Kỹ năng sống

Hai biện pháp giúp giảm tác hại của khói thuốc

TS.BS Phạm Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K Trung ương, cho biết hút thuốc lá được xác định là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý, bao gồm ung thư, tim mạch và bệnh hô hấp. Trong đó, nguyên nhân chính gây bệnh là các độc chất được tạo ra trong quá trình đốt cháy điếu thuốc để sản xuất khói. Do đó, nguy cơ mắc các bệnh do thuốc lá sẽ giảm đi khi không tiếp xúc với khói thuốc và không hút thuốc.

Theo bệnh viện K, những người bỏ thuốc trước tuổi 40 làm giảm 90% nguy cơ chết sớm do những bệnh liên quan đến hút thuốc. Nếu bỏ thuốc ở tuổi 45-54, bệnh nhân có thể giảm 2/3 nguy cơ tử vong sớm. Bất kỳ độ tuổi nào, những người bỏ thuốc sẽ tăng thời gian sống so với những người hút thuốc.

Nếu người hút đã nghiện thuốc lá và mắc bệnh ở giai đoạn nặng, sẽ đẩy nhanh tiến trình suy giảm chức năng hô hấp và phát triển ung thư. Do đó, vấn đề cai thuốc lá rất quan trọng.

Khói thuốc gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ảnh: Shutterstock

Khói thuốc gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ảnh: Shutterstock

Dù cai thuốc lá sẽ đem lại nhiều lợi ích, tỷ lệ bỏ thuốc lá thực tế không đạt kỳ vọng của nhiều quốc gia, trong đó những nước phát triển như Mỹ. Lý do là khi đột ngột bỏ hút thuốc lá, người muốn cai nghiện gặp phải các triệu chứng như: rối loạn cảm xúc và giấc ngủ, cảm thấy bứt rứt, hay cáu gắt, nổi giận, cảm giác sốt ớn lạnh... Khi thất bại, mọi người có xu hướng hút thuốc trở lại với liều lượng cao hơn. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ năm 2022 thống kê khoảng 30-50% người hút thuốc tại Mỹ từng cố gắng bỏ thuốc, chỉ 7% thật sự thành công.

Theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá của 34 tỉnh, thành phố do Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) thực hiện trong năm 2019-2020, tỷ lệ cai nghiện thuốc lá tại Việt Nam khoảng 9,5%, trong khi tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc là 21,7%.

"Nếu so số liệu hiện tại với số liệu 5 năm trước đây thì chỉ giảm được khoảng 1%. Trong khi tỷ lệ người hút thuốc lá cai nghiện thành công rất thấp, tỷ lệ ghi nhận bệnh nhân nhập viện do ung thư, tim mạch cũng như là bệnh phổi liên quan đến hút thuốc có xu hướng gia tăng", bác sĩ Tuấn Anh nói.

Do đó, việc sử dụng các giải pháp thay thế được bác sĩ Tuấn Anh đánh giá "tiềm năng" hơn cho những người muốn cai nghiện thuốc lá, giúp giảm tác hại của khói thuốc đến người dùng và cộng đồng. Các sản phẩm thay thế nicotine hiện có nhiều hình thức khác nhau, ví dụ miếng dán thấm qua da, thuốc xịt, kẹo cao su và viên ngậm... Tuy nhiên, các sản phẩm này còn nhiều hạn chế như chưa giúp tăng tỷ lệ cai thuốc thành công, chưa giúp từ bỏ thói quen hút thuốc, khả năng gây tái nghiện cao.

Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo người muốn cai nghiện sử dụng sản phẩm thay thế nicotine, không khói và duy trì thăm khám. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo người muốn cai nghiện sử dụng sản phẩm thay thế nicotine, không khói và duy trì thăm khám. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ đây, bác sĩ Tuấn Anh cho rằng các giải pháp giảm tác hại thế hệ tiếp theo cần giải quyết được vấn đề ở tập tính của người hút thuốc và tác hại của khói thuốc lá. Biện pháp cai nghiện nên đi theo hướng tiếp cận giúp giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong do hút thuốc lá gây ra. Trong đó, cần xem xét hai nhóm đối tượng gồm những người hút thuốc có mong muốn và ý chí quyết tâm cai thuốc lá hoàn toàn và nhóm chưa muốn cai, chỉ muốn giảm tác hại hoặc cai không thành công.

"Lý tưởng nhất là tất cả mọi người hút thuốc đều cai được thuốc lá. Tuy nhiên, nếu đã xác định người hút thuốc thuộc nhóm đối tượng thứ hai thông qua nguyện vọng người hút thuốc cũng như lịch sử cai thuốc, cần xem xét cho họ giảm tác hại bằng những giải pháp thay thế nicotine bất kể đó là các loại kẹo ngậm, miếng dán hay các sản phẩm thuốc lá không đốt cháy, miễn là họ hợp tác chuyển đổi, ngưng thuốc lá điếu và duy trì thăm khám", bác sĩ Tuấn Anh nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm