Thị trường chứng khoán ngày 6-3 đảo chiều, giảm hơn 7 điểm sau gần 2 tuần "kéo xanh" liên tục. Thanh khoản duy trì ở mức khá cao với gần 28.000 tỉ đồng. Nếu không có việc sàn HoSE nghẽn lệnh phiên chiều, giá trị giao dịch còn cao hơn nữa, bởi có nhiều nhà đầu tư rất muốn mua gom cổ phiếu không đặt được lệnh.
Theo các chuyên gia, việc thị trường điều chỉnh để nghỉ ngơi là hợp lý sau giai đoạn phục hồi và tăng trưởng liên tiếp từ cuối năm ngoái đến nay.
Tăng miệt mài
Trao đổi tại talk show chứng khoán với chủ đề "Đón sóng nâng hạng chứng khoán" do Báo Người Lao Động tổ chức cùng ngày, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank, nhận định mức tăng khoảng 250 điểm (gần 25%) của VN-Index từ tháng 10 năm ngoái đến nay đã mang lại mức lợi nhuận khá cao cho các nhà đầu tư.
Đà tăng của thị trường xuất phát từ nhiều yếu tố hỗ trợ. Ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đua nhau hạ lãi suất huy động và cho vay. Các chỉ tiêu kinh tế có xu hướng tích cực dần về cuối năm.
Trên thị trường quốc tế, các nhà đầu tư kỳ vọng lớn nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu lộ trình giảm lãi suất; thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật liên tục lập đỉnh lịch sử… đã tác động tích cực tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bà Ngô Hương Thảo, chuyên gia tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cho rằng việc FED bắt đầu lộ trình giảm lãi suất sẽ góp phần giảm áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ. Chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước cũng kích thích dòng tiền chảy vào chứng khoán.
Những giải pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, trái phiếu để khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế cũng góp phần giúp nhà đầu tư tự tin vào một chu kỳ đi lên (up trend) của chứng khoán đã trở lại.
Đặc biệt, quyết tâm của Chính phủ, cơ quan quản lý về việc nâng hạng thị trường và đưa hệ thống KRX vào vận hành càng củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bà Thảo dẫn chứng nếu giai đoạn tháng 10 và 11 năm ngoái, thị trường chứng khoán diễn biến hết sức tiêu cực khi tỉ giá USD/VNĐ tăng nóng, nhà điều hành phải phát hành tín phiếu để hút VNĐ về nhằm ổn định giá USD trong nước.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tỉ giá đang khá nóng khi tỉ giá trung tâm vượt 24.000 đồng/USD, giá USD ở các ngân hàng thương mại xấp xỉ 25.000 đồng và giá USD tự do vượt 25.500 đồng nhưng thị trường chứng khoán gần như không bị tác động.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, phân tích tỉ giá VNĐ/USD từng chạm mốc 25.000 đồng/USD vào năm ngoái tác động tiêu cực tới chứng khoán nhưng bối cảnh hiện tại đã khác. Hiện có sự đồng thuận về chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ sau khi FED phát tín hiệu giảm lãi suất, chứ không còn lệch pha như giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế năm 2024 sáng hơn khi Việt Nam là điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng khả quan hơn.
"Động thái mua ròng cổ phiếu trở lại của khối ngoại khoảng 2 tuần trở lại đây dù chưa hoàn toàn tích cực nhưng ít nhiều khiến cho nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu nhìn ra cơ hội tăng trưởng của thị trường Việt Nam" - ông Minh nói.
Theo số liệu thống kê, trong khoảng 4 năm (2020 - 2023), khối ngoại chỉ mua ròng 1 năm, còn lại bán ròng. Riêng năm 2023, lượng bán ròng rất lớn. Do đó, động thái mua ròng trở lại của khối ngoại là yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường.
Nâng hạng để hút vốn ngoại
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ thị trường chứng khoán năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ ngành cần quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp để Việt Nam nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025.
Bởi theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, chứng khoán Việt Nam có thể thu hút 25 tỉ USD vốn đầu tư gián tiếp từ các nhà đầu tư quốc tế đổ vào cho tới năm 2030.
