Reuters dẫn nguồn từ De Telegraaf (Hà Lan) rằng chính phủ nước này đang đàm phán với nhà sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới ASML, trong đó yêu cầu công ty đảm bảo không chuyển sang quốc gia khác hoặc mở rộng ra nước ngoài do chính sách chống nhập cư.
Nguồn tin cho biết kế hoạch của ASML có tên "Chiến dịch Beethoven", trong đó công ty lo ngại về môi trường kinh doanh ở Hà Lan, gồm vấn đề giảm thuế cho người nước ngoài và các quy định về di cư lao động. Do đó, công ty đang xem xét các lựa chọn để mở rộng ra nước ngoài để tăng năng lực sản xuất.
Chẳng hạn, ASML dự định mở rộng năng lực sản xuất lên 600 hệ thống in thạch bản tia cực tím sâu (DUV), 90 máy in thạch bản cực tím (EUV) Low-NA và 20 máy EUV High-NA mỗi năm vào 2025 và 2026. Nếu chỉ hoạt động ở Hà Lan, công ty lo ngại không thể đạt mục tiêu trên.
Giới chuyên gia nhận định tầm quan trọng của ASML đã vượt ra ngoài phạm vi kinh tế, vì họ gần như là công ty duy nhất sản xuất các hệ thống DUV và EUV tiên tiến - những công cụ đặc biệt quan trọng để sản xuất chip. Họ được ví như "điểm nghẽn" trong ngành bán dẫn do không có đối thủ trên thị trường.
Trả lời Reuters, Bộ trưởng các vấn đề kinh tế của Hà Lan Micky Adriaansens cho biết sẽ gặp CEO ASML Peter Wennink tại The Hague tuần này. "Tôi không biết liệu họ có rời Hà Lan hay không", bà Adriaansens nói. "Họ muốn phát triển. Điều đó gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của chúng tôi. Đó là lý do chúng tôi đang trao đổi với họ một cách kỹ lưỡng. Bởi chúng tôi muốn hiểu liệu đây có phải là điều chúng tôi có thể giải quyết được hay không".
ASML từ chối bình luận.
ASML cũng từng ngụ ý rằng môi trường Hà Lan đang trở nên không phù hợp. Hồi tháng 1, Wennink cảnh báo công ty đang phụ thuộc rất nhiều vào lao động nước ngoài có tay nghề cao. Trong khi đó, việc các đảng có xu hướng chống nhập cư ở Hà Lan giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2023 khiến công ty gặp nhiều thách thức về nhân sự.
Vào tháng 2, tại một sự kiện ở The Hague, Wennink cũng nói ông lo ngại môi trường kinh doanh ở Hà Lan "đang trở nên tồi tệ". "Một số yếu tố đã giúp chúng tôi thành công ty vĩ đại. Nhưng giờ đây, chúng tôi lại chịu áp lực bởi chính các yếu tố đó", ông nói.
Theo thống kê của ASML, 40% trong số 23.000 nhân viên công ty không phải là người Hà Lan. Họ cũng nhập linh kiện từ khắp nơi trên thế giới, sau đó phát triển ở Veldhoven trước khi vận chuyển sản phẩm cuối đến các nhà sản xuất chip toàn cầu.
Một số nguồn tin tiết lộ Pháp có thể là điểm đến của ASML.