Tài chính

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định lạm phát đã gần đạt đỉnh, các NHTW đang phạm phải sai lầm lớn khi tăng lãi suất

Chúng tôi vẫn chưa từ bỏ hi vọng giành chiến thắng trong cuộc tranh luận về lạm phát. Đó là thông điệp được gửi gắm tới tất cả mọi người từ Chủ tịch Cực dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell – người dự đoán những đợt tăng giá do đại dịch sẽ sớm kết thúc. 

Với lạm phát đang phá vỡ kỷ lục ở nhiều nơi trên khắp thế giới, lập luận này đang trở nên hết sức mong manh. Lạm phát ở Eurozone đã vượt 8%, ở Mỹ con số cũng tương tự. Nhưng vẫn còn khá nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cú sốc về giá sẽ sớm chấm dứt, vì các điểm tắc nghẽn trên chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết và giá năng lượng sẽ ổn định trở lại. Do đó họ cảnh báo rằng các NHTW đang phạm phải 1 sai lầm lớn khi quá mạnh tay tăng lãi suất. Dưới đây là một số lập luận mà nhóm này đưa ra. 

Quá chặt? 

Các NHTW khẳng định họ có thể tăng lãi suất ở tốc độ mà cho phép nền kinh tế đạt được trạng thái "hạ cánh mềm". Trong khi đó những người hoài nghi lo ngại siết chặt chính sách tiền tệ quá mức sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái, dẫn đến kết quả là lạm phát vượt các mục tiêu đề ra.

 Trong lịch sử đã có những trường hợp tương tự. Năm 2011, NHTW châu Âu (ECB) tăng lãi suất nhưng sau đó đã buộc phải đảo chiều chính sách ngay lập tức. Năm 2006, NHTW Nhật Bản tăng lãi suất để rồi phải hạ lãi suất vào năm 2008. 

Áp lực chuỗi cung ứng 

Những điểm tắc nghẽn trên chuỗi cung ứng hối thúc các nhà bán lẻ tích trữ thêm hàng hóa để đảm bảo cung có thể theo kịp cầu. Nhưng với các dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng ngày càng thận trọng với kịch bản tăng lãi suất, cung có thể vượt cầu và tạo ra áp lực giảm giá. 

 Theo dữ liệu mà Bloomberg tổng hợp từ các công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh vào cuối tháng 5, giá trị hàng tồn kho của các công ty trong chỉ số S&P 500 thuộc ngành hàng tiêu dùng và có giá trị vốn hóa tối thiểu 1 tỷ USD đã tăng 44,8 tỷ USD, tương đương 26%. 

 Các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley cảnh báo nguy cơ dư thừa hàng tồn kho đang ngày càng tăng lên, đặc biệt trong các ngành như hàng công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu. 

Thị trường nhà đất 

Tại nhiều nước giá nhà đã tăng mạnh trong đại dịch, một phần do lãi suất giảm xuống mức thấp kỷ lục và các NHTW ồ ạt bơm tiền. Mặc dù không phải lúc nào giá nhà cũng có mặt trong rổ hàng hóa tính toán chỉ số lạm phát, giá thuê nhà luôn có mặt trong rổ. 

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định lạm phát đã gần đạt đỉnh, các NHTW đang phạm phải sai lầm lớn khi tăng lãi suất - Ảnh 1.

Trong đại dịch, giá nhà ở tăng ở rất nhiều nơi trên thế giới

Vì lạm phát tăng mạnh trong năm 2021, chi phí đi vay đã bắt đầu tăng lên. Giờ đây có nhiều dấu hiệu cho thấy giá nhà đang hạ nhiệt. Mức tăng giá bất động sản trên toàn cầu đã giảm xuống còn 4,6% trong quý IV/2021, so với mức 5,4% của quý trước đó. 

Hiệu ứng Trung Quốc 

Đà suy giảm của kinh tế Trung Quốc – mà một phần do các biện pháp mới được áp dụng để kiềm chế dịch bệnh – sẽ là 1 cú sốc giảm phát lớn đe dọa kinh tế toàn cầu. Giá hàng hóa sẽ chịu tác động rõ nhất, vì Trung Quốc là người mua lớn nhất đối với nhiều mặt hàng từ kim loại nặng đến nông sản và năng lượng. 

