Ghi nhận của VnExpress cho thấy hiện nay không còn những hoạt động "chạy nước rút" bán hàng cuối năm, nhiều công ty bất động sản đã "chốt sổ" giao dịch, thông báo nghỉ Tết sớm từ cuối tháng 12. Thời gian nghỉ Tết kéo dài đến hết tháng 2 năm sau mới hoạt động lại.
Chị Đức Hiền, chuyên viên kinh doanh tại một tập đoàn bất động sản lớn ở TP HCM, cho hay tập đoàn đã cắt giảm đến 70% nhân sự từ năm ngoái đến nay. Số nhân viên còn lại nhận 50% lương.
Chị cho biết lịch thông báo nghỉ Tết là đầu tháng 2/2024 và khoảng 20/2 sẽ đi làm lại. Nhưng thực tế những nhân viên kinh doanh như chị đã nghỉ Tết không lương từ đầu tháng 10 do chưa có việc để làm. Thời gian đi làm lại vẫn chưa chắc chắn, thường là khi có dự án mới công ty sẽ thông báo cho sale trở lại sàn. "Tình hình này có thể đến đầu quý II năm sau mới có việc", chị chia sẻ.
Tổng giám đốc một công ty bất động sản tại TP HCM cũng cho biết từ cuối quý III đến nay, đơn vị của ông gần như không có giao dịch nào. Càng duy trì hoạt động càng lỗ nên công ty cho nhân viên mảng kinh doanh nghỉ Tết sớm, bắt đầu từ 15/12. "Thời điểm đi làm lại có thể một tháng sau Tết hoặc lâu hơn tùy tình hình triển khai pháp lý cho dự án mới", ông nói.
Dù chưa thông báo chính thức, Công ty bất động sản Trần Anh cho hay doanh nghiệp đã cho khối kinh doanh nghỉ Tết từ giữa tháng 12, riêng khối vận hành thì trước ngày 15/1. "Hoạt động bán hàng kết thúc sớm nên doanh nghiệp cho nhân sự nghỉ sớm để vừa cơ cấu lại hoạt động, vừa giảm chi phí vận hành", lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Công ty bất động sản Thắng Lợi cũng thông báo cho nhân viên nghỉ Tết sớm hơn lịch nhà nước quy định. Cụ thể với khối văn phòng nghỉ từ cuối tháng 1/2024, còn với bộ phân kinh doanh, lịch nghỉ Tết sẽ sớm hơn và đi làm muộn hơn so với các khối khác từ 15-20 ngày.
Một số công ty khác như SG Holdings cũng cho cho nhân viên nghỉ Tết sớm từ ngày ngày 15/12 Âm lịch; hay công ty Asia New Time đang lên kế hoạch cho nhân viên nghỉ trước ngày 10/12 Âm lịch...
Đây là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản năm nay do thanh khoản thị trường kém, giao dịch nhà đất khó khăn. Lãnh đạo một sàn giao dịch nhà đất tại Đồng Nai cho hay nhiều tháng qua, không chỉ công ty của ông mà nhiều bên khác cũng không có nguồn hàng để bán, kể cả có hàng cũng không bán được. Doanh nghiệp hầu như không có nguồn thu, trong khi chi phí dù tiết giảm hết cỡ cũng mất cả tỷ đồng mỗi tháng. Vậy nên việc cho nhân viên nghỉ sớm cũng xem như để tiết giảm gánh nặng ngân sách.
"Thường giai đoạn cuối năm là dịp giao dịch bất động sản sôi động nhất, có những năm sale công ty còn trực chiến xuyên Tết. Nhưng 2 năm nay, mọi thứ đi ngược lại, chỉ mong năm sau khó khăn vơi bớt, tình hình thị trường khả quan hơn", ông tâm sự.
Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group, cho biết năm nay tình hình kinh doanh khó khăn, hầu như việc bán hàng cuối năm không mấy triển vọng nên doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ Tết sớm để giảm tải bộ máy chi phí. Đến nay, để duy trì được bộ máy hoạt động là một thách thức vô cùng lớn với doanh nghiệp. Thị trường rất khó khăn, tâm lý người mua dè dặt, cùng với nguồn hàng để phân phối khan hiếm càng khiến cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng năm nay nhiều doanh nghiệp ngành địa ốc đang lên kế hoạch tạm nghỉ sớm bởi không đủ lực để duy trì tiếp hoạt động, cũng có nơi định đóng cửa hẳn và con số này sẽ không nhỏ.
Số liệu từ Tổng cục thống kê chỉ ra, trong 10 tháng đầu năm, cả nước có hơn 1.000 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 3.850, giảm 50,2% so cùng kỳ. Từ giữa năm 2022 đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã cạn kiệt nguồn tài chính, buộc phải tạm ngừng hoạt động. Phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực này có nguồn lực mỏng, nguồn thu chủ yếu đến từ phí môi giới, nếu không bán được hàng không có nguồn thu.
Ông Đính còn cho biết thực trạng các doanh nghiệp bất động sản phải đối mặt hiện nay là ách tắt pháp lý khiến không có dự án mới triển khai bán hàng, không huy động được nguồn vốn, vay mượn khó khăn. Doanh nghiệp đang trong giai đoạn giãn hoãn nợ trái phiếu, thu xếp dòng tiền để trả nợ nên phải cân nhắc tiết kiệm chi phí hết mức có thể.
Không chỉ cho nhân viên nghỉ sớm, nhiều doanh nghiệp bất động sản năm nay cho biết khả năng cao là sẽ không có thưởng Tết. Đơn vị nào còn duy trì bán hàng thì cố gắng có tháng 13 hay "lì xì" thêm tượng trưng. Ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng đối diện thực tế khó có thưởng Tết vì theo báo cáo kinh doanh năm 2023, doanh thu đều không đạt. Một số doanh nghiệp vẫn đang phải tiếp tục cắt giảm nhân sự.
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ có những nét tươi sáng hơn trong các năm tới khi các chính sách vĩ mô có độ thấm, tâm lý người mua phục hồi tích cực hơn. Tuy nhiên, để đi đến bước phục hồi, bất động sản vẫn phải vượt nhiều khó khăn trong năm tới.
Bàn về tình hình năm sau, ông Thiện cũng cho rằng vẫn sẽ khó khăn nhưng không quá bi quan do có nhiều động lực để thị trường kiên trì đi qua "vùng bão".