Năm ngoái, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (LTG) báo doanh thu đạt hơn 10.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 420 tỷ đồng. So với năm liền trước, hai chỉ tiêu quan trọng này tăng lần lượt hơn 36% và 14%. Đây là năm ghi nhận mức doanh thu cao nhất lịch sử của doanh nghiệp và lợi nhuận vượt 5% kế hoạch được giao.
Cùng mức tăng hai chữ số trong kết quả kinh doanh, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - NSC) đạt hơn 1.930 tỷ đồng doanh thu và hơn 225 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ, doanh thu tăng 18% và lợi nhuận tăng 16%.
Có bước tiến lớn trong năm nay là Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR). Doanh thu thuần của công ty đạt khoảng 3.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 100 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu đều tăng 15% so với năm 2020. Với kết quả trên, Trung An tiếp tục nới rộng thêm khoảng cách doanh thu với Vinaseed, dẫu giai đoạn trước từng bị bỏ khá xa. Riêng quý cuối năm, doanh nghiệp này lãi gần 44 tỷ đồng, là quý có lợi nhuận cao kỷ lục trong hơn 20 năm hoạt động.
Tiêu thụ gạo tăng mạnh trở thành bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp tăng trưởng suốt năm qua. Về xuất khẩu, ngành gạo bán được hơn 6,2 triệu tấn, thu về gần 3,3 tỷ USD, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan. Giá xuất khẩu gạo năm ngoái tăng 5,5% so với năm 2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 526,8 USD một tấn.
Trong năm qua, Tập đoàn Lộc Trời bán hơn 80.000 tấn gạo tới châu Âu, châu Phi, châu Đại Dương, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% doanh thu gạo của tập đoàn. Mảng xuất khẩu gạo của Lộc Trời tăng khoảng 4 lần về sản lượng và doanh số so với năm ngoái.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng lương thực đã rút ngắn khoảng cách đáng kể với mảng thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời phụ thuộc gần 59% vào doanh thu thuốc bảo vệ thực vật, lương thực chỉ chiếm 27,5%. Sang năm 2021, tỷ lệ của nhóm thuộc bảo vệ thực vật giảm còn 49% khi mảng lương thực gia tăng mức đóng góp lên 39%.
Trung An đã trúng thầu những gói lớn như xuất khẩu gạo qua Hàn Quốc hay gói cung cấp hơn 25.400 tấn gạo cho Quỹ Dự trữ Quốc gia trong năm qua. Doanh nghiệp này trúng thầu tới 98% trên tổng số hạn ngạch 50.000 tấn mà Hàn Quốc dành cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Mức giá trúng thầu của cũng cao hơn 9-10% so với mức giá các doanh nghiệp khác.
Tương tự, lợi nhuận Vinaseed tăng cao chủ yếu nhờ mở rộng thêm thị trường và xuất khẩu gạo. Ngay đầu năm ngoái, Vinaseed trúng đơn hàng 60 tấn gạo thơm thượng hạng đầu tiên xuất khẩu sang Anh.
Tại thị trường trong nước, giãn cách xã hội trở thành thời cơ giúp tiêu thụ gạo tăng vọt. Chia sẻ với VnExpress, đại diện Công ty TNHH Gạo Hoa Sen cho biết, doanh số năm ngoái của công ty đã tăng 45%. Động lực tăng trưởng chính đến từ sức mua hàng tiêu dùng tăng vì dịch bệnh và kênh phân phối được mở rộng. Ngoài ra, công ty cũng đã thực hiện tốt công tác dự báo thị trường và quản trị rủi ro hiệu quả.
Về triển vọng năm nay, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo tiếp tục cải thiện chất lượng như tăng tỷ trọng gạo thơm và năng suất lúa tăng. Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thống kê cả nước có 89% gạo chất lượng cao.
VFA cho rằng, Việt Nam vẫn đảm bảo xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo cho năm nay. Trong tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đã tăng hai chữ số, đạt hơn 505.700 tấn và thu về hơn 246 triệu USD. Tuy nhiên, khó khăn chung của ngành sẽ là giá các loại vật tư nông nghiệp tăng mạnh, đặc biệt là phân bón. Điều này tạo gánh nặng chi phí đầu vào và hạ thu nhập người nông dân.
Về thị trường nội địa, đại diện Công ty Gạo Hoa Sen cho rằng, hành vi tiêu dùng đã thay đổi theo hướng quan tâm nhiều đến sức khỏe, nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Do đó, những dòng gạo chất lượng cao sẽ có nhiều triển vọng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các giống lúa chất lượng cao của Việt Nam như ST24, ST25... đạt nhiều giải thưởng cao trên trường quốc tế, cùng với tâm lý người Việt dùng hàng Việt sẽ là động lực cho tiêu thụ gạo năm nay. "Chúng tôi tin rằng, những yếu tố kể trên cùng chiến lược mở rộng kênh phân phối và logistic sẽ giúp ngành gạo thành công trong năm 2022", đại diện này nhấn mạnh.