Từ khi bước chân vào thị trường lao động, chúng ta bắt đầu có đồng nghiệp. Tuy nhiên, để gặp được những người thực sự thân thiết, có mối quan hệ tốt trong môi trường làm việc lại không phải chuyện dễ dàng. Do vậy đi làm, tìm được những “cạ cứng” ở nơi công sở là một điều may mắn.
Trái ngang ở chỗ, đôi lúc bạn sẽ vô tình rơi vào tình huống: “Sai công ty nhưng đúng đồng nghiệp”. Tức là, những đồng nghiệp làm việc mỗi ngày cùng bạn đều rất tốt, thậm chí có thể coi là những người bạn thân nhưng công ty hay sếp lại quá tệ. Điều này, khiến không ít người rơi vào tình cảnh bối rối, không biết nên đi hay ở vì tiếc mối quan hệ này.
Sai công ty nhưng đúng đồng nghiệp
Minh Anh (25 tuổi, Hà Nội) từng làm marketing cho một công ty khởi nghiệp, nhân sự trong công ty chưa đến 10 người nên ai cũng đều quen biết và chơi thân với nhau. Minh Anh cho hay, cô cảm thấy may mắn khi gặp được những người đồng nghiệp cùng “tần số”. Song, sếp lớn và những chính sách của công ty khiến cô cảm thấy khó hiểu và mức lương không thoả đáng.
Ảnh minh hoạ: Pinterest
“Mức lương khi đó của mình là 9 triệu/tháng nhưng làm marketing mà công ty không tính lương theo KPI. Chưa kể, ban đầu mình nộp đơn vào vị trí content marketing nhưng cuối cùng phải ‘cân’ hết mọi đầu việc trong phòng do thiếu người. Ngoài ra, mình phải làm thêm vào cuối tuần hoặc trả lời tin nhắn vào lúc 11 giờ đêm”, Minh Anh bày tỏ.
Có quá nhiều lý do khiến cô bạn nghĩ đến chuyện nghỉ việc, tìm một công ty mới tốt hơn. Tuy nhiên, điều giữ chân Minh Anh lại là đồng nghiệp, cô bạn thừa nhận tiếp xúc với đồng nghiệp còn nhiều hơn cả người yêu. “Ngày 8 tiếng làm cùng nhau, ăn trưa rồi có khi cũng ăn tối cùng nhau. Họ thực sự là người cùng mình vượt qua từ lúc vui đến lúc bực tức. Do vậy, dù công ty không tốt nhưng mình vẫn cố gắng nhẫn nhịn, ở lại vì đồng nghiệp”.
Còn đối với Mạnh Kiên (24 tuổi, Hà Nội), đồng nghiệp là yếu tố quan trọng khiến cậu bạn quyết định gắn bó ở một công ty nào đó. Mạnh Kiên quan niệm, đó là những người làm việc cùng mình mỗi ngày, nếu như không thể hoà hợp sẽ rất khó để tồn tại. “Thật sự, mình chọn sai công ty nhưng đúng đồng nghiệp. Chúng mình coi nhau như anh em, làm việc ăn ý và họ là động lực để mình đến công ty”, Mạnh Kiên nói.
Ảnh minh hoạ: Pinterest
Mạnh Kiên thân thiết với đồng nghiệp đến mức còn là người đứng ra “đấu tranh”, đòi quyền lợi cho những người bạn của mình. Thậm chí, cậu bạn chỉ quyết định chấm dứt công việc khi những đồng nghiệp của mình nghỉ việc. Mạnh Kiên chia sẻ: “Hiện tại, tất cả chúng mình đều không còn làm ở công ty cũ. Dù trước đó mình đã không còn nhiều hứng thú với công việc nhưng vẫn nhất định không viết đơn, mà đợi đồng nghiệp. Chỉ đến khi công ty quyết định để đồng nghiệp nghỉ, cũng là lúc mình chấm dứt làm việc tại đó”.
Tiền quan trọng, sao vẫn chọn đồng nghiệp?
Khi đặt Minh Anh và Mạnh Kiên vào tình huống bắt buộc phải lựa chọn giữa đồng nghiệp tốt và công ty mới với mức lương cao hơn, Minh Anh không ngần ngại chọn kiếm tiền. Cô bạn cho rằng, mục tiêu của việc đi làm là hướng đến sự thăng tiến trong sự nghiệp, cùng với đó là mức thu nhập xứng đáng với công sức bản thân bỏ ra.
Minh Anh bày tỏ: “Mình nghĩ, đồng nghiệp tốt đến đâu cũng không thể giúp mình kiếm ra tiền. Đương nhiên, trước khi quyết định thay đổi mình cũng sẽ cảm thấy bối rối, nuối tiếc và cũng e ngại khi sang môi trường mới sẽ không có những người bạn như hiện tại. Tuy nhiên, trải nghiệm hay tiền lương là những thứ quan trọng mà mình cần có. Và nếu đồng nghiệp tốt, họ chắc chắn sẽ ủng hộ mình”.
Ảnh minh hoạ: Pinterest
Dẫu vậy, Minh Anh cho rằng dù bản thân lý trí, mạnh mẽ chọn việc mới lương cao nhưng cô bạn cũng không tránh khỏi những bối rối trong suy nghĩ. Không những thế, Minh Anh cũng từng cho rằng nếu đồng nghiệp cùng nghỉ, cô bạn sẽ dễ dàng đưa ra quyết định hơn.
Mạnh Kiên lại khác, giữa lương cao và đúng đồng nghiệp, cậu bạn vẫn chọn ở lại cùng những người anh em đã gắn bó lâu năm. Mạnh Kiên cho rằng, việc tìm được một công việc tốt không khó bằng việc có được những người làm cùng ăn ý, không đố kỵ hay gây khó khăn.
“Mình nghĩ sai công ty nhưng đúng đồng nghiệp thì vẫn còn cách để cố gắng. Muốn lương cao có thể làm thêm việc ngoài chẳng hạn. Còn nếu đúng công ty, sai đồng nghiệp có lẽ sẽ khó “cứu chữa” hơn. Vốn dĩ làm việc ở đâu cũng có áp lực, nếu phải chịu thêm những sự khó chịu từ đồng nghiệp, đi làm không có niềm vui hay tệ hơn là đối mặt với những điều tiêu cực thì sớm muộn gì cũng nghỉ việc, không thể gắn bó lâu dài”, Mạnh Kiên nhận định.