Doanh nghiệp

Nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ tăng mạnh

Tóm tắt:
  • Nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ tăng 40,2% trong tháng 4, đạt 1,57 tỉ USD.
  • Tổng kim ngạch 4 tháng qua đạt 5,66 tỉ USD, tăng 25,78% so với năm trước.
  • Nhóm hàng chủ yếu là máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng 58,26%.
  • Nhu cầu nhập khẩu nông sản và thiết bị điện từ Mỹ dự báo tiếp tục tăng mạnh.
  • Giảm thuế nhập khẩu sẽ thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Mỹ một cách hiệu quả.

Hàng nhập từ Mỹ tăng hơn 40% trong tháng 4

Số liệu thống kê Cục Hải quan vừa công bố cho thấy trong tháng 4, cả nước chi 1,57 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Kết quả này tăng tới gần 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đạt 5,66 tỉ USD, tăng 25,78% so với cùng kỳ năm 2024 (tương đương kim ngạch tăng 1,16 tỉ USD). Trong đó, nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của VN từ Mỹ là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch đạt 1,82 tỉ USD, tăng 58,26%.

Nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ tăng mạnh- Ảnh 1.

Với chiến lượng tăng đầu tư vào ngành điện, VN có nhu cầu nhập khẩu thiết bị, tuabin điện gió, hệ thống truyền tải điện lớn từ Mỹ

ẢNH: NG.NGA

Đặc biệt, Mỹ hiện là thị trường cung ứng mặt hàng đậu tương cho VN lớn nhất với hơn 414.000 tấn, trị giá hơn 186 triệu USD, tăng mạnh 47% về lượng và tăng 19% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá đậu nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024, đạt 451 USD/tấn, tương ứng mức giảm 19%. Hiện thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng khô dầu đậu tương từ Mỹ vào nước ta đã được giảm từ 1 - 2% xuống 0%. Theo các chuyên gia nông nghiệp, đậu tương còn là nguyên liệu cho sản xuất dầu ăn, thực phẩm chức năng, và thậm chí là mỹ phẩm. Tuy nhiên, tại VN vẫn chủ yếu phục vụ ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm công nghiệp. Nếu các nhà sản xuất đẩy mạnh sử dụng nguyên liệu này để mở rộng sản xuất các mặt hàng thực phẩm chức năng, đồ chay… xuất khẩu, chắc chắn nhu cầu còn tăng nữa.

Các số liệu nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về VN trong 4 tháng qua tăng mạnh cho thấy thiện chí tăng mua hàng Mỹ của VN được thay đổi rõ rệt. Điều này hoàn toàn đúng với khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi tiếp đoàn Quốc hội Mỹ ngày 7.5 vừa qua, VN sẵn sàng đàm phán thuế quan với Mỹ vì lợi ích của nhân dân và doanh nghiệp hai nước, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững. Đây cũng là cơ hội để VN tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

VN có nhu cầu mua máy móc, thiết bị năng lượng, nông sản, máy bay…

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, đã chủ trì buổi làm việc với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn của VN như PVN, Petrolimex, PV Gas, EVN, TKV, Vinachem, Vietnam Airlines, Vietjet, THACO Industry, Viettel, VNPT… Trong những năm qua, các tập đoàn này đã nhập khẩu rất lớn các sản phẩm như máy bay, máy móc, trang thiết bị, tuabin cho nhà máy điện khí, hệ thống truyền tải điện, chip GPU, nguyên nhiên vật liệu… từ Mỹ, trị giá lên tới nhiều tỉ USD.

Qua thông tin về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của các tập đoàn lớn cung cấp, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định VN hiện có nhu cầu mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, dịch vụ từ Mỹ với số lượng lớn, giá trị cao và ổn định. Các nhóm hàng cụ thể như máy bay, tuabin cho nhà máy điện khí, hệ thống truyền tải điện, chip GPU… "Đây đều là những sản phẩm phía Mỹ có thế mạnh và VN có nhu cầu. Tuy nhiên, trao đổi thương mại giữa hai nước chưa thực sự tương xứng tiềm năng", Bộ trưởng nhận xét và cho rằng cả hai bên đều cần khẩn trương rà soát, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc mua bán các sản phẩm thiết yếu, bổ sung cho nhu cầu hàng hóa của nhau.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP.HCM, VN đang có nhu cầu đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu các mặt hàng điện, điện tử… Đối tác yêu cầu về nguyên liệu chất lượng cao, thì việc chọn mua nguyên vật liệu từ Mỹ là tối ưu. Hiện do cước vận tải cao, nên nếu thuế nhập khẩu các mặt hàng này về 0% thì chắc chắn nhập khẩu nhóm hàng này sẽ tăng. Việc này vừa đáp ứng yêu cầu của đối tác, vừa góp phần cân bằng thương mại giữa VN và Mỹ.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, cho biết một số mặt hàng nông sản, trái cây, thịt từ Mỹ vào VN tăng mạnh trong tháng 4, giúp kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản từ Mỹ trong 4 tháng qua tăng mạnh. Đây là thông tin đáng chú ý và cần được đẩy mạnh bằng chính sách cụ thể hơn. Chẳng hạn, nhu cầu tiêu thụ một số mặt hàng trái cây sang Mỹ rất cao như: táo, cherry, nho… trong khi thuế nhập khẩu cao nhất lên đến 20%. Nếu nhóm hàng này được giảm thuế nhập về 0%, chắc chắn nhập khẩu nông sản trái cây từ Mỹ đạt hơn 1 tỉ USD trong nay mai. 

