Công nghệ số đang dần xóa mờ ranh giới địa lý và vật lý giữa các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Chính điều này khiến cho các ngân hàng phải quan tâm hơn nữa việc xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số, bên cạnh hoạt động của ngân hàng truyền thống.
Dịch Covid-19 bùng phát, thời gian giãn cách xã hội kéo dài đã tác động mạnh mẽ đến thói quen và hành vi người tiêu dùng, là động lực thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn.
Theo báo cáo của McKinsey, giai đoạn 2020-2021 lượng người dùng Việt sử dụng thường xuyên dịch vụ ngân hàng số tăng đến 82%. Trong đó, 43% người dùng quan tâm đến chuyển khoản, 21% chú ý đến vấn đề thanh toán. Một số nghiên cứu khẳng định việc người dùng thích ứng và tiếp cận nhanh các phương thức trực tuyến vẫn đang và sẽ được duy trì ngay cả khi đại dịch kết thúc.
Vì vậy, các ngân hàng thương mại, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới buộc phải chuyển đổi số để thích nghi, tồn tại trong cuộc cạnh tranh đầy khó khăn và khốc liệt hiện nay.
Báo cáo của KPMG cho biết, trong thập kỷ tới, ngành ngân hàng sẽ thay đổi nhiều hơn tất cả những gì đã diễn ra ở ngành công nghiệp này trong 100 năm qua. Các ngân hàng trong tương lai sẽ khai thác các cơ hội có sẵn trong các lĩnh vực lân cận như mua sắm, giáo dục, du lịch, ăn uống, giải trí,...tạo ra một hệ sinh thái mà lĩnh vực tài chính, ngân hàng đóng vai trò điều phối và thúc đẩy mọi sự phát triển.
Chỉ trong một năm qua, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của nhiều ngân hàng số. 93% nhà băng phản hồi khảo sát của Vietnam Report cho biết đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số, 80% đang số hóa các nghiệp vụ lõi và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin. Nếu không phát triển một lộ trình số hóa có chiến lược, tầm nhìn dài hạn và rõ ràng ngay từ bây giờ, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ sớm phải đứng ngoài cuộc chơi này trong tương lai gần.
Đến nay, nhiều ngân hàng đã thiết kế ứng dụng với giao diện thông minh và thân thiện với người dùng, triển khai chương trình miễn phí mở và duy trì thẻ, mở tài khoản ngân hàng trực tuyến bằng phương pháp định danh điện tử (eKYC), đi kèm nhiều chương trình khuyến mãi và quà tặng... Điều này phần nào cho thấy nỗ lực của các ngân hàng số trong cuộc đua cạnh tranh năng lực, cũng như thu hút thêm khách hàng. Tuy nhiên, yêu cầu và mong đợi của khách hàng sẽ ngày một cao hơn, từ đó thúc đẩy các Ngân hàng số phải nỗ lực đổi mới hơn bao giờ hết trong cuộc đua sôi động và đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội này.
Nhu cầu khách hàng ngày một đa dạng. Khái niệm "ngân hàng điện tử" hoặc "app ngân hàng" nhường chỗ để chào đón cuộc cạnh tranh còn khốc liệt hơn: sự "chào sân" của một loạt ngân hàng số. Khái niệm thay đổi mang đến những tư duy thay đổi. Người ta bắt đầu nhìn nhận "Ngân hàng số" không chỉ là một ứng dụng đơn thuần mà nó còn chứa cả một hệ sinh thái số hóa bên trong.
Trước đây, ngân hàng trực tuyến chỉ phục vụ một số giao dịch phổ biến thì nay, ngân hàng số cung cấp giải pháp tài chính toàn diện. Với "ngân hàng số", các nhà băng đều mang tham vọng phủ sóng toàn bộ, từ dân văn phòng, chủ doanh nghiệp đến cả giới trẻ, hay thậm chí cả người cao tuổi đều có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách dễ dàng.
Không nằm ngoài vòng quay chuyển của đổi số, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) chia sẻ quyết tâm xây dựng ngân hàng số trở thành hướng kinh doanh mũi nhọn để tăng trưởng lợi nhuận, phát triển song song cùng mô hình ngân hàng truyền thống.
"Thương hiệu ACB ONE sẽ góp phần xây dựng hình ảnh một ngân hàng trẻ trung, năng động, luôn sáng tạo và đổi mới trên thị trường", Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB khẳng định.
Theo ông Phát, dịch vụ ngân hàng số không chỉ giới hạn ở những tính năng ngân hàng thông dụng dành cho khách hàng cá nhân trên nền tảng website và ứng dụng mà còn được phát triển thêm những tính năng tài chính hiện đại khác như mở thẻ online; gửi tiết kiệm kỳ hạn tự chọn ngày đáo hạn mong muốn; rút tiền mặt tại ATM bằng QR code; chuyển khoản bằng QR code; mua bảo hiểm; ... giúp khách hàng chủ động hoàn toàn về thời gian, không gian trong các giao dịch hằng ngày, đúng với phương châm "Sống nhẹ thêm vui".
Với bài toán thân thiện người dùng, đại diện ACB cho biết họ giải quyết bằng cách tạo ra những giao diện tinh giản, dễ hiểu và gần gũi, hướng tới phục vụ đa dạng tệp khách. "Khi đó, kể cả người không rành công nghệ, người cao tuổi vẫn có thể tiếp cận", đại diện ngân hàng chia sẻ.
Nói về mục tiêu khi phát triển ngân hàng số, đại diện ACB cho biết trong tương lai gần, dịch vụ ngân hàng số còn giúp khách hàng tiếp cận các dịch vụ phi tài chính tại các "điểm chạm" xuyên suốt hành trình khách hàng. Các tính năng cũng sẽ được cá nhân hóa theo nhu cầu của mình, các giao dịch liền mạch tới mọi "điểm chạm" kết nối hệ sinh thái.