Mỹ - Nga đấu khẩu về vụ trục xuất phó đại sứ
Hôm 17/2, Mỹ cho biết Nga đã trục xuất quan chức ngoại giao cấp cao thứ 2 tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow. Chính quyền Tổng thống Joe Biden gọi đây là động thái leo thang trong thời điểm đang rất nhạy cảm về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo đó, Phó trưởng phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Moscow, ông Bart Gorman, sẽ có 2 tuần để rời khỏi nước Nga. Mỹ cho biết quan chức này đã rời đi vào tuần trước và trở lại Mỹ. Thông tin này đang được quan tâm nhiều hơn khi Mỹ liên tiếp cảnh báo Nga sắp sửa tấn công Ukraine bất chấp sự phản bác của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận việc Nga trục xuất ông Gorman và gọi đó là "vô cớ". "Chúng tôi coi đây là một bước leo thang và đang xem xét phản ứng lại", Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga đã chính thức lên tiếng về vụ việc. Ngày 18/2 theo giờ Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận Phó Đại sứ Mỹ Bartle Gorman đã được yêu cầu rời khỏi Nga.
Tuy nhiên, Moscow cho biết họ chỉ đáp trả lại hành động của Washington khi trục xuất một quan chức cấp cao của Đại sứ quán Nga tại Mỹ. Theo đó, việc trục xuất là để đáp lại việc Washington trục xuất vô cớ đối với một tham tán công sứ dù ông ấy đang giữ hàm ngoại giao cấp cao.
Nga cũng cho biết họ lên tiếng về lý do trục xuất phó Đại sứ Mỹ bởi truyền thông và phương Tây đang mô tả việc làm của Nga như hành động leo thang căng thẳng.
Hàng trăm vụ nổ súng ở miền đông Ukraine
Phái đoàn giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác tại châu Âu (OSCE), những người đang chịu trách nhiệm giám sát thỏa thuận ngừng bắn tại tại miền đông Ukraine, cho biết họ đã ghi nhận 189 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, trong đó có 128 vụ nổ tại Donetsk trong 24 giờ tính đến 19h30 ngày 16/2 theo giờ địa phương. Trong khi đó, 402 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn, trong đó 188 vụ nổ, cũng được phái đoàn ghi nhận tại Lugansk.
Trong khi đó, cả quân đội Ukraine và phe ly khai đều đổ lỗi cho nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Đụng độ giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai ở khu vực Donbass đã tăng nhiệt gần đây trong khi Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga đưa hơn 100.00 quân tới biên giới với Ukraine và âm mưu tấn công quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, Nga liên tiếp bác bỏ các cáo buộc và khẳng định mọi hoạt động quân sự của họ trên lãnh thổ chỉ là vấn đề nội bộ. Nga cũng cáo buộc Mỹ và NATO âm mưu mở rộng về phía Đông. Yêu cầu tiên quyết của Nga là Mỹ và NATO cam kết không kết nạp Ukraine và ngừng mở rộng về phía đông, điều mà Mỹ và đồng minh chưa đồng ý.
Ở thời điểm hiện tại, căng thẳng ở Ukraine vẫn liên tiếp tác động lên thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu. Trong khi Nga tuyên bố họ không có ý định tấn công Ukraine, Mỹ lại luôn cho rằng nguy cơ xung đột là rất cao.