Giá ca cao, nguyên liệu chính để làm sôcôla, ngày càng trở nên đắt đỏ và đã tăng vọt 136% trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2024. Nguyên nhân chủ yếu do biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng bất thường và khắc nghiệt hơn ở các đồn điền trồng ca cao quy mô lớn ở Tây Phi, nơi cung cấp phần lớn nguồn cung ca cao trên toàn thế giới.
Mùa vụ 2023 - 2024 dự kiến sẽ cho sản lượng ca cao thấp hơn 374.000 tấn so với thông thường. Đây là một con số giảm mạnh so với mùa trước, vốn đã thấp hơn 74.000 tấn so với mức bình quân.
Mặc dù sôcôla không phải là nhu yếu phẩm, nó vẫn là một mặt hàng quan trọng toàn cầu. Những tác động lan tỏa của việc thu hoạch ca cao kém sẽ rất đáng kể.
Ở các quốc gia nhiệt đới có tốc độ tăng dân số nhanh chóng, sự gián đoạn trong nông nghiệp do biến đổi khí hậu gây ra có thể làm tăng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, giảm khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của những nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Nhiệt độ tăng 1% so với năm trước được cho là sẽ làm tăng chi phí sản xuất lương thực khoảng 0,5 - 0,8% ở các nền kinh tế Đông Nam Á. Trong đó, các đợt nắng nóng cực độ ở Thái Lan và Việt Nam những năm gần đây khiến giá cả tăng vọt khoảng 5 - 6%.
Và đó chỉ là một những ví dụ về hiện tượng "heatflation", một từ mới do giới truyền thông đặt ra, kết hợp giữa "heat" - cái nóng và "inflation" - lạm phát.
Trời nóng, giá tăng
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Communications Earth & Environment, biến đổi khí hậu có thể khiến giá thực phẩm tăng thêm 1,5 - 1,8 % hàng năm vào giữa thập kỷ tới. Dự kiến lạm phát chung sẽ tăng 0,8 - 0,9 % hàng năm tới năm 2035 do biến đổi khí hậu.
Trong ngắn hạn, những cú sốc giá bất thường cũng có thể xảy ra do tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng khắc nghiệt gia tăng. Các chuyên gia tính toán mức nhiệt độ trung bình tăng lên dự kiến vào năm 2035 có thể gây ra các đợt nắng nóng với tác động lên giá cả lớn hơn 30 - 50% so với đợt nắng nóng ở châu Âu năm 2022.
Xa hơn trong tương lai, dự kiến đến năm 2060, lạm phát do biến đổi khí hậu sẽ làm tăng giá thực phẩm thêm 2,2 - 4,3 % hàng năm, tùy thuộc vào kịch bản phát thải, và đẩy lạm phát chung lên 1,1 đến 2,2 % mỗi năm.
Max Kotzm, tác giả của nghiên cứu, cho biết nhóm của ông đã so sánh dữ liệu giá cả hàng tháng của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ ở 121 quốc gia từ năm 1996 đến năm 2021, cùng với điều kiện thời tiết mà các nước đó phải đối mặt.
"Chúng tôi phát hiện lạm phát vì biến đổi khí hậu có thể cảm nhận rõ rệt ở những nơi vốn đã nóng nực, đặc biệt ở các nước nghèo và đang phát triển", Kotzm nói.
Đây không phải là nghiên cứu duy nhất liên quan đến biến đổi khí hậu và lạm phát. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cảnh báo biến đổi khí hậu đang diễn ra có thể gây ra những cú sốc lạm phát thường xuyên và có thể khiến chính phủ Ấn Độ phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ngân hàng cho biết cả nhiệt độ trung bình tăng và thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn đều có tác động lan tỏa đến nền kinh tế trong cả nước.
Nhà kinh tế Alla Semenova của Đại học Bắc Texas đã xuất bản một bài báo trên tạp chí Toàn cầu hóa, trong đó tìm thấy bằng chứng tương tự cho thấy lạm phát sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các sự kiện do biến đổi khí hậu gây ra - đặc biệt là các đợt nắng nóng, cháy rừng và bão dữ dội trở nên phổ biến hơn.
Tiết kiệm để "hạ nhiệt"
Trong khi đó, lãng phí thực phẩm cũng là một trong những nguyên nhân gây phát thải khí nhà kính, gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu và khiến giá thực phẩm gia tăng.
Theo một báo cáo lần đầu tiên định lượng khí thải nhà kính, thực phẩm bị bỏ đi tại các bãi rác sau khi phân hủy trở thành nguồn phát thải khí mê-tan ngày càng lớn ở Mỹ. Cắt giảm chất thải từ thực phẩm là cách tốt nhất để giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh này.
Bang California của Mỹ đã yêu cầu các siêu thị phải cho tặng, không vứt bỏ những thực phẩm không bán được nhưng vẫn có thể ăn được.
Tại Vương quốc Anh, một thiết bị được gọi là Winnow Vision giúp thu thập kết quả đo khối lượng các thùng đựng rác thải thực phẩm và thông tin từ nhân viên nhà bếp về loại thức ăn đã vứt bỏ. Sau đó, thuật toán phân tích dữ liệu tiến hành đánh giá lượng thực phẩm đã bị lãng phí, trên cả phương diện chi phí và tác động đối với môi trường.
Các cửa hàng tạp hóa tại London thậm chí ngừng dán nhãn "hạn sử dụng" trên trái cây và rau quả, nhằm gỡ rối cho câu hỏi "còn ăn được không?".
Tại Australia, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghệ (CSIRO) đã thử nghiệm thành công biến súp lơ và bông cải xanh bỏ đi thành thuốc bổ. Nhu cầu về các chất bột và chất bổ sung giàu dinh dưỡng sẽ tạo ra thị trường mới cho các loại rau quả, giúp giải quyết vấn đề chất thải nông nghiệp, góp phần giải quyết được tình trạng bỏ phí như hiện nay.
Pháp cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ sáng kiến “tủ lạnh đoàn kết”, nơi các chủ nhà hàng để món ăn còn thừa hay những thực phẩm như sữa, các loại nước uống, trái cây, rau quả hay đồ hộp không bán hết cho ai có nhu cầu đều có thể lấy về dùng.
Mô hình này không những làm giảm lãng phí thực phẩm mà còn chứa thông điệp ý nghĩa. Đó là giúp đỡ những người khó khăn để có những bữa ăn đầy đủ hơn.
Trong khi đó ở châu Á, ngành nông nghiệp thực phẩm là nguồn phát thải carbon khổng lồm nhưng tin vui là khu vực có khả năng cắt giảm 12% lượng khí thải vào năm 2030.
Trong nhiều nỗ lực, các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng cải thiện hệ thống quản lý rác thực phẩm và làm cho nó trở nên thân thiện hơn với môi trường.
SOS, một tổ chức giải cứu lương thực đầu tiên ở Thái Lan, đặt mục tiêu phân phối 25 triệu bữa ăn vào năm 2025 bằng cách tăng cường hoạt động và năng lực qua việc thành lập một ngân hàng thực phẩm và các điểm phân phối trên khắp Thái Lan.
Đại học Quốc gia Singapore đang khám phá tiềm năng biến chất thải thực phẩm thành nguồn điện, đặc biệt là khi tình trạng lãng phí thực phẩm là không thể tránh khỏi trong quá trình sản xuất.
Ở Việt Nam, Liên hiệp quốc đã đề xuất việc triển khai kiểm toán năng lượng, để giúp các nhà sản xuất xác định tiềm năng tiết kiệm điện.