Ngày 1/1/2023, 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) sẽ đồng loạt khởi công tại 9 tỉnh, thành phố, các dự án này sẽ được thực hiện chỉ trong gần 3 năm.
Là một nhà thầu tham gia thi công gói thầu 11-XL dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh), ông Nguyễn Hữu Tới, Phó tổng giám đốc Vinaconex, cho biết, đơn vị đã được bàn giao khoảng 70% diện tích mặt bằng sạch, song nhiều đoạn ở dạng "xôi đỗ" và thiếu đường vào công trường nên chưa thể thi công trước Tết, nhà thầu sẽ phải tiếp tục chờ đợi mặt bằng sạch mới.
Ngoài ra, nhà thầu này hiện chưa biết cụ thể sản lượng, chất lượng mỏ vật liệu ra sao vì chưa được bàn giao và còn lo ngại mất thời gian giải phóng mặt bằng cho mỏ vật liệu.
Một nhà thầu khác tham gia thi công cao tốc Bắc Nam cũng nhận định, khi các dự án cao tốc đồng loạt triển khai dễ dẫn đến tình trạng các chủ mỏ đầu cơ tăng giá cao hơn so với công bố giá của địa phương. Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ, giao nhà thầu trực tiếp khai thác mỏ vật liệu, nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu, dẫn đến nguy cơ chi phí tăng và chậm tiến độ dự án. Sau khi được bàn giao mỏ vật liệu, nhà thầu còn phải xin cấp phép khai thác và giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu.
Cùng với đó, quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm định xác định giá dự toán và lập hồ sơ của nhiều tuyến cao tốc Bắc Nam chưa thể chính xác do các dự án được khảo sát thời gian ngắn, trong khi các tuyến cao tốc đi qua khu vực có địa hình phức tạp, nền đất yếu, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc giảm giá 5% khi chỉ định thầu sẽ là thách thức rất lớn đối với các bên tham gia thực hiện dự án trong bối cảnh hiện nay.
"Giá các loại vật tư, vật liệu, nhiên liệu luôn biến động tăng trong khi các địa phương công bố giá vật tư, chỉ số giá không kịp thời, chưa phù hợp", đại diện nhà thầu nhấn mạnh.
Là nhà thầu tham gia dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng khi thực hiện cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, các bên Bộ Giao thông Vận tải, địa phương, nhà thầu đều phải nhận diện các rủi ro để tránh ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Các bộ ngành cần hướng dẫn địa phương sử dụng nguồn vốn của dự án thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng các mỏ vật liệu mới, đường tiếp cận các mỏ vật liệu, bãi đổ thải trước 30/1/2023.
"UBND các tỉnh khẩn trương giao mỏ vật liệu mới cho các nhà thầu trước ngày 30/1/2023 để nhà thầu thi công xuyên Tết. Các tỉnh cũng cần công bố chỉ số giá, đơn giá vật tư, vật liệu hàng tháng phù hợp với thực tế để đảm bảo thanh, quyết toán công trình", ông Hồ Minh Hoàng nói.
Ông Hồ Minh Hoàng cũng đề nghị các địa phương sớm bàn giao mặt bằng, đặc biệt tại các phạm vi đường găng tiến độ như nền đất yếu, các cửa hầm, cầu, nút giao, đồng thời vận động người dân tại khu vực dự án ủng hộ nhà thầu sử dụng các đường tiếp cận vào công trường.
Các ban quản lý dự án cần khẩn trương phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công để đáp ứng tiến độ thi công và yêu cầu tư vấn giám sát khẩn trương huy động đầy đủ nhân lực đáp ứng với kế hoạch thi công xuyên Tết.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Tiến Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư xây dựng cho biết, điều chỉnh giá vật liệu các dự án cao tốc như sắt, thép, xi măng, nhựa đường đều căn cứ quy định Thông tư 07 của Bộ Xây dựng khi có biến động giá lớn so với thực tế.
Trước đây công thức điều chỉnh giá được tính cho cả hợp đồng, nay đã chia nhóm và chia nhỏ công thức theo thực tế, sẽ giải quyết được biến động giá. Trường hợp biến động lớn, xem xét điều chỉnh giá bù trừ trực tiếp theo quy định.
Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Nghị quyết 18 của Chính phủ đã cho phép giao trực tiếp mỏ vật liệu cho các nhà thầu khai thác, thời gian thực hiện thủ tục cấp phép cũng được rút ngắn.
Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án làm việc với địa phương nắm bắt được các mỏ đã có/chưa có trong quy hoạch và đảm bảo các mỏ giao cho nhà thầu triển khai là tối ưu nhất và gần nhất khu vực dự án.
"Mỏ vật liệu được nghiên cứu hiện lớn hơn nhu cầu của các dự án. Nguồn đất đắp được đảm bảo cung cấp vật liệu cho các dự án", ông Minh nói.
Với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu cát đắp cho 4 dự án cao tốc khoảng 47 triệu m3, song nguồn cát đắp không nằm ở các địa phương có dự án đi qua mà tập trung ở An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long. Theo chỉ đạo của Chính phủ, việc cấp cát là trách nhiệm chung của các tỉnh. Chính phủ đã cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác tối đa 50%.
12 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 có chiều dài 723 km, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).
Tổng mức đầu tư các dự án là 146.990 tỷ đồng bằng vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ năm 2026.