 Bloomberg Economics tính toán nếu sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm 1% có thể khiến giá dầu thế giới giảm 5%. Trung Quốc là nước nhập khẩu quặng sắt nhiều nhất thế giới, và chiếm 40% nhu cầu đồng, 30% nhu cầu nickel, kẽm và thiếc của toàn thế giới. 

Ví dụ Nhật Bản 

Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với hiện tượng giảm phát với lạm phát liên tục duy trì ở mức thấp dù nước này đã áp dụng nhiều biện pháp để lạm phát quay trở lại. Vẫn còn quá sớm để nói rằng lần này sẽ khác. Mới đây chỉ số giá tiêu dùng đã chạm mốc mục tiêu 2% mà NHTW nước này đề ra. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá năng lượng tăng cao, nhưng vì mức tăng tiền lương rất hạn chế nên người tiêu dùng vẫn tỏ ra thận trọng. NHTW Nhật Bản vẫn tiếp tục kiên trì với các biện pháp kích thích kinh tế dựa trên nhận định lạm phát chỉ là hiện tượng tạm thời. 

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định lạm phát đã gần đạt đỉnh, các NHTW đang phạm phải sai lầm lớn khi tăng lãi suất - Ảnh 2.

Nếu loại bỏ thực phẩm và năng lượng, lạm phát ở Nhật Bản vẫn ở mức dưới 1%.

"Tôi dự đoán thế giới sẽ chuyển từ lạm phát cao kỷ lục sang không còn lạm phát và thậm chí là còn có áp lực giảm phát", Takahide Kiuchi, chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura và là cựu lãnh đạo của BoJ nhận định. "Lạm phát sẽ giảm xuống vì các nước siết chặ chính sách tiền tệ trong khi kinh tế suy giảm. Xu hướng giá cả chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tiềm năng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, và đà tăng đang bị suy yếu vì Covid-19 và tình hình ở Ukraine".

Kỳ vọng lạm phát

Theo các chuyên gia kinh tế tại Viện kinh tế quốc tế Peterson, sự thay đổi trong kỳ vọng về lạm phát dài dạn – mà chủ yếu là do chính sách tốt hơn của các NHTW – là 1 trong những lý do khiến lạm phát sẽ không kéo dài. Công chúng dự đoán cuối cùng thì lạm phát cũng sẽ quay trở lại mức bình thường dù hiện đang tăng vọt trong ngắn hạn. Chính kỳ vọng này giúp ổn định lại lạm phát. 

Dù xu hướng tăng giá đã kéo dài suốt 1 năm, kỳ vọng lạm phát dài hạn vẫn không cao hơn là bao so với 1 thập kỷ trước. Trong khi đó, vài tuần gần đây các nhà đầu tư trái phiếu đã hạ kỳ vọng của họ về lạm phát.

Hiệu ứng cơ sở 

Một vài trong số các đợt tăng giá gần đây được khuếch đại bởi hiện tượng gọi là "hiệu ứng năm cơ sở". Lạm phát ở mức cao khi chỉ số này được tính toán dựa trên so sánh với thời kỳ trong dịch, khi nền kinh tế khựng lại và các loại chi phí giảm rất mạnh. Không lâu nữa, hiệu ứng này sẽ không còn. Các khu vực dựa vào năng lượng nhập khẩu, ví dụ như châu Âu, sẽ chứng kiến lạm phát giảm mạnh hơn những khu vực khác nếu như giá dầu mỏ và khí đốt nhanh chóng hạ nhiệt.

Lạm phát đã đạt đỉnh? 

"Giá hàng hóa sẽ bắt đầu giảm", Priyanka Kishore, chuyên gia của Oxford Economics dự báo. "So với lịch sử thì vẫn ở mức cao nhưng không có nhiều khả năng lạm phát sẽ tiếp tục tăng". Bà dự báo đến giữa năm 2023, giá nhiên liệu và năng lượng sẽ giảm 10% - 15% so với 1 năm trước.

Tham khảo Bloomberg


Cùng chuyên mục

Đọc thêm