư (Điều 13, 14, 15, 16, 56, 59 dự thảo Luật).
Đặc biệt, Dự án Luật PCCC&CNCH đã sẽ cắt giảm thủ tục hành chính từ 42 thủ tục hành chính còn 13 thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở tham gia hoạt động PCCC.
Ngoài ra, đã tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (đã cắt giảm 5 thủ tục hành chính); sửa đổi QCVN 06:2022/BXD, QCVN 03/2020/BCA theo hướng điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật để phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện để chuẩn bị ban hành Tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ, trong đó có quy định cụ thể điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở riêng lẻ.
Đáng chú ý, Đại tá Nguyễn Minh Khương cũng cho hay, đối với các công trình xây dựng trước năm 2001, không đảm bảo về PCCC sẽ vận dụng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành phố để tháo gỡ.
Cụ thể, Luật Phòng cháy , chữa cháy (PCCC) năm 2001, sửa đổi bổ sung Điều 63 năm 2013 nêu rõ, giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố ra nghị quyết để giải quyết những công trình đi vào hoạt động trước năm 2001, có vi phạm PCCC . Điển hình, năm 2022, HĐND TP Hà Nội ra Nghị quyết 05/2022, ngày 6/7/2022, tại Điều 3 nêu rõ quy định về việc giải quyết các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được sử dụng trước năm 2001. Như vậy, công trình nằm trên địa bàn TP Hà Nội đều phải tuân thủ theo Nghị quyết 05 của HĐND TP Hà Nội.