"Hiện tại, VN nhập khẩu lượng lớn đậu tương (đậu nành), bắp, trái cây, thịt heo, thịt gà đông lạnh từ Mỹ. Nhu cầu tiêu thụ của người dân là có thật và VN là thị trường tiềm năng cho trái cây Mỹ, kỳ vọng các nhà làm chính sách cân nhắc yếu tố này. Thứ 2, với nhóm hàng đậu nành, tiêu thụ nhóm hàng này tiếp tục tăng và sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được chưa đầy 15% lượng tiêu thụ. Nhiều nhà sản xuất cũng đã tìm vùng nguyên liệu để trồng nhưng không đủ nên đa số phụ thuộc nhập từ Mỹ. Đậu nành đâu chỉ để làm thức ăn chăn nuôi mà làm thực phẩm chay, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng rất tốt. Việc nhập khẩu đậu tương không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là một phần trong chiến lược đảm bảo an ninh thực phẩm và ổn định giá đầu vào ngành chăn nuôi. Dự báo, nhóm hàng nông sản, trái cây nhập từ Mỹ về sẽ tăng đột phá nếu được hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu", ông Đặng Phúc Nguyên nói.

Với việc gia tăng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ về VN trong 4 tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận xét đây là "tín hiệu tích cực, thiện chí, tạo niềm tin" từ VN trước các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Ông Lạng cũng tỏ ra tự tin trong việc cân bằng thương mại giữa 2 bên bởi các mặt hàng có giá trị lớn như máy móc, máy bay, chip, hệ thống truyền tải điện, nguyên vật liệu sản xuất, nông sản... của Mỹ thì VN đều có nhu cầu mua sắm hằng năm rất lớn. Các hãng hàng không VN hầu như năm nào cũng có ký kết mua máy bay từ Mỹ. 

Mới đây, nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp 2 nước cũng được ký kết, các hợp đồng mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí, nhập khẩu sản phẩm lọc hóa dầu lên đến 50 tỉ USD. Ước tính, tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại được ký kết giữa doanh nghiệp 2 nước Mỹ - VN trong năm nay lên hơn 90 tỉ USD". Đó là những con số "biết nói" trong đàm phán sắp tới về thuế đối ứng giữa VN và Mỹ.

Nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ tăng mạnh- Ảnh 2.

ĐỒ HỌA: BẢO NGUYỄN

Để rút ngắn khoảng cách thương mại hằng năm và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giảm thuế nhập khẩu để người Việt tăng mua hàng nông sản Mỹ là rất cần thiết. Bên cạnh đó, VN cũng có Quy hoạch điện 8, tăng đầu tư truyền tải, phát triển nguồn điện tái tạo nên các hệ thống truyền tải điện, điện gió… nếu được nhập khẩu từ Mỹ ngay từ bây giờ sẽ là lợi thế, cần thiết.PGS-TS Nguyễn Thường Lạng


Các tin khác

Khi các hãng hàng không bán ‘hàng xén’ thu tiền tỷ

Bán vé máy bay kèm sớ cúng, đồ lễ; bán trà sữa; bán đá lạnh… là những món hàng tưởng chỉ có tại các chợ truyền thống, nhưng nay được nhiều hãng hàng không thực hiện. Điều đáng nói, doanh thu từ “tiệm tạp hóa trên mây” không nhỏ chút nào.

Elon Musk tiếp tục nhận tin buồn

Bất chấp việc người dân châu Âu đang chuyển sang dùng xe điện nhiều hơn, Tesla lại đang trải qua giai đoạn doanh số sụt giảm nghiêm trọng trên toàn khu vực. Những yếu tố như cạnh tranh khốc liệt, hình ảnh cá nhân của Elon Musk và căng thẳng thương mại đang khiến hãng xe Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm

Mặc dù nợ xấu tiếp tục tăng mạnh trong quý I nhưng dự phòng rủi ro lại không tăng tương xứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng sụt giảm. Bộ đệm dự phòng rủi ro suy yếu có thể tạo ra áp lực trong những quý tiếp theo.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

Người lao động nghỉ không lương thì có đóng BHXH hay không?

Trong quá trình làm việc, không ít người lao động xin nghỉ không lương vì lý do cá nhân như chữa bệnh, chăm sóc gia đình, học tập hay du lịch dài ngày. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và người lao động vẫn băn khoăn rằng khi nghỉ không lương thì có phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hay không?

Tây Ninh - Vùng biên mở lối: Sáp nhập để cất cánh

Khi câu chuyện sáp nhập tỉnh được đặt ra, không ít người lo ngại sẽ mất đi "tính riêng" của từng địa phương. Nhưng với Tây Ninh và Long An, hai tỉnh giáp ranh với nhiều điểm tương đồng, hứa hẹn việc hợp nhất có thể là bước nhảy chiến lược.

Gen Z - thế hệ cả tin

Gen Z được đánh giá là những người thường thất bại trong việc phân biệt sự thật và hư cấu trong thế giới mạng Internet.

Trình Quốc hội thông qua nghị quyết về kinh tế tư nhân

Chiều 8.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách, hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Cổ tích ở Trường Sa: Sống chết cùng nhau

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Hợi năm nay 66 tuổi, trẻ nhất trong 7 người trôi dạt trên biển Trường Sa, nhưng là chiến sĩ đầu tiên đổ bộ lên đóng giữ đảo Phan Vinh.

Sự thật việc sầu riêng Việt Nam mất ‘ngôi vương’

Dù được kỳ vọng là ngành hàng tỷ đô của nông sản Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng từ đầu năm đến nay chỉ đạt 20% kế hoạch. Tình hình này không chỉ ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của ngành mà còn kéo theo giá trị thị trường sầu riêng trong nước giảm mạnh.