Ông Phan Dũng Khánh cũng nhất trí rằng một trong những lợi ích lớn nhất của việc nâng hạng chính là thu hút thêm dòng vốn ngoại. Bởi tỉ trọng giao dịch của khối ngoại hiện chỉ chiếm khoảng 10% - 15% toàn thị trường, trong khi con số này trước đây luôn là 30% - 40%.
"Để tạo sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán nhằm đáp ứng điều kiện nâng hạng, cần bổ sung thêm hàng hóa chất lượng là các DN ở những nhóm ngành công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh, sạch… góp phần thu hút vốn ngoại" - ông Khánh nói.
Làm sao để hấp thụ được hàng tỉ USD vốn ngoại chảy vào thị trường và DN khi nâng hạng cũng là một bài toán. Hiện tại, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều DN niêm yết là rất thấp, ở các DN có tỉ lệ vốn ngoại cao lại nảy sinh không ít tranh chấp.
Bà Ngô Hương Thảo cho biết gần đây có đề xuất liên quan chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có thể là bước đi giúp thị trường linh hoạt hơn. Đồng thời, cần cải thiện chất lượng của DN trên sàn, đồng nhất trong công bố thông tin giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu trong nước để vốn ngoại chảy vào mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh phân tích lộ trình nâng hạng chứng khoán của Việt Nam còn đang vướng ở khâu kỹ thuật như xem xét của các quỹ chỉ số, xem xét về vốn hóa, thanh khoản, tỉ lệ cổ phiếu nhà đầu tư có thể mua bán được, tỉ lệ nhà đầu tư nước ngoài…
Khi nâng hạng, tiêu chí về vốn hóa, thanh khoản sẽ là điểm cộng cho những cổ phiếu vốn hóa lớn, các nhóm ngành có giá trị vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, sản xuất thực phẩm, vận tải.
Nâng hạng cũng sẽ tác động đến thanh khoản của thị trường, thanh khoản của cổ phiếu vốn hóa lớn khi các quỹ đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều hơn.
Cùng với việc nâng hạng, hệ thống KRX mới đang được thử nghiệm cũng đem lại nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư. Ông Minh cho rằng hệ thống KRX không phải "cây đũa thần" giúp nâng hạng thị trường nhưng khi hệ thống này vận hành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu về giao dịch quy mô lớn, gia tăng thêm sản phẩm về phái sinh, từ đó hỗ trợ quá trình nâng hạng; tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài và cá nhân khi giao dịch, tránh tình trạng nghẽn lệnh như trong quá khứ.
Vẫn có rủi ro
Dù thị trường chứng khoán tăng liên tục nhưng có đặc điểm là tài sản của nhiều nhà đầu không tăng, thậm chí lỗ. Theo các chuyên gia, điều này xuất phát từ việc thị trường đi lên chủ yếu tăng mạnh ở các nhóm cổ phiếu trụ, cổ phiếu vốn hóa lớn và đà tăng luân phiên giữa các dòng cổ phiếu, thay vì tăng đồng loạt.
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng sau nhiều tháng tăng liên tiếp, áp lực chốt lời là khó tránh khỏi và nhà đầu tư sẽ có tâm lý "chỉ chờ có thông tin xấu là bán ra".
Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy lượng tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng năm 2023 ở mức cao nhất trong lịch sử. Bức tranh những tháng đầu năm 2024 cũng tương tự, khi lãi suất thấp nhưng tiền gửi ngân hàng vẫn cao.
Ông Phan Dũng Khánh nhận định diễn biến này cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại những kênh đầu tư như chứng khoán, vàng... tăng nóng nên không dám đổ quá nhiều tiền vào.
"Thanh khoản trên thị trường đang tốt dần lên nhưng nếu so với thời kỳ đỉnh VN-Index ở vùng 1.500 điểm, thanh khoản lên tới 1,5 tỉ USD/phiên thì giá trị giao dịch hiện tại vẫn còn cách xa. Nhà đầu tư cần lưu ý điều này để không quá hưng phấn với thị trường. Xu hướng chung vẫn là tích cực nhưng sẽ có những đợt giảm bất ngờ" - ông Khánh nói.