Ông Lê Xuân Ái trong những ngày nghiên cứu tại khu vực ấp nở rùa biển Bãi Bấc (Cù Lao Chàm) - Ảnh: B.D.
Cuối chiều 2-6, nhiều người thân và giới bảo tồn khắp cả nước đã tìm về căn nhà nhỏ mới xây ở thôn Long Thanh, xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) để tiễn biệt ông Lê Xuân Ái - chuyên gia bảo tồn rùa biển Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An.
Bên khung cửa sổ hiên nhà, người thân của ông Ái dán kín những bức ảnh và những trang báo viết về ông, tất cả đều một khuôn thước: ông Ái đội chiếc mũ tai bèo, say sưa mân mê những chú rùa non mới chui ra từ vỏ trứng dưới lớp cát; ông Ái trùm kín đồ bảo hộ, miệng ngậm ống oxy lặn xuống đáy đại dương để thám sát vùng nước mà lũ rùa thường tìm về đẻ trứng.
"Ông Ái mất vào sáng 2-6, sau nhiều năm chống chọi với ung thư. Anh chị em làm bảo tồn khắp cả nước và trên thế giới lập nhóm để báo tin, cập nhật lễ viếng ông. Chúng tôi đang chọn một ý tưởng gì đấy gắn liền với rùa biển, có thể là một chú rùa được cứu vớt từ lưới ngư dân sẽ được đặt tên Lê Xuân Ái, hoặc cũng có thể ghi nhớ tên ông trong khu vực trưng bày về rùa ở khu bảo tồn biển", ông Nguyễn Văn Vũ, phó giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nói giọng bùi ngùi.
Ông Lê Xuân Ái (63 tuổi) được xem là một "nhà rùa học" nổi tiếng trong giới bảo tồn. Ông được nhiều chuyên gia cảm phục không chỉ chuyên môn, sự hài hước, tài "nói trạng" mà gần như cả cuộc đời ông đều dành tâm sức cho nỗ lực bảo tồn rùa biển.
Ông từng có thời gian làm giám đốc tại Vườn quốc gia Côn Đảo. Giai đoạn đó ông được biết đến vì sự hăng hái và quyết liệt trong việc giữ lại hệ sinh thái rừng, giữ lại vùng rùa đẻ trứng và môi trường tự nhiên trên đảo.
Không chỉ cách ươm nở rùa, tư duy bảo tồn và cách giữ rừng, thuyết phục cộng đồng tham gia bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên của ông Ái thực sự là một bài học rất giá trị mà chúng tôi đã học được. Bài học đó đã được anh em áp dụng, ông Ái cổ vũ bà con và tới nay rừng lẫn biển ở Cù Lao Chàm được giữ gần như nguyên vẹn.
Ông Nguyễn Văn Vũ
Năm 2015, ông Ái về Hội An để đầu quân cho Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm từ lời mời của ông Nguyễn Sự - nguyên bí thư Thành ủy Hội An.
Từ lúc về Hội An, ông Ái sống lặng lẽ trong một khu nhà trọ ngoại thành. Hằng ngày ông đạp xe đi về các vùng quê trò chuyện với bà con, thời gian còn lại gần như ông lang thang trên Bãi Hương, Bãi Chồng, Bãi Xếp, Bãi Bấc (Cù Lao Chàm) để nghiên cứu rùa.
Trước đây, Cù Lao Chàm từng là bãi ấp nở của rùa biển nhưng con người đã dần xâm chiếm khiến rùa bỏ đi. Khi về Cù Lao Chàm, ông Ái đã trực tiếp cùng cán bộ Ban quản lý khu bảo tồn biển viết đề tài khoa học "Phục hồi và bảo vệ rùa biển tại Cù Lao Chàm".
Đề tài đặt mục tiêu tạo bãi ấp nở, giữ môi trường an lành để tái tạo lại đàn rùa đông đúc đã từng có trong quá khứ ở Bãi Bấc - cách trung tâm Cù Lao Chàm chừng 4km. Đề tài này nhận được sự đồng thuận từ cả chính quyền lẫn bà con ngư dân Quảng Nam.
Không ai có thể nghĩ rằng đến một ngày ngư dân lại chính là những người đi giải cứu rùa biển, gỡ những chú rùa mắc lưới đánh cá và tìm cách "hô hấp nhân tạo", đưa về khu bảo tồn biển giải cứu rồi trả về biển cả.
"Ông Ái có công rất lớn trong việc thay đổi nhận thức của ngư dân, biến đổi họ từ những người ít quan tâm tới hệ sinh thái thành những cộng tác viên cho dự án bảo tồn biển, bảo tồn rùa", ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Hội An, nói.
Hiện nay dự án phục hồi rùa biển đang trong giai đoạn theo dõi, nhưng một phân khu dành ấp nở rùa đã được khoanh vùng và bảo vệ nghiêm ngặt.
Toàn bộ trứng rùa được ông Ái cùng anh em kỹ sư đặt vô thùng xốp, ôm trên tay, di chuyển nhiều đợt bằng máy bay lẫn xe khách từ Vườn quốc gia Côn Đảo về tới Cù Lao Chàm từ 2017 - 2019. Những chú rùa con nở ra từ số trứng mà ông Ái "ôm" về đã gieo vào đại dương hàng ngàn mầm sống và những niềm hy vọng trong tương